Lùm xùm dự án Thanh Hà Cienco 5: “Giải mã” nhóm sở hữu Cienco 5 Land trước khi về tay ông Lê Thanh Thản

Quang Dân Thứ năm, ngày 07/01/2021 09:03 AM (GMT+7)
Theo dòng xoáy của thời cuộc, tỷ lệ và danh sách cổ đông của Cienco 5 Land cũng có sự thay đổi mạnh mẽ trong giai đoạn 2007 – 2015 trước khi Tập đoàn Mường Thanh của "đại gia điếu cày" Lê Thanh Thản mua lại 95% cổ phần.
Bình luận 0

Như Dân Việt đã đề cập ở phần trước, Công ty cổ phần phát triển địa ốc Cienco 5 (Cienco 5 Land) do Cienco 5 (khi là doanh nghiệp Nhà nước sở hữu 100% vốn) sáng lập năm 2007 để thực hiện Dự án Đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây cho tỉnh Hà Tây cũ. Để hoàn vốn, nhà đầu tư này được giao làm chủ đầu tư xây dựng dự án Thanh Hà Cienco 5 với 3 dự án khu đô thị mới là Thanh Hà A – Cienco 5, Thanh Hà B – Cienco 5 và Mỹ Hưng – Cienco 5.

Tại thời điểm thành lập, Cienco 5 Land có vốn điều lệ 50 tỷ đồng. Với vai trò nhà đầu tư, Cienco 5 đáng lẽ phải chiếm phần chi phối để có thể tạo ảnh hưởng toàn diện tại doanh nghiệp dự án. Tuy nhiên, Cienco 5 chỉ sở hữu vỏn vẹn 49%, bằng đúng số cổ phần không chi phối (tương ứng số tiền 24,5 tỷ đồng), phần vốn còn lại do Công ty cổ phần xây dựng công trình 545 (do ông Thân Hóa làm chủ tịch kiêm Tổng giám đốc) và cổ đông cá nhân là ông Nguyễn Phú Lộc góp vốn.

Việc chiếm cổ phần ít ỏi tại đây là do năng lực tài chính của Cienco 5 yếu đến mức không góp được thêm 2 tỷ đồng để kiểm soát doanh nghiệp dự án; hay do chủ đích của những "người trong cuộc" dưới thời ông Thân Đức Nam trong vai trò là người điều hành Cienco 5 tại thời điểm đó?

Hành trình đánh mất Cienco 5 Land có vô tình?

Theo Luật Doanh nghiệp 2005 thì một trong những điều kiện để một công ty được coi là công ty mẹ của công ty khác nếu "sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần phổ thông đã phát hành của công ty đó".

Cụ thể, theo Khoản 5 điều 104: "Trường hợp thông qua quyết định dưới hình thức lấy ý kiến bằng văn bản thì quyết định của Đại hội đồng cổ đông được thông qua nếu được số cổ đông đại diện ít nhất 75% tổng số phiếu biểu quyết chấp thuận; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định".

Hoặc tại khoản 2 và khoản 3 Điều 104: "Quyết định của Đại hội đồng cổ đông được thông qua tại cuộc họp khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Được số cổ đông đại diện ít nhất 65% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp chấp thuận; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định;

b) Đối với quyết định về loại cổ phần và tổng số cổ phần của từng loại được quyền chào bán; sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty; tổ chức lại, giải thể công ty; đầu tư hoặc bán tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty nếu Điều lệ công ty không có quy định khác thì phải được số cổ đông đại diện ít nhất 75% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp chấp thuận; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định;"

Vậy thì việc xác định Cienco 5 chỉ sở hữu 49% vốn điều lệ tại Cienco 5 Land và nếu tính cả Cienco 5 hợp nhất sở hữu trực tiếp lẫn gián tiếp Cienco 5 Land cũng không thể giữ vai trò chi phối tại Cienco 5 Land.

Năm 2009, Cienco 5 Land tăng vốn điều lệ từ 50 tỷ đồng lên 100 tỷ đồng. HĐQT Cienco 5 đã có nghị quyết số 1004/NQ-HĐQT ngày 9/9/2009, trong đó quyết nghị Cienco 5 không đầu tư tăng vốn lần này vào Cienco 5 Land, đồng thời bán bớt phần vốn của Cienco 5 tại Cienco 5 Land với số lượng 1,95 triệu CP. Tại thời điểm này, phần vốn góp của Cienco 5 tại Cienco 5 Land chỉ còn 5% vốn điều lệ.

Theo dòng xoáy của thời cuộc, tỷ lệ và danh sách cổ đông của Cienco 5 Land cũng có sự thay đổi mạnh mẽ trong những năm tiếp theo. Dù vậy, điểm nổi bật nhất trong cơ cấu sở hữu Cienco 5 Land trước năm 2016 là nhóm cổ đông có liên quan sâu sắc đến vị Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của Cienco 5 thời bấy giờ.

Bài 2: “Giải mã” nhóm sở hữu Cienco 5 Land trước khi về tay Mường Thanh  - Ảnh 1.

