“Luật im lặng” ở bãi vàng suối Đek

Thứ sáu, ngày 15/07/2011 14:11 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Hơn trăm con người đêm ngày vật vạ giữa núi rừng, cam phận làm thuê mà không hẹn ngày về. Đó là tình cảnh chung của người lao động tại các hầm vàng quanh khu vực suối Đek, xã Pờ Tó, huyện Ia Pa, Gia Lai.
Bình luận 0

Bãi vàng quanh khu vực suối Đek vắt ngang qua các làng Bi Yông, Bi Ya, xã Pờ Tó, huyện Ia Pa được vàng tặc phát hiện từ năm 1985 nhưng đã giải tán. Tuy nhiên, từ năm 2008 đến nay, các hầm vàng xung quanh khu vực suối Đek lại trở nên tấp nập. Không gian vốn tĩnh lặng của rừng phòng hộ Ayun Pa bị phá tan bởi tiếng gầm rú inh ỏi của máy xúc, máy đào và điểm xuyết bằng tiếng quát tháo, chửi rủa của các chủ hầm.

Vào bãi vàng

Bất chấp thời tiết ẩm ướt, giá lạnh, lời hứa hẹn của chủ hầm về lương, thưởng đã hút dòng người tứ xứ đổ về xã Pờ Tó - một địa phương heo hút, ngập ngụa trong bùn đất lầy lội, cuộc sống tràn ngập khó khăn…

img
Máy móc được các chủ hầm vàng trang bị đầy đủ.

Trong vai một người đam mê cây cảnh, chúng tôi từng bước tiếp cận hầm vàng của một người đàn ông tên Tấn, quê ở huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Tại đây, lần đầu tiên chúng tôi được biết đến một thứ luật bất thành văn mới - “luật bãi vàng” xung quanh những điều cấm như: Không mót xái của nhau, không hẹn ngày về, và phải im lặng...

Khu vực lán trại được dựng san sát nhau ngay bên cạnh khu vực hầm, gần 20 lao động đang làm việc cật lực ngay tại hệ thống máng lọc, một nhóm thanh niên chừng 16-18 tuổi hì hục khơi dòng khoáng mà máy dầu diezel 16 mã lực vừa hút đất, đá từ trong hầm ra.

Nhờ những điếu thuốc mời mọc, lon nước ngọt mở đầu, chúng tôi có được hơn 30 phút chuyện trò với nhóm thanh niên này. Được biết, cả nhóm đều là người Mường ở xã Mường Mọc, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An.

Sau vài câu xã giao làm quen, một người tên Lô Văn Hiệp thầm thì: “Nhóm em có 8 người được một người tên Hùng giới thiệu vào làm công nhân công ty cà phê, cao su tại Tây Nguyên với mức lương 3 - 4 triệu đồng/người/tháng. Nhưng rồi họ đưa chúng em đến đây với công việc vô cùng cực nhọc, với mức lương 2,7 – 3 triệu đồng/tháng. Như vậy nhưng đố ai dám rên la một tiếng với ông chủ!”.

Chuyện của Hiệp như khẳng định quyền lực của chủ hầm với các đối tượng tham gia khai thác vàng khu vực suối Đek. Cũng theo Hiệp, cách đây hơn 1 tháng, một người tên thường gọi là Đinh Linh ở Hoà Bình làm việc bên hầm vàng của ông Ngọc đòi về quê không làm việc nữa, ông Ngọc không nói gì nhưng tối đó, Linh bị đánh tơi tả mà không dám hé răng nửa lời. Kể từ đó, những lao động ở bãi vàng không ai dám ho he đòi về hay than thở khổ cực.

Giấc mộng đổi đời và... tàn đời

Tại khu vực suối Đek, theo quan sát của chúng tôi, có hơn 11 hầm đang mở và khai thác rầm rộ. Mỗi hầm có độ sâu từ 10-15m nên khả năng sạt lở rất lớn, đặc biệt là mùa mưa bão như hiện nay.

Nằm sát khu rẫy của ông Vũ Văn Hải, hàng chục lao động của chủ hầm vàng Phạm Văn Ngọc thường xuyên hút nước từ suối Đek để sàng lọc sa khoáng, xe xúc ủi đất xâm lấn cả phần rẫy của ông suốt thời gian qua. Bức xúc trước tình hình này, ông Hải nhiều lần gửi đơn kiến nghị lên chính quyền địa phương, Công an xã Pờ Tó, nhưng chưa nhận được hồi âm.

img
Lán trại của dân đào vàng quanh khu vực suối Đek.

Cũng theo thông tin từ quần chúng nhân dân, mỗi tháng, các chủ hầm đều sai người đóng tiền định kỳ 1,5 triệu đồng/tháng cho một người tên N - cán bộ xã Pờ Tó. Có lẽ vì vậy, suốt thời gian qua, mặc dù người dân đã viết đơn gửi chính quyền địa phương, lực lượng Công an xã Pờ Tó nhưng vẫn không được giải quyết.

