Các tay súng thuộc Lữ đoàn Al-Qassam, nhánh quân sự của Hamas.
Quân đội Israel dĩ nhiên mạnh hơn Hamas nhờ sở hữu lực lượng không quân uy lực và mạng lưới thông tin tình báo trứ danh.
Trong vài ngày giao tranh gần đây, Israel đã chứng tỏ sức mạnh khi liên tiếp đánh sập 3 tòa nhà của Hamas ở Gaza, tiêu diệt 11 thành viên cấp cao và 30 tay súng Hamas.
Tuy nhiên, Israel chưa bao giờ có thể quét sạch hoàn toàn Hamas bởi các nhánh vũ trang của tổ chức hoạt động hết sức bí mật, trà trộn trong số đông người dân Palestine, dẫn đến các giao tranh luôn kéo theo thương vong của dân thường.
Ngược lại, Hamas cũng chứng minh sự cứng rắn khi phóng hơn 1.500 quả rocket sang lãnh thổ Israel chỉ trong 3 ngày.
Tổ chức Hồi giáo đòi hủy diệt Israel
Hamas được coi là tổ chức Hồi giáo vũ trang lớn nhất Trung Đông và lớn nhất ở Palestine hiện nay. Được thành lập vào năm 1987 với tư cách là tổ chức Hồi giáo dòng Sunni của người Palestine, Hamas ngày càng lớn mạnh.
Năm 2006, Hamas chiến thắng trong cuộc bầu cử chính thức ở Palestine, trực tiếp nắm quyền kiểm soát Palestine cũng như liên tục phát động các vụ tấn công nhằm vào Israel.
Mục tiêu mà Hamas theo đuổi là sự hủy diệt hoàn toàn của Israel, giải phóng các vùng đất Israel chiếm đóng của người Palestine.
Phương Tây bao gồm Mỹ và các quốc gia đồng minh coi Hamas là tổ chức khủng bố. Trong khi đó, Nga, Syria, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc và một số quốc gia khác không coi Hamas là khủng bố.
Hamas coi Israel là kẻ thù không đội trời chung.
Tháng 12.2018, Đại hội đồng Liên Hợp quốc đã b bác bỏ nghị quyết của Mỹ về việc lên án Hamas là tổ chức khủng bố.
Lực lượng quân sự chính của Hamas, trực tiếp giao tranh với Israel, được biết tới với tên gọi "Lữ đoàn Al-Qassam". Các thành viên của Lữ đoàn Al-Qassam hoạt động bí mật, giấu kín thân phận và vị trí trong tổ chức cho đến lúc chết.
Theo nguồn tin quân sự của Israel, Lữ đoàn Al-Qassam có quân số 30.000 người, sở hữu khoảng 7.000 quả rocket, 300 vũ khí chống tăng và 100 tên lửa phòng không.
Lữ đoàn Al-Qassam còn sở hữu hàng chục các máy bay chiến đấu không người lái. Tinh nhuệ nhất trong hàng ngũ của lực lượng là biệt đội 400 đặc nhiệm, chuyên thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu trên biển.
Ngoài Lữ đoàn Al-Qassam, Hamas còn có một nhánh quân sự khác hoạt động độc lập, có quy mô nhỏ hơn là lực lượng Islamic Jihad. Lực lượng này cũng sở hữu 6.000 quả rocket, hàng chục máy bay không người lái và các tên lửa chống tăng.
Hamas và Israel từng giao tranh quân sự dữ dội ở Gaza vào năm 2014. Kết thúc cuộc chiến, cả hai bên đều tuyên bố chiến thắng.
Bắn phá Israel bằng “mưa đạn rocket”
Hamas sở hữu hàng ngàn đạn rocket và tên lửa tầm ngắn.
Vũ khí mạnh nhất của Hamas là đạn rocket với số lượng lên tới hàng ngàn quả và các tên lửa đối đất.
Hamas sở hữu một loạt các hệ thống tên lửa tầm ngắn như Qassam, tầm bắn 10km; tên lửa Quds, tầm bắn 16km; tên lửa Grad tầm bắn 55km và tên lửa Sejil, cũng có tầm bắn xa 55km.
Đây là những vũ khí có số lượng lớn nhất trong kho dự trữ của Hamas, bên cạnh đạn súng cối.
Ngoài ra, Hamas cũng sở hữu các tên lửa có tầm bắn xa hơn, từ 75km cho tới 200km, đủ để bao phủ toàn bộ lãnh thổ Israel, bao gồm hai thành phố chính là Tel Aviv và Jerusalem.
Bộ Quốc phòng Israel cho biết Hamas đã phóng khoảng 1.500 quả rocket trong 3 ngày, từ ngày 10-13.5, trong đó 1.050 quả bay vào lãnh thổ Israel. Số còn lại gặp trục trặc khi phóng.
Hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm Sắt của Israel đánh chặn rocket của Hamas.
Quân đội Israel cũng khẳng định hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm Sắt (Iron Dome) đã đánh chặn 90% các tên lửa trên. Tuy nhiên, tổ hợp Vòm Sắt ở thành phố Ashkelon đã tê liệt trước loạt rocket bắn dữ dội của Hamas. Điều này cho thấy hệ thống Vòm Sắt không phải là vũ khí đánh chặn hiệu quả 100%.
Theo BBC, vấn đề của Hamas là lực lượng này không thể phóng tên lửa và rocket được mãi mãi. Khi quân đội Israel tiến vào Gaza năm 2014, 2.251 người Palestine đã thiệt mạng trong giao tranh, bao gồm 1.462 dân thường. Phía Israel chỉ tổn thất 67 binh sĩ và 6 dân thường.
Nhưng với hàng ngàn quả rocket bắn sang lãnh thổ Israel trong những ngày qua, Hamas đã cho thấy tổ chức này không dễ dàng bị khuất phục.
Tìm kiếm giải pháp hòa bình cho vấn đề xung đột Palestine – Israel là điều mà cộng đồng quốc tế không thể khoanh tay đứng nhìn, theo BBC.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.