Nguồn: Danh sách tham dự Đại hội cổ đông bất thường tháng 12/2012

Tài liệu cho thấy, tháng 12/2012, cơ cấu cổ đông của Cienco 5 Land đã có sự tham gia nhiều hơn của các cá nhân liên quan Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Cienco 5 thời đó. Ngoài cổ đông sáng lập ông Nguyễn Phúc Lộc sở hữu 29,50%, ông Thân Đức Nghiêm Huân sở hữu 9,93 % cổ phần, bà Nguyễn Thị Cát Tiên (vợ của Thân Đức Nghiêm Huân) sở hữu 4% cổ phần; bà Thân Thị Mỹ Sương sở hữu 2,73% cổ phần, bà Thân Thị Thục Quyên sở hữu 2% cổ phần…

Chưa đầy một năm sau đó, ông Thân Đức Tiết (người có liên quan đến Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Cienco 5 thời bấy giờ) bất ngờ tham gia HĐQT của Cienco 5 Land. Theo giới thiệu, ông Thân Đức Tiết nắm giữ là 27,25% cổ phần của Cienco 5 Land. Đồng thời, ông Nguyễn Phú Lộc giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 5,25%.

Ở thời điểm năm 2013, ông Thân Đức Tiết cũng là Chủ tịch của Cienco 5 Land. Trong khi đó, tỷ lệ sở hữu của ông Thân Đức Nghiêm Huân tại Cienco 5 Land được nâng lên 24,68%.

Các cá nhân sở hữu nhiều cổ phần tại Cienco 5 Land ở thời điểm này là: ông Thân Đức Nghiêm Huân có 24,68% cổ phần, bà Thân Thị Mỹ Sương có 2,73% cổ phần, bà Thân Thị Thục Quyên có 2% cổ phần, ông Phan Văn Mạnh có 2,9% cổ phần… Người đại diện phần vốn Cienco 5 tại Cienco 5 Land là ông Bạch Ngọc Du với số cổ phần nắm giữ là 5%.

Tới tháng 7 năm 2014, danh sách cổ đông có thêm ông Võ Ngọc Châu sở hữu 44,74% cổ phần, bà Thân Thị Mỹ Sương có 1,36%, bà Thân Thị Thục Quyên có 1%, Công ty CP đầu tư 559 (của ông Thân Đức Tiết) có 17,16%. Ông Nguyễn Phú Lộc đã "biến mất" khỏi danh sách.

Bài 2: “Giải mã” nhóm sở hữu Cienco 5 Land trước khi về tay Mường Thanh  - Ảnh 3.

Biến động cơ cấu cổ đông Cienco 5 giai đoạn 2012-2014

Trên báo cáo thời điểm tháng 5/2016, vốn điều lệ của Cienco 5 Land là 600 tỷ đồng, CTCP Xây dựng Công trình 545 nắm giữ 6,25%; Cienco 5 nắm giữ 8,5%. Tháng 7/2016, Cienco 5 Land tiếp tục thay đổi mạnh trong cơ cấu sở hữu, đánh dấu sự xuất hiện của nhóm đại gia Lê Thanh Thản. Theo công bố, Công ty Cổ phần Tập đoàn Mường Thanh do ông Lê Thanh Thản đứng đầu đã mua lại 95% cổ phần của Cienco 5 Land.

Đến thời điểm hiện tại, đại gia điếu cày Lê Thanh Thản là chủ tịch HĐQT và ông Lê Thanh Song là Phó chủ tịch HĐQT của Cienco 5 Land.

Như vậy, từ cổ đông lớn nhất trong doanh nghiệp dự án BT, Cienco 5 đã chủ động giảm tỷ lệ sở hữu của mình để trở thành cỏ đông nhỏ trong Cienco 5 Land. Ở chiều ngược lại, các thành viên của gia đình vị lãnh đạo cấp cao nhất tại Cienco 5 đã âm thầm tăng tỷ lệ sở hữu của mình tại Cienco 5 Land.

Chỉ ít lâu sau khi thông tin Tập đoàn Mường Thanh sở hữu 95% cổ phần CTCP Cienco 5 Land - được công khai, HĐQT Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco 5) tổ chức kỳ họp bất thường, ra nghị quyết xem xét lại toàn bộ các vấn đề liên quan tới dự án đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây (cũ) và các dự án hoàn vốn; xem xét trách nhiệm pháp lý của Cienco 5 và trách nhiệm của những người có liên quan trong việc chuyển nhượng vốn của doanh nghiệp dự án (Cienco 5 Land).

Đồng thời, tại công văn số 642/TCT5-HĐQT gửi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), ông Lê Quang Vinh - TGĐ Cienco 5 (khi đó là Phó TGĐ Cienco 5) - kiến nghị: "Việc thay đổi vốn điều lệ, chuyển nhượng vốn điều lệ tại Cienco 5 Land không phù hợp với quy định của pháp luật và định hướng ban đầu khi thành lập doanh nghiệp dự án.

Tỉ lệ sở hữu vốn điều lệ của Cienco 5 tại Cienco 5 Land chỉ còn 3% tổng vốn điều lệ (thay vì 49% vốn điều lệ Cienco 5 Land ở giai đoạn thành lập); không chi phối được hoạt động của doanh nghiệp dự án. Việc thay đổi/chuyển nhượng này có dấu hiệu mất vốn Nhà nước và có dấu hiệu của việc chuyển nhượng dự án. Việc chuyển nhượng trên chưa được chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, vi phạm nghiêm trọng trình tự thủ tục thoái vốn Nhà nước".


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem