Lý Thế Dân trừng phạt mãnh tướng "phản trắc" dưới trướng

Thứ bảy, ngày 11/12/2021 12:32 PM (GMT+7)
Không đánh hay giam cầm, hoàng đế Đường Thái Tông Lý Thế Dân khiến nhiều người tâm phục khẩu phục khi trừng phạt mãnh tướng này.
Bình luận 0

Đường Thái Tông Lý Thế Dân (598 - 649) là vị hoàng đế thứ hai của nhà Đường trong lịch sử Trung Quốc. Ông chính là người mở ra thời kỳ thịnh trị của nhà Đường.

Lý Thế Dân không chỉ là một người văn võ song toàn mà còn giỏi trọng dụng nhân tài và có tầm nhìn xa trông rộng.

Trong lịch sử đã ghi lại một tình huống thử thách tâm trí của vị hoàng đế tài ba này. Vậy điều gì có thể thử thách một minh quân như Lý Thế Dân? Đó là một bí mật không phải ai cũng biết.

Đầu tiên phải nói về sự biến Huyền Vũ Môn. Đây chính là bước ngoặt lớn trong cuộc đời Lý Thế Dân. Ông vốn là con trai thứ hai của Đường Cao Tổ - vị hoàng đế đầu tiên của nhà Đường. Lý Thế Dân chinh chiến bốn phương, công trạng to lớn nhưng lúc bấy giờ lại không phải người được Đường Cao Tổ chọn làm người kế thừa vương vị.

Vì thế, Lý Thế Dân bày mưu lập kế giết chết Thái tử là Lý Kiến Thành tại cửa Huyền Vũ.

Sự kiện này là cột mốc lịch sử quan trọng và cũng là vết nhơ trong cuộc đời Đường Thái Tông Lý Thế Dân. Để hãm hại Lý Kiến Thành, Lý Thế Dân và các cận thần của ông đã nỗ lực sắp đặt. Ông đã thành công thu hút rất nhiều nhân tài dưới trướng cũng như làm hết sức mình để đạt được mục đích.

Trong khi đó, có một người dưới trướng Lý Thế Dân lúc bấy giờ lại có hành vi khiến Lý Thế Dân một phen lạnh sống lưng. Người này chính là Lý Tĩnh, tướng quân hàng đầu của Lý Thế Dân.

Lý Thế Dân trừng phạt mãnh tướng "phản trắc" dưới trướng: Không đánh mà vẫn thuyết phục - Ảnh 1.

Sự biến Huyền Vũ Môn là bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời Đường Thái Tông Lý Thế Dân. Ảnh: Sohu

Lý Tĩnh là chiến thần đầu tiên của nhà Đường và ông cũng là người đầu tiên theo Lý Thế Dân vào sinh ra tử. Những đóng góp của ông cho thời nhà Đường có thể nói là việc sáng tỏ như gương, không ai có thể bác bỏ.

Nếu nói nửa giang sơn của nhà Đường là do Lý Tĩnh góp phần gây dựng nên cũng không phải nói quá. Tuy nhiên, thái độ của Lý Tĩnh đối với sự biến Huyền Vũ Môn mà Lý Thế Dân sắp phát động lại có phần không rõ ràng.

Vì thế, trước khi xảy ra sự kiện Huyền Vũ Môn, Lý Thế Dân đã viết thư cho Lý Tĩnh để dò hỏi thái độ của ông. Là một người vào sinh ra tử với Lý Thế Dân nhưng ông không hề tỏ thái độ gì, thậm chí còn không viết thư trả lời vị hoàng đế nổi tiếng này.

Thái độ như vậy rõ ràng là để duy trì sự trung lập. Ông không sẵn sàng giúp Lý Thế Dân giết Lý Kiến Thành, cũng không đứng về phía Lý Kiến Thành để đối phó Lý Thế Dân. Thái độ khôn ngoan này có thể là một cách đảm bảo an toàn cho bản thân nhưng trong mắt người khác cũng có thể nói là "phản bội hoàng đế".

Trước đó, mối quan hệ giữa Lý Tĩnh và Lý Thế Dân không phải tầm thường. Lý Tĩnh từng bị Đường Cao Tổ bắt và suýt chém đầu vì ông là quan của nhà Tùy mà nhà Đường lật đổ.

Sau này, khi được Lý Thế Dân nâng đỡ, Lý Tĩnh liền bộc lộ tài năng của mình, từ đó về sau cầm quân đánh trận từng bước có sự tiến triển nhanh chóng. Do vậy, Lý Thế Dân không chỉ là cứu tinh của Lý Tĩnh mà còn là người có vai trò cao cả trong con đường sự nghiệp sau này của ông.

Lý Tĩnh vốn nên giúp đỡ Lý Thế Dân trong sự biến Huyền Vũ Môn về cả tình lẫn lý, nhưng ông lại không làm vậy.

Hình phạt đối với "kẻ phản trắc"

Lý Thế Dân trừng phạt mãnh tướng "phản trắc" dưới trướng: Không đánh mà vẫn thuyết phục - Ảnh 2.

Lý Thế Dân thắng trận Huyền Vũ Môn nhờ tài thao lược của mình. Ảnh: Sohu

Dù Lý Tĩnh không tham gia nhưng sau đó Lý Thế Dân đã giành thắng lợi tại Huyền Vũ Môn nhờ tài thao lược hơn người của mình.

Việc đầu tiên mà Lý Thế Dân làm sau khi lên ngôi hoàng đế là ban thưởng cho những tướng lĩnh đã từng đứng lên ủng hộ ông ở Huyền Vũ Môn. Dù không làm khó Lý Tĩnh nhưng nếu cũng phong thưởng thì sẽ không công bằng với những người đã tham gia vào sự biến Huyền Vũ Môn.

Vì vậy, Lý Thế Dân đã cân nhắc nhiều lần và sắp xếp như sau: Phòng Huyền Linh, Trưởng Tôn Vô Kị, Đỗ Như Hối, những người tham gia vào sự kiện Huyền Vũ Môn và có công lớn được cấp 1.300 hộ; Trương Công Cẩn, Hoạch Phong được cấp 1.000 hộ.

Những người khác có công tham gia vào sự kiện tranh giành quyền lực này cũng đều được cấp theo thứ tự là 900, 800, 600, 400 và 300 hộ.

Lý Tĩnh có chức vị cao hơn Phòng Huyền Linh và những người khác nhưng ông chỉ được phong thưởng 400 hộ. Phong thưởng hộ gia đình tại thời cổ đại có ý nghĩa như một loại danh dự mà hoàng đế ban thưởng. Ví dụ, ban thưởng 900 hộ tương đương với khoản thuế mà 900 hộ phải nộp. Đây cũng coi như một hình phạt nhỏ đối với Lý Tĩnh.

Tuy nhiên, cả hai bên đều tỏ ra không để tâm tới vấn đề này, ngụ ý rằng hoàng đế Lý Thế Dân vẫn rất tin tưởng Lý Tĩnh và cần ông cầm quân giải quyết những rắc rối ở biên cương. Ngược lại, Lý Tĩnh cũng trung thành và có nhiều đóng góp cho sự phát triển của nhà Đường.

Hành động của Lý Thế Dân không chỉ khiến những tướng lĩnh khác cảm thấy thuyết phục mà còn giành được sự ngưỡng mộ của các thế hệ sau này. Cho đến tận ngày nay, cách làm của ông vẫn được hậu thế ca ngợi.

PV (Theo Pháp luật và Bạn đọc)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem