Luyện Cửu Âm Bạch Cốt Trảo, sai lầm chết người của Mai Siêu Phong
Luyện Cửu Âm Bạch Cốt Trảo, sai lầm chết người của Mai Siêu Phong
Thứ sáu, ngày 27/09/2024 14:33 PM (GMT+7)
Câu chuyện về Cửu Âm Bạch Cốt Trảo không chỉ là một môn võ công tàn khốc, mà còn là minh chứng rõ ràng cho hậu quả của việc luyện tập sai cách. Mai Siêu Phong và Trần Huyền Phong, với sự hiểu biết hạn hẹp về Cửu Âm Chân Kinh, đã biến một tuyệt kỹ cao thâm thành một vũ khí sát nhân.
Cửu Âm Bạch Cốt Trảo là một trong số những môn võ công nổi tiếng và đầy huyền bí được ghi lại trong Cửu Âm Chân Kinh – bộ môn võ công tối thượng trong thế giới kiếm hiệp của Kim Dung. Môn võ này trở nên khét tiếng vì sự tàn bạo và âm độc, đặc biệt gắn liền với nhân vật Mai Siêu Phong, một trong những đồ đệ phản bội sư môn của của Hoàng Dược Sư.
Sự sai lệch trong quá trình tu luyện
Trong Anh hùng xạ điêu, sau khi đánh cắp được quyển hạ của Cửu Âm Chân Kinh, Mai Siêu Phong và Trần Huyền Phong chỉ biết được chiêu thức đã không hiểu đúng cách luyện nội công từ quyển thượng. Điều này khiến họ thực hiện sai phương pháp luyện Cửu Âm Thần Trảo – vốn là một môn võ cao thâm của Đạo gia. Cả hai dùng cách luyện tàn nhẫn, lấy sọ người thật làm đối tượng luyện tập, biến môn võ này thành Cửu Âm Bạch Cốt Trảo.
Sự hiểu sai khiến Cửu Âm Bạch Cốt Trảo trở thành một tuyệt kỹ độc ác, gây tổn hại nghiêm trọng cho đối thủ. Mai Siêu Phong đã gây nên nhiều vụ thảm sát trong quá trình luyện võ, chính điều này khiến bà trở thành một kẻ tàn bạo, gieo rắc kinh hoàng trong giới võ lâm.
Sự thay đổi trong bản sửa đổi của Kim Dung
Trong bản sửa đổi gần nhất, để cho hợp logic, Kim Dung đã làm rõ rằng các chiêu thức tàn nhẫn như Cửu Âm Bạch Cốt Trảo, Tồi Tâm Chưởng, hay Bách Xà Tiên (trước đây gọi là Độc Long Tiên) được ghi trong Cửu Âm Chân Kinh thực ra không phải do Hoàng Thường sáng tạo ra. Chúng là những tuyệt kỹ của kẻ thù và được Hoàng Thường ghi chép lại cùng cách thức khắc chế. Điều này giải thích tại sao các môn võ ác độc lại xuất hiện trong Cửu Âm Chân Kinh, bộ võ công thượng thừa vốn mang tư tưởng Đạo gia.
Trần Huyền Phong và Mai Siêu Phong sau khi lấy cắp được quyển hạ Cửu Âm Chân Kinh vì muốn nhanh chóng trở thành cao thủ, nên chỉ luyện những môn võ của kẻ thù của Hoàng Thường vì chúng không đòi hỏi nội công thượng thừa của đạo gia.
Võ công không phân thiện ác
Có thể nói, trong các tác phẩm kiếm hiệp của Kim Dung, võ công không mang bản chất thiện ác mà trung lập, hoàn toàn tùy thuộc vào người sử dụng. Đây là một triết lý sâu sắc về việc con người kiểm soát sức mạnh và quyền năng. Võ công có thể trở thành công cụ bảo vệ công lý như khi Quách Tĩnh học và sử dụng Cửu Âm Chân Kinh để chống lại cái ác, nhưng cũng có thể trở thành phương tiện gây tội ác khi rơi vào tay những người như Mai Siêu Phong, người đã biến nó thành thứ võ công tàn bạo, giết người không ghê tay.
Trong tiểu thuyết của mình Kim Dung đã xây dựng nên những nhân vật phản diện và chính diện, nhưng không phải dựa trên võ công họ học mà dựa trên cách họ sử dụng nó. Võ công, suy cho cùng, chỉ là một công cụ, còn điều quan trọng nhất là nhân cách và mục đích của người luyện. Võ công có thể thăng hoa, trở thành biểu tượng của chính nghĩa, hoặc ngược lại, trở thành một công cụ hủy diệt, phụ thuộc vào đạo đức và ý chí của người sử dụng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.