Việc Tập đoàn Trung Nguyên của ông Đặng Lê Nguyên Vũ “tuyên bố” bà Lê Hoàng Diệp Thảo không còn là cổ đông của Tập đoàn, theo luật sư Bùi Quốc Tuấn - đoàn luật sư TP.HCM là không sai.
Trung Nguyên làm theo luật là quyền của Trung Nguyên
Ông Tuấn phân tích, đối với bản án Phúc thẩm số 39/2019/HNGĐ-PT tuyên ngày 05/12/2019 của Tòa án cấp cao tại TP. HCM có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án. Điều đó có nghĩa, việc ông Đặng Lê Nguyên Vũ thực hiện thi hành bằng việc đã nộp số tiền 1.190.677.619.855 đồng tại Cục thi hành án dân sự TP.HCM là đúng qui định của pháp luật tố tụng dân sự và thi hành án dân sự. Do đó, nghĩa vụ thực hiện của Tập đoàn Trung Nguyên sau ngày thi hành án cũng đã thực hiện xong.
Luật sư Bùi Quốc Tuấn
Liên quan yêu cầu hoãn thi hành án dân sự của Viện kiểm sát tối cao, Cục thi hành án dân sự TP.HCM cho biết ngày 13/1, cơ quan này nhận được văn bản yêu cầu hoãn thi hành án đối với bản án phúc thẩm tranh chấp về hôn nhân và gia đình giữa bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ.
Song trước khi nhận được yêu cầu hoãn thi hành án, phía ông Vũ đã thi hành xong nghĩa vụ thanh toán chênh lệch tài sản gần 1.200 tỷ đồng theo bản án phúc thẩm đã tuyên, nên Cục thi hành án dân sự TP.HCM không thể ra quyết định hoãn thi hành án về phần tài sản này đối với ông Vũ.
Nếu như thông tin này là chính xác, thì việc Tập đoàn Trung Nguyên của ông Đặng Lê Nguyên Vũ sau khi thi hành án hoàn toàn có cơ sở để hoàn thành văn bản, thủ tục tại Sở Kế hoạch và Đầu tư tại các tỉnh và thành phố gồm TP.HCM, Bình Dương, Bắc Giang, Đắk Lắk, Đắk Nông để thông báo thay đổi thông tin cổ đông theo quyết định của tòa án. Theo đó, danh sách cổ đông mới tại các công ty thuộc Tập đoàn Trung Nguyên, hoàn toàn không còn tên bà Lê Hoàng Diệp Thảo với tư cách là cổ đông của công ty là không sai. "Trong trường hợp này, Tập đoàn Trung Nguyên làm theo luật là quyền của họ", ông Tuấn cho hay.
“Trường hợp toàn bộ nội dung bản án này đã được thi hành xong nhưng vẫn bị kháng nghị thì những nội dung đã được thi hành vẫn có giá trị pháp lý đến khi có một bản án, quyết định mới, có hiệu lực pháp luật của tòa làm thay đổi nội dung đã được thi hành”, luật sư Tuấn thông tin thêm.
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo có quyền khiếu nại?
Về phía bà Lê Hoàng Diệp Thảo, luật sư Tuấn cho rằng, văn bản hoãn thi hành án có hiệu lực hay không thì cơ quan thi hành án phải chịu trách nhiệm. Bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã khiếu nại giám đốc thẩm và đã có thông báo hoãn thi hành án nhưng cơ quan thi hành án vẫn tiếp tục thi hành án, thì bà Thảo có quyền khiếu nại nếu thấy thiệt hại do cơ quan thi hành án gây ra. Còn Trung Nguyên làm theo luật là quyền của Trung Nguyên.
