Lưu Vĩnh Phúc: Từ thủ lĩnh “Quân Cờ Đen” tới Tổng thống Đài Loan dân chủ
Lưu Vĩnh Phúc: Từ thủ lĩnh “Quân Cờ Đen” tới Tổng thống Đài Loan dân chủ
MA
Thứ sáu, ngày 02/02/2024 22:05 PM (GMT+7)
Lưu Vĩnh Phúc (1837—1917), tự Uyên Đình, người Khâm Châu, Quảng Đông (nay thuộc Quảng Tây), là một quân nhân Trung Quốc thời kỳ nhà Thanh. Ông là tổng thống thứ nhì và cũng là cuối cùng của Đài Loan dân chủ từ ngày 5 tháng 6 năm 1895 cho tới ngày 21 tháng 10 năm 1896.
Quân Cờ Đen còn gọi là Hắc Kỳ Quân vốn là tàn quân của khởi nghĩa Thái Bình Thiên Quốc do Hồng Tú Toàn lãnh đạo cuối đời Thanh (1851-1864) ở Trung Quốc và có sự gia nhập của những đảng cướp gốc dân tộc Choang ở tỉnh Quảng Tây. Thủ lĩnh của toán quân này là Lưu Vĩnh Phúc (1837—1917), tự Uyên Đình, người Khâm Châu, Quảng Đông (nay thuộcQuảng Tây)
Sở dĩ gọi là Hắc Kỳ Quân là vì Lưu Vĩnh Phúc ra lệnh cho quân dùng lá cờ đuôi nheo màu đen làm cờ hiệu. Lá cờ đen có chòm sao Bắc Đẩu hoặc chữ ” LƯU” luôn được giơ cao, đi đầu trong những cuộc hành quân của toán quân này.
Cuộc khởi nghĩa nông dân Thái Bình Thiên Quốc sau 14 năm hoạt động (1851-1864) bị triều đình phong kiến Mãn Thanh đàn áp đẫm máu; nhiều toán nghĩa quân phải dạt vào miền Bắc nước ta gây lên hoạ thổ phỉ ở nhiều tỉnh thành cuối thế kỷ XIX, đám tàn quân này có sự phân hoá thành nhiều dư đảng khác nhau:
Quân “Cờ Trắng” do Bàn Văn Nhị cầm đầu cướp bóc ở vùng Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Quảng Ninh. Quân “Cờ Vàng” do Hoàng Sùng Anh, Diệp Tài cầm đầu lại nổi lên cướp phá ở vùng Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang và các tỉnh phía Nam Trung Quốc. Quân Cờ Đen ở vùng Sơn Tây là toán quân mạnh nhất trong các toán cướp, trên đường tiến vào Việt Nam năm 1865 đã thu nạp thêm những toán cướp người Choang ở Quảng Tây...
Ở miền Bắc, quân Cờ Đen đụng độ với một nhóm thổ dân chống đối nhà Nguyễn và giết thủ lĩnh của họ nên triều đình nhân cơ hội đó ban cho Lưu Vĩnh Phúc chức vị Cửu phẩm bách hộ để tiếp tục công việc bình định vùng này. Năm 1868, quân Cờ Đen kéo quân lên chiếm châu Bảo Thắng, Lào Cai rồi tự tiện thu thuế, khai khoáng, cướp bóc khắp nơi, quan quân nhà Nguyễn cũng không ngăn cản được.
Năm 1869, quân Cờ Đen đánh tan tác quân Cờ Vàng. Do chiến thắng quân Cờ vàng mà quân Cờ đen của Lưu Vĩnh Phúc chính thức được chính quyền nhà Thanh bảo trợ, ngược lại Lưu Vĩnh Phúc cũng xóa bỏ mặc cảm khi trước, ông ta hạ lệnh cho thủ hạ dóc tóc kiểu Mãn Châu để tỏ lòng trung thành với nhà Thanh. Mặc dù trước đó, Lưu Vĩnh Phúc là tội phạm bị nhà Thanh truy nã. Mặt khác, quân Cờ Đen vẫn được triều đình Huế chu cấp lương bổng, vũ khí và trở thành đội quân đánh thuê cho triều đình Huế.
Ngày ngày 21 tháng 12, quân Cờ Đen phối hợp với quân triều đình Huế tiến đánh Hà Nội, sau khi Hà Nội bị Pháp chiếm ngày 20 tháng 11 năm 1873 . Đại úy Pháp là Garnier dẫn một toán quân ra chặn đánh nhưng bị giết chết tại Cầu Giấy.
Tới tháng 10 năm Giáp Tuất (1874), theo lời xin của Hoàng Kế Viêm, Lưu Vĩnh Phúc được thăng chức Tam Tuyên quân vụ đề đốc tước vị nam, kiêm coi các đạo.
Ngày 25 tháng 4 năm 1882, Pháp chiếm thành Hà Nội. Ngày 19 tháng 5 năm 1883, quân Cờ Đen từ Sơn Tây kéo ra Hà Nội. Trung tá Pháp là Henri Riviere chặn đánh ở Cầu Giấy, bị trúng đạn chết. Quân Cờ Đen cắt lấy đầu Riviere rồi rút về Sơn Tây.
Ngày 13 tháng 12 năm 1883, Pháp tấn công Sơn Tây, quân Cờ Đen thủ thành và bắn trả rất ác liệt, đôi bên cùng thiệt hại nặng. Tới ngày 16 tháng 12, thành Sơn Tây thất thủ, quân Cờ Đen rút về thành Hưng Hóa nay thuộc Tam Nông, Phú Thọ.
Ngày 7 tháng 3 năm 1884, Pháp tấn công Bắc Ninh, đến ngày 13 chiếm được thành, quân Cờ Đen từ Hưng Hóa tới thì thành Bắc Ninh đã mất rồi nên lại kéo về Hưng Hóa.
Ngày 11 tháng 4 năm 1884, Pháp đánh thành Hưng Hóa, đến ngày 12 tháng 4, quân Cờ Đen rút về Lâm Thao rồi Tuyên Quang.
Sau khi chiến tranh Pháp-Thanh (1884-1885) tại miền Bắc Việt Nam kết thúc, Lưu Vĩnh Phúc phụng mệnh vua Quang Tự trở về Trung Quốc, bị ép phải giải tán quân Cờ Đen vào tháng 6 năm 1885. Số quân lính không về Trung Quốc ở lại Việt Nam sẵn vũ khí quay ra làm giặc cướp và bị người Pháp dẹp trong năm sau 1886.
Tuy được sự bảo trợ của triều đình Huế và cũng đã nhiều lần phối hợp với quân triều đình chống Pháp. Nhưng về bản chất quân Cờ Đen xuất thân từ những toán cướp nên đi đâu cũng gây nên cảnh cướp bóc, dân chúng miền Bắc thời đó hết sức thống khổ.
Lưu Vĩnh Phúc trở thành tổng thống thứ nhì và cũng là cuối cùng của Đài Loan dân chủ
Về phần Lưu Vĩnh Phúc, sau khi trở lại Trung Quốc, ông ta được giao làm tổng binh tại Quang Châu. Tại đây, Lưu Vĩnh Phúc thường cùng Hoàng Phi Hồng tập luyện võ thuật.
Năm 1894, khi xảy ra cuộc chiến tranh Trung-Nhật lần thứ nhất (Giáp Ngọ chiến tranh), Lưu Vĩnh Phúc được nhà Thanh phái tới Đài Loan làm tổng binh. Năm 1895, sau khi nhà Thanh ký hòa ước Mã Quan (hòa ước Shimonoseki) thì nhân dân Đài Loan không cam chịu sự thống trị của người Nhật đã tổ chức kháng chiến và thành lập ra nhà nước Đài Loan dân chủ, Lưu Vĩnh Phúc nhậm chức đại tướng quân. Sau đó lực lượng của Lưu Vĩnh Phúc bị vây hãm tại Đài Bắc nhưng nhất mực kiên trì kháng cự, dẫn tới chiến tranh Ất Mùi (1895).
Tổng thống Đài Loan dân chủ là Đường Cảnh Tung cùng thống lĩnh Khâu Phùng Giáp bỏ trốn tới Hạ Môn để vào đại lục, Lưu Vĩnh Phúc tại Đài Nam tái lập nhà nước Đài Loan dân chủ, dân chúng Đài Loan yêu cầu con dấu tổng thống giao lại cho Lưu Vĩnh Phúc, nhưng Lưu Vĩnh Phúc không nhận mà chỉ xưng là bang biện, nhưng vẫn có thể coi là người lãnh đạo cao nhất của nhà nước non trẻ này. Người Đài Nam thành lập nghị hội, phát hành tiền tệ, dự trù quân lương, cầu viện tới Trương Chi Động. Sau đó Lưu Vĩnh Phúc cấp báo về đại lục để xin trợ giúp, nhưng không nhận được kết quả nào. Lưu Vĩnh Phúc sau đó muốn đàm phán với quân Nhật nhưng cũng không thành.
Sau cùng, bị quân Nhật bao vây tại Đài Nam, ngày 22 tháng 11 năm 1895, Lưu Vĩnh Phúc phải cải trang để bỏ trốn từ An Bình vào Đài Trung. Quân dân Đài Loan không còn người chỉ huy, buộc phải nhờ một mục sư người Anh là Reverend Thomas Barclay đàm phán hòa bình với quân đội Nhật Bản.
Năm Quang Tự thứ 28 (1902), Lưu Vĩnh Phúc nhậm chức Tứ thạch trấn tổng binh tại Quảng Đông. Sau cách mạng Tân Hợi (1911), giữ chức Tổng trưởng dân đoàn Quảng Đông. Năm 1915, chính quyền Nhật Bản yêu cầu Viên Thế Khải chấp nhận hai mươi mốt yêu sách, Lưu Vĩnh Phúc là một trong những người chủ chiến. Tháng 1 năm 1917, ông ta mắc bệnh mà chết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.