Luật sư Trần Tuấn Anh: "Mù chữ cũng lấy được bằng lái xe”

Gia Linh Thứ năm, ngày 24/01/2019 08:55 AM (GMT+7)
Luật sư Trần Tuấn Anh, giám đốc công ty luật Minh Bạch cho rằng, những vụ tai nạn giao thông thảm khốc liên tiếp xảy ra trong thời gian vừa qua chủ yếu là do con người. Từ đầu vào lái xe đến khâu thực thi của cơ quan thi hành công vụ đều có những bất cập. Thậm chí, mù chữ cũng lấy được bằng lái xe.
Bình luận 0

Đề cập đến tình trạng tai nạn giao thông thảm khốc diễn ra liên tiếp thời gian gần đây, Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề “Để không còn những cái chết oan uổng vì tai nạn giao thông”

Nguyên nhân chủ yếu nằm từ phía con người

Tại buổi giao lưu trực tuyến, lý giải nguyên nhân, vì sao trong thời gian qua vấn đề tai nạn giao thông lại khiến cho dư luận bức xúc như vậy? Luật sư Trần Tuấn Anh cho rằng, từ trước đây trong ý thức của chúng ta và đến bây giờ trong bộ luật hình sự cũng như các lỗi về mặt giao thông, chúng ta đều đưa giao thông về lỗi vô ý, tức là nó nằm ngoài tầm kiểm soát của con người. Nhưng theo vị luật sư này, nếu nhìn vào 2 vụ tai nạn thảm khốc xảy ra mới đây thì rõ ràng lỗi đó phải là lỗi cố ý.

img 

Luật sư Trần Tuấn Anh – Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch (Đoàn Luật sư Hà Nội)

Ông Tuấn Anh nói “Anh hoàn toàn biết rằng khi anh sử dụng rượu bia và sử dụng ma túy sau đó anh ngồi lên nguồn nguy hiểm cao độ để điều khiển thì rõ ràng đầu óc anh không minh mẫn, không đủ tỉnh táo và hậu quả xảy ra chỉ là có hay không, lúc nào và nguy hiểm như thế nào mà thôi? Bởi chắc chắn với 1 người sử dụng ma túy đã ở 1 môi trường bình thường còn gây ra ảo giác chứ đừng nói là ngồi trên cả 1 xe tải như vậy để điều khiển ngoài đường quốc lộ, đường cao tốc”

Cũng phải khẳng định, việc sai phạm đang chuyển hóa rất nhanh, trước đây là vô tình thì nay chuyển hóa thành cố ý, có thể ở đây là cố ý gián tiếp. Thế nhưng, theo ông Tuấn Anh với hệ thống pháp luật của Việt Nam lại không thể xử lý được vấn đề này.

“Phải nói luôn, có rất nhiều ý kiến cho rằng, phải xử lý những tài xế đó vào tội giết người nhưng chúng ta không đủ căn cứ pháp lý để xử lý như vậy”, vị luật sư khẳng định.

Luật sư Trần Tuấn Anh cũng thừa nhận, ngoài nguyên nhân từ phía lái xe, nhiều vụ tai nạn thảm khốc trong thời gian vừa qua còn bộc lộ từ những bất cập trong khâu thi bằng lái, tuyển dụng nhân sự của doanh nghiệp cho đến khâu kiểm tra, giám sát và thực thi nhiệm vụ của cơ quan thi hành công vụ.

Vị luật sư phân tích: “Tôi đánh giá là về căn cứ pháp lý có chăng là những bất cập rất nhỏ nhưng chủ yếu là con người. Con người từ đầu vào lái xe. Đi thi lái xe cớ gì cứ phải đi từ Gia Lai, Đắc lắk ra Hải Phòng thi nếu không có đường dây bao luật và đường dây bao lái. Mù chữ cũng lấy được bằng lái xe.

Ngoài ra, quy định rằng, nếu 1 doanh nghiệp vận tải có 20% - 30% xe vi phạm thì sẽ bị rút giấy phép từ 1 đến 3 tháng. Thế nhưng xe lưu thông trên đường vi phạm giao thông thì xin cảnh sát giao thông. Cảnh sát giao thông lại không xử lý. Vô hình chúng ta sẽ không có biên bản xử lý vi phạm đối với những sai phạm này. Không có biên bản thì không có căn cứ nào để xử phạt hành chính của doanh nghiệp.