Văn bản hoãn thi hành án được bà Lê Hoàng Diệp Thảo đăng tải trên trang cá nhân
Vị luật sư này cũng lưu ý thêm, việc Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã có văn bản quyết định hoãn thi hành án số 01/YC-VKS-DS để xem xét giải quyết các thủ tục đề nghị giám đốc thẩm của bà Lê Hoàng Diệp Thảo từ ngày 10/1/2020. Việc này mới chỉ là tạm hoãn thi hành Bản án, nhằm tránh những việc phát sinh làm khó khăn cho việc giải quyết vụ án sau này. Vì vậy, phải chờ có kháng nghị giám đốc thẩm hay không, nghĩa là giám đốc thẩm xem xét lại bản án. Quyết định có hiệu lực pháp luật, nhưng bị kháng nghị giám đốc thẩm khi có căn cứ theo qui định của Pháp luật (Điều 326 Bộ luật TTDS năm 2015), cũng chưa chắc Chánh án Tòa án tối cao hay Viện trưởng Viện kiểm soát Nhân dân tối cao có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hay không? Việc này thời hạn là 3 năm? Còn thẩm quyền của Hội đồng xét xử giám đốc thẩm khi xem xét kháng nghị chấp nhận hay không chấp nhận kháng nghị cũng như việc giữ nguyên, hủy Bản án hay sửa Bản án… cũng tùy thuộc vào Hội đồng xét xử giám đốc thẩm (Điều 343 Bộ Luật Tố Tụng dân Sự năm 2015).
Tuy nhiên, Hội Đồng xét xử sẽ xem xét trong trường hợp này là bản án đã được thi hành một phần hoặc toàn bộ để từ đó Hội Đồng xét xử phải giải quyết hậu quả của việc thi hành án nêu trên. (Khoản 2 Điều 347 BLTTDS 2015)
Như Dân Việt đã đưa tin, ngày 15/2/2020, Tập đoàn Trung Nguyên của ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã công bố thông tin về việc tự nguyện thực hiện nghĩa vụ thi hành án đối với cá nhân Chủ tịch HĐQT Đặng Lê Nguyên Vũ và Tập đoàn Trung Nguyên.
Thông báo cho biết, ngày 13/1/2020, Cục thi hành án dân sự TP.HCM có văn bản 3978/GXN – THADS xác nhận ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã nộp số tiền 1.190.677.619.855 đồng tại Cục thi hành án dân sự TP.HCM và khẳng định ông Vũ đã hoàn thành xong nghĩa vụ thanh toán chênh lệch tài sản cho bà Thảo.
“Ông Đặng Lê Nguyên Vũ thi hành xong nghĩa vụ thanh toán chênh lệch cho bà Lê Hoàng Diệp Thảo trước khi Cục thi hành án dân sự TPHCM nhận được yêu cầu hoãn thi hành án của Viện kiểm sát Nhân dân tối cao, nên yêu cầu hoãn thi hành án của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao hoàn toàn không gây ảnh hưởng đến các nội dung đã được thi hành án, cũng như tiến trình thực hiện các thủ tục chuyển lập danh sách cổ đông mới hoàn toàn không còn tên bà Lê Hoàng Diệp Thảo”, đại diện Trung Nguyên nhấn mạnh.
Đồng thời, Tập đoàn Trung Nguyên đã hoàn thành văn bản, thủ tục tại Sở Kế hoạch và Đầu tư tại các tỉnh và thành phố gồm TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bắc Giang, Đắk Lắk, Đắk Nông để thông báo thay đổi thông tin cổ đông theo quyết định của tòa án và danh sách cổ đông mới tại các công ty thuộc Tập đoàn Trung Nguyên, hoàn toàn không còn tên bà Lê Hoàng Diệp Thảo với tư cách là cổ đông của công ty.
Ngay sau đó, bà Lê Hoàng Diệp Thảo chia sẻ quan điểm của mình trên trang cá nhân và cho rằng, bà là đồng sáng lập và là chủ của Trung Nguyên, Toà án không được quyền tước bỏ quyền cổ đông của bà. Theo bà Thảo, vào thời điểm này hơn bao giờ hết, rất cần công lý thực thi để bảo vệ quyền của công dân, quyền của người phụ nữ và trẻ em.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.