Theo một số hộ dân sống quanh khu vực này, dân tứ xứ về đây khai thác vàng ẩu đả nhau liên miên cùng với hàng loạt tệ nạn xã hội như bài bạc, hút chích ma tuý gây mất an ninh trật tự.

Được biết, chỉ trong 3 tháng (từ tháng 4 đến tháng 7.2010), Công an tỉnh Gia Lai đã bắt được 3 đối tượng mua bán, vận chuyển ma tuý xung quanh khu vực bãi vàng xã Pờ Tó, là Đặng Văn Cảnh, Nguyễn Đức Toàn và Trần Văn Nam với số lượng lên đến 13 tép heroin. Riêng đối tượng Đặng Văn Cảnh ở xã Ia Hiao, huyện Phú Thiện đã tìm đến bãi vàng suối Đek mua lại 7 tép heroin của một người không rõ lai lịch để tàng trữ và sử dụng.

Thừa nhận tệ nạn này, ông Lê Văn Biên - Trưởng Công xã Pờ Tó cho rằng: “Chúng tôi không thể làm gì được khi lực lượng công an xã quá mỏng, chỉ có thể kiểm tra tạm trú, tạm vắng mà thôi. Nhưng trong nhiều lần kiểm tra, hàng chục lao động tại bãi vàng lẩn trốn trong rừng, nhiều người không đăng ký tạm trú, tạm vắng, thậm chí họ còn không có CMND…”.

Bao giờ suối Đek bình yên?

Trước tình hình khai thác vàng trái phép ngày càng rầm rộ trên địa bàn, thượng tá Rơchâm Soan - Trưởng Công an huyện Ia Pa cho biết: Bãi vàng suối Đek hoạt động từ năm 2008 đến nay, chủ yếu là “mót xái” trên những hầm cũ đã tồn tại từ năm 1985. Ngay từ khi nạn khai thác vàng trái phép hoạt động trở lại, Công an huyện đã tham mưu cho UBND huyện thành lập đoàn kiểm tra liên ngành truy quét, đẩy đuổi các đối tượng ra khỏi địa bàn. Tuy nhiên, do việc kiểm tra không thường xuyên nên khi đoàn kiểm tra rút đi các đối tượng tiếp tục trở lại khai thác.

Đợt kiểm tra gần đây (20.4), Công an huyện Ia Pa và cơ quan chức năng phát hiện hơn 7ha rừng phòng hộ thuộc lâm phần của Ban quản lý rừng phòng hộ Ayun Pa đang bị lao động trong các hầm vàng quanh khu vực suối Đek xâm hại nghiêm trọng. Bước đầu, Công an huyện Ia Pa xác định, các hầm vàng quanh khu vực suối Đek do 3 “ông chủ” điều hành là Lê Quang Hiện (ở xã Châu Phong, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh); ông Trần Văn Tấn và ông Phạm Văn Ngọc cùng ở xã Kim Định, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.

img Suốt thời gian qua, Công an huyện và cơ quan chức năng nhiều lần tổ chức truy quét, đẩy đuổi nhưng sau vài ngày, họ lại tiếp tục khai thác. Hơn một tháng trở lại đây, các chủ hầm lại tiếp tục đưa máy, đưa người vào dựng lán trại ngay bên bờ suối Đek. img

Ông Lê Văn Biên - Trưởng Công an xã Pờ Tó

Mới đây nhất, các trinh sát Công an huyện Ia Pa phát hiện các chủ hầm mới vào chưa rõ tên tuổi liên tục tăng cường thêm máy xúc vào khu vực, nâng số lượng máy lên đến 8 máy xúc, 1 máy ủi.

Khi lực lượng Công an xã Pờ Tó vào kiểm tra, nhiều đối tượng lẩn trốn trong rừng nên bước đầu chỉ xác định tên tuổi, quê quán của 56 người đang làm việc tại bãi, chủ yếu đến từ các tỉnh phía Bắc như Nghệ An, Thái Bình, Ninh Bình, Bắc Giang, Hoà Bình.

Làm việc với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Chánh - Chủ tịch UBND huyện Ia Pa cho biết: Qua nhiều lần kiểm tra, Công an huyện cùng các cơ quan chức năng đã xác định khu vực này có đến 15 hầm vàng tồn tại từ cuối năm 2007 đầu năm 2008 đến nay.

Theo đề nghị của Công an huyện, UBND huyện Ia Pa sẽ chỉ đạo các ngành chức năng kiên quyết xử lý các đối tượng khai thác vàng trái phép, kê biên tịch thu phương tiện máy móc nhằm ngăn chặn tình trạng khai thác vàng khu vực suối Đek đang ngày càng diễn biến phức tạp, gây mất an ninh trật tự địa phương.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem