Khoảng trống phía sau Thanh "tèo"
Với những khán giả truyền hình chỉ biết Lưu Thị Thanh qua Cuộc thi Phụ nữ thế kỷ 21 do VTV3 tổ chức cách đây 4 năm, thì có thể nghĩ danh hiệu "Á quân" mà chị có được là sự ưu ái dành cho một VĐV thể thao. Nhưng với những ai từng quen Thanh "tèo" (cách gọi thân thiện của Thanh) mộc mạc, chân thành, thì mới thấy chị còn xứng đáng hơn thế.
Mọi so sánh luôn khập khiễng nhưng nếu như bóng đá VN có Sơn "công chúa" tài hoa, thì cầu mây VN có Thanh "tèo". Với những đòn hiểm mang theo chất "quái" của cầu chinh pha lẫn một chút "bụi bặm" đường phố, Thanh thực sự là nỗi ám ảnh cho các đối thủ trên đấu trường châu lục.
Ngay trong những thời điểm quyết định nhất của trận đấu, hiếm khi thấy Thanh mất bình tĩnh. Niềm tin của chị đủ để truyền cảm hứng cho cả đội, biến những điều không thể thành có thể, mà 2 tấm HCV ASIAD 2006 là minh chứng. Có lẽ phải rất lâu nữa, cầu mây VN mới có một Lưu Thị Thanh thứ 2, nhưng đó chưa phải là tất cả…
Khoảng trống lớn nhất mà Thanh sau khi giã từ đội tuyển là hình bóng một người thủ lĩnh giữa đời thường. Nếu đã một lần nhìn thấy Thanh cầm ca đi mua nước mang lên cho các đồng đội uống thì sẽ hiểu thêm về một người "chị cả" luôn biết quan tâm tới "đàn em". Suốt 15 năm làm bạn với trái cầu mây, Thanh cũng từng phải đối mặt với những rắc rối hậu trường. Nhưng nếu như nhiều "ngôi sao", đặc biệt là cầu thủ bóng đá VN thường lựa chọn cách làm mình làm mẩy, thì Thanh "tèo" lại âm thầm tập luyện một mình dưới tiết trời giá rét trong những ngày không được cùng đội tuyển ra nước ngoài tập huấn, thi đấu Giải vô địch Đông Nam Á 2005:
"Với tôi, lời giải thích hùng hồn nhất chính là hành động. Khi mình cứ hành xử theo đúng lương tâm, trong sáng, hướng thiện thì trước sau mọi người sẽ hiểu"- Thanh tâm sự.
Ở góc độ đó, tìm được một VĐV tài năng như Thanh trong tương lai đã khó, tìm được một thủ lĩnh đích thực, là niềm cảm hứng, chỗ dựa tinh thần cho các đồng đội cả trên thảm đấu và trong cuộc sống đời thường còn khó hơn nhiều. Đó là khoảng trống không chỉ của cầu mây, mà của cả nền TTVN.
Gia đình là tất cả
Với những đòn hiểm mang theo chất "quái" của cầu chinh pha lẫn một chút "bụi bặm" đường phố, Thanh thực sự là nỗi ám ảnh cho các đối thủ trên đấu trường châu lục.
Vào thời điểm này, khi nhịp đập TTVN đang ngày càng rộn ràng hơn trong những ngày đầu năm, hướng tới SEA Games 2011 (Indonesia), Lưu Thị Thanh không giấu nổi cảm giác nhớ:
"Phải từ bỏ một cái gì đó đã gắn bó mới mình trong gần hết thời gian của tuổi trẻ, ai lại không buồn. Năm 2007, tôi cũng chia tay đội tuyển để lo chuyện chồng con, nhưng cuối cùng vẫn chưa thể dứt hẳn vì còn quá nặng tình. Nhưng lần này thì khác, chắc tôi chỉ thi đấu 1-2 năm nữa cho Thanh Hóa. Vừa để đóng góp thêm cho quê hương, vừa để mình nguôi ngoai nỗi nhớ cầu mây, trước khi lùi về làm công tác huấn luyện" -Thanh bày tỏ dự định.
Với Thanh bây giờ tổ ấm nhỏ ở Cầu Diễn (Hà Nội) với chồng và cậu con trai gần 3 tuổi là nơi mà cô dành nhiều thời gian, tâm huyết nhất. Những ngày thi đấu ở ASIAD 2010, nghĩ đến hai bố con ở nhà một mình với nhau mà Thanh buồn nao lòng: "Gia đình đã hy sinh cho tôi quá nhiều để tôi có thời gian theo đuổi niềm đam mê. Về sự nghiệp VĐV, tôi không còn gì phải nuối tiếc. Giờ là lúc mình phải sống vì những người thân yêu" - Thanh nói.
Đó cũng là lý do mà thời gian tới, chị mới cho con đi nhà trẻ, để có thời gian tự tay chăm sóc con nhiều hơn, bù đắp những ngày tháng tập luyện, thi đấu xa nhà.
Lê Đức
Vui lòng nhập nội dung bình luận.