Mấy ngày qua, việc hai người mẫu chụp ảnh tại “Tuyệt Tình Cốc” ở xã An Sơn (huyện Thủy Nguyên- Hải Phòng) đang làm dân mạng xôn xao. Ngoài việc bình phẩm những hình ảnh hết sức sexy của 2 người mẫu, thì hồ nước được mệnh danh là Tuyệt Tình Cốc ở đây cũng được đưa ra bàn tán, trong đó không ít người trầm trồ về vẻ đẹp hoang dại của nó.
Những hình ảnh hở hang của 2 hot girl trong bộ ảnh "Tuyệt Tình Cốc". Ảnh: Tu Nguyen
Thực ra, địa điểm “Tuyệt Tình Cốc” theo cách dân mạng gọi, có được do việc khai thác núi đá mà thành. Khi doanh nghiệp nổ mìn khai thác đá đã để lại những hố sâu vài chục mét, mưa xuống tạo thành những hồ nước. Nước và đá ở hồ kết hợp với ánh sáng tạo thành một cảnh quan lung linh huyền ảo như trong phim nên mọi người gọi là “Tuyệt Tình Cốc”.
Hai cô gái chụp hình cho biết không biết trước trang phục. Ảnh: Tu Nguyen
“Tuyệt Tình Cốc” ở An Sơn nằm trong khu vực vành đai an toàn nổ mìn khai thác đá của Công ty xi măng Phúc Sơn. Đây là khu vực rất nguy hiểm, UBND huyện Thủy Nguyên đã giao cho Công ty xi măng Phúc Sơn cắm cọc bê