Ngay cả việc các doanh nghiệp vận tải chỉ cần cho lái xe cầm lái quá 4 tiếng, sau đó về cho quay xe chẳng hạn, đấy là có dấu hiệu vi phạm điều 262 và 263 về điều động. Lẽ ra phải bị xử phạt thế nhưng trên thực tế, từ xưa đến giờ gần như chưa có chủ doanh nghiệp vận tải nào bị xử phạt về hành vi này.

img 

Toàn cảnh buổi giao lưu trực tuyến

Hay điển hình như vụ lái xe vượt đèn đỏ đâm gãy đùi 1 cô gái mà dư luận đang bức xúc. Theo tôi, rõ ràng là lỗi cố ý, lái xe sau khi gây tai nạn đã trốn biệt và đưa người khác nhận tội thay nhưng mà cuối cùng công an Hai Bà Trưng vẫn kết luận chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm để xử lý. Trong trường hợp này, tôi nghĩ là có cơ sở để xử lý nhưng cơ quan hành pháp và các cơ quan thực thi công vụ đang làm không hết trách nhiệm của mình.”

“Kể ra như vậy để thấy rằng, với tôi nguyên nhân tai nạn giao thông vẫn chủ yếu là từ con người”, vị luật sư nhấn mạnh.

Cần đồng bộ nhiều giải pháp

Nêu giải pháp hạn chế tình trạng vi phạm giao thông, để không còn những vụ tai nạn giao thông thảm khốc như vụ tại nạn tại Hải Dương vừa qua, luật sư Trần Tuấn Anh cho rằng điều đầu tiên cần làm cũng chính là ý thức của con người cần thay đổi từ lái xe, doanh nghiệp sử dụng lái xe, người thi hành công vụ hay những người tham gia giao thông…

 “Muốn hạn chế tai nạn thì phải khắc phục từ con người. Không có con người tốt thì sẽ không làm được điều đó”, ông Tuấn Anh cho hay.

Vị luật sư nhấn mạnh “Để giải bài toán về tai nạn giao thông, không phải 1 người là làm được mà nó là trách nhiệm của nhiều người, của cả 1 hệ thống. Nếu Cục Đường bộ có làm tốt nhưng công an giao thông không làm tốt, không kiểm tra kiểm soát những người tham gia giao thông trên đường cách tốt nhất, không xử phạt hay lập biên bản 1 cách nghiêm minh thì cũng hỏng.

Nếu cảnh sát giao thông có xử phạt tốt nhưng nếu khâu đầu vào như tuyển lái xe, doanh nghiệp vận tải cố tình sử dụng biện pháp lách luật để tối đa hóa lợi nhuận thì cho dù có nhiều giải pháp cũng không thể nào thực hiện được”

Nếu xét về phương diện Luật pháp, theo ông Trần Tuấn Anh, ngay lập tức cần bổ sung tăng chế tài xử lý về hành chính sau đó là mức xử phạt hình sự đối với những vi phạm trong giao thông, gây mất an toàn giao thông.

“Tôi lấy ví dụ, trong chế tài hiện nay mức phạt nặng nhất là cấm hành nghề từ 3 -5 năm chứ còn chưa có thu hồi vĩnh viễn. Có thể sửa theo hướng chết từ 3 người trở lên thì thu hồi giấy phép vĩnh viễn.

Ngoài ra, tại một số nước, nếu lái xe bị phát hiện uống rượu thì sẽ bị rút giấy phép, tịch thu giấy phép lái xe. Hay nếu phát hiện ra lái xe dử dụng ma túy thì lái xe sẽ bị rút luôn giấy phép lái xe, như vậy họ không đủ khả năng gây tai nạn”, ông Tuấn Anh khuyến nghị.

Nói về trách nhiệm của chính quyền địa phương và bộ ban ngành trong những vụ tai nạn thì rõ ràng theo vị luật này này, ai cũng phải có trách nhiệm. Nhưng ở VN, Luật lại chưa có chế tài xử lý nào cho những vấn đề này. Có chăng thì chỉ quy định trách nhiệm chung chung nên vẫn cứ xảy ra tai nạn giao thông như thời gian vừa qua.

Ông Tuấn Anh nói “Với những cán bộ chính quyền địa phương, họ được nhận phụ cấp trách nhiệm thì họ phải có nghĩa vụ, trách nhiệm khi để ra tại nạn giao thông gia tăng. Vậy thì phải có chế tài như thế nào? Tôi lấy ví dụ như để tai nạn tại  địa phương tăng liên tiếp trong 3 năm chẳng hạn phải cách chức những người có trách nhiệm liên quan trong cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương đó”

Khi có sự đồng bộ, quyết liệt của nhiều bên thì mới mong đẩy lùi được tai nạn giao thông.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem