Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Hiện nay, các xe tăng T-90 của Nga được bảo vệ bởi 3 hệ thống chính đó là: Hệ thống phòng vệ chủ động Shtora-1, hệ thống giáp phòng hộ phản ứng nổ và giáp composite. Mỗi một hệ thống có chức năng nhiệm vụ khác nhau đồng thời góp phần bảo vệ các xe tăng T-90 trước các đòn tấn công bằng tên lửa chống tăng của đối phương. Trong đó, Shtora-1 được đánh giá là một trong những hệ thống phòng vệ hiện đại và độc nhất trên thế giới hiện nay.
Tuy nhiên, trên phiên bản T-90S xuất khẩu cho các nước Ấn Độ, Algeria và có thể là cả Việt Nam nhiều khả năng sẽ thiếu hệ thống phòng vệ chủ động Shtora-1. Đó là điều đáng tiếc bởi đây là hệ thống bảo vệ xe tăng rất hiện đại, hãy cùng tìm hiểu về nó:
Xe tăng T-90 của Nga. Ảnh: Wikipedia
Thành phần và nhiệm vụ
Hệ thống phòng vệ chủ động Shtora-1 gồm các thành phần:
- Cảm biến laser đặt quanh tháp pháo - đóng vai trò thu tín hiệu khi xe bị hệ thống chỉ thị bằng laser hoặc đo xa laser chiếu đến, báo hiệu việc đang bị đối phương ngắm bắn.
- 2 đèn OTShU-7-1 có nhiệm vụ làm giả tín hiệu hồng ngoại, khiến hệ thống điều khiển bắn của tên lửa chống tăng đối phương nhầm lẫn giữa tín hiệu tên lửa và Shtora, qua đó khiến tên lửa hoặc là lao đầu xuống đất hoặc là bay lên trời.
- 1 máy tính trung tâm để điều khiển.
- 1 hệ thống phóng đạn khói với tác dụng làm mất phản xạ laser và che mắt xạ thủ để xe rút lui.
Phương thức hoạt động của hệ thống
- Các cảm biến laser đặt quanh tháp pháo: Các thiết bị cảm biến laser sẽ hoạt động liên tục nhằm phát hiện ra điểm chỉ thị mục tiêu laser xuất phát từ nguồn chiếu xạ laser của vũ khí chống tăng của đối phương lên thân xe. Đồng thời thiết bị phát hiện laser tinh chỉnh xác định hướng chiếu xạ laser và truyền thông tin vào bảng điều khiển. Hệ thống điều khiển thông báo cho kíp lái bằng âm thanh thông qua mạng thông tin nội bộ hoặc ánh sáng đèn tín hiệu trên bảng điều khiển, đồng thời trên bảng điều khiển xác định hướng chiếu xạ của laser.
Đối với những tên lửa chống tăng sử dụng đầu tự dẫn laser, hồng ngoại và có thiết bị đo xa laser, hệ thống cảm biến sẽ xác định mục tiêu bằng cách căn cứ vào nguồn sáng của lửa phụt từ đuôi tên lửa hoặc nguồn sáng nhìn thấy được gần với bước sóng của hồng ngoại. Trong suốt quá trình này, hệ thống cảm biến laser của Shtora-1sẽ hoạt động hoàn toàn tự động, không làm mất sự chú ý của kíp lái khỏi nhiệm vụ chiến đấu.
Một biến thể của xe tăng T-90. Ảnh: Aliexpress
- Đèn OTShU-7-1: Đèn pha OTShU-7-1 tạo ra nguồn bức xạ gần với tần số và giải sóng tương đương với tính chất của nguồn sáng điều khiển tên lửa chống tăng. Tuy nhiên, nguồn bức xạ này cao hơn rất nhiều lần công suất của ánh sáng điều khiển tên lửa. Vì vậy, khi tên lửa đến gần xe tăng, tín hiệu điều khiển tên lửa yếu dần, còn tín hiệu nguồn sáng đèn pha thì cố định.
Vào thời điểm công suất nguồn sáng của đèn pha vượt gấp nhiều lần nguồn sáng điều khiển tên lửa, hệ thống lái tên lửa sẽ nhận được những tín hiệu nhiễu loạn điều khiển và tên lửa sẽ tự hủy.
Đèn pha này còn được điều biến, tần số qua bộ điều biến có khả năng thay đổi để gây nhiễu loạn cho nhiều loại tên lửa chống tăng khác nhau như tên lửa chống tăng Maverick, Hellfire và các đầu đạn pháo 155mm Coppehead, qua đó nâng cao năng lực đối phó với nhiều loại đối tượng tác chiến. Đèn pha này có thể làm việc ở 2 chế độ là chế độ chiếu sáng chiến trường và chế độ chống tăng.
Ở chế độ chiếu sáng chiến trường. Bật một đèn pha, khóa trục dẫn động của đèn ở trạng thái song song với trục của nòng súng, tháo kính tán xạ nguồn sáng của đèn và thay bằng phin lọc sáng. Ở chế độ này nguồn sáng được hội tụ lại đủ mạnh, để có thể bảo đảm cho hoạt động của xe trong điều kiện sử dụng các thiết bị nhìn đêm. Phát hiện và theo dõi mục tiêu cũng tương tự như thiết bị nhìn đêm bằng đèn pha hồng ngoại.
Đối với chế độ chống tên lửa chống tăng, trên cả hai đèn pha đều lắp thiết bị tán xạ ánh sáng, đồng thời 2 đèn pha được xoay ra các góc và khóa lại. Góc xoay đối xứng của đèn chiếu xạ so với trục nòng súng tạo thành trường bảo vệ xe tăng. Sau khi bật pha, nguồn ánh sáng hội tụ đi qua kính lọc sáng mầu đỏ KS-19 sẽ lọc nguồn sáng tử ngoại và nguồn sáng nhìn thấy có bước sóng đến 0.7µm, nguồn sáng sẽ đi qua kính tán xạ ánh sáng, giữa kính lọc ánh sáng đỏ và kính tán xạ có khoảng không gian làm giảm nhiệt độ từ kính lọc màu đỏ. Khi sử dụng đèn pha chiếu xa trong chế đố chế áp quang học, ở khoảng cách 2km - 2,5km, đèn sẽ tạo ra một khoảng chế áp tên lửa với chiều rộng từ 680 - 840m.
Đèn OTShU-7-1 lắp hai bên tháp pháo T-90. Ảnh: Armytechnology
- Đạn khói 3D17: Để thực hiện hiệu quả chống tên lửa, hệ thống sẽ triển khai màn khói với những thông số tiêu chuẩn và thời gian ngắn nhất. Thông thường, thời gian tạo khói không được chậm hơn thời gian đối phương thao tác ngắm và phóng tên lửa, do đó thời gian tạo màn khói không được lớn hơn 4s.
Đạn khói 3D17 mà T-90 sử dụng cho phép trong khoảng thời gian từ 2 - 4s sau khi bắn, sẽ tạo màn khói hạt có chiều rộng khoảng 20m và chiều cao 10m. Màn khói sẽ làm yếu đi và phản xạ lại các tia quang học, bao gồm cả tia laser, từ đó phá hủy khả năng tự dẫn của đầu đạn tên lửa nhờ phản xạ của laser từ thân xe. Đồng thời, với phạm vi bao phủ rộng, màn khói còn che toàn bộ xe khỏi hệ thống ngắm bắn của pháo thủ đối phương có sử dụng đo xa laser, qua đó làm mất khả năng khai hỏa của đối phương.
Các thông số chính trên T-90. Ảnh: Behance
- Máy tính trung tâm: Sau khi các cảm biến laser nhận diện mục tiêu, thông số sẽ được truyền đến máy tính trung tâm. Ngay khi nhận tín hiệu đang bị ngắm bắn, máy tính sẽ lập tức ra lệnh tạo dựng màn khói đồng thời tự xác định phương án phòng thủ tối ưu. Đồng thời, tất cả các tham số đo được liên quan đến mục tiêu sẽ được hiển thị trên màn hình điều khiển để kíp lái quyết định phương án đánh chặn, lúc này máy tính sẽ tự động điều khiển quay tháp pháo đồng trục theo hướng chiếu của tia laser để tạo điều kiện cho kíp lái tiêu diệt mục tiêu bằng chính vũ khí chống tăng được biên chế trên xe, pháo thủ chỉ cần chỉnh tầm và khai hỏa diệt mục tiêu.
Qua đây, có thể thấy Shtora-1 sẽ tăng tới tối đa khả năng phòng hộ của xe tăng T-90 trước mọi loại vũ khí chống tăng. Đó là sự bổ trợ cần thiết cho T-90 trên chiến trường. Rất may, Nga sẵn sàng tích hợp lại Shtora-1 cho T-90S, vấn đề còn lại là nằm ở khách hàng. Ví dụ như Ấn Độ họ đã cắt giảm Shtora để giảm giá thành, nhưng Algeria ở lô thứ 2 mua T-90 đã đặt hàng Nga đưa Shtora trở lại. Nếu Việt Nam muốn, điều đó hoàn toàn dễ dàng thực hiện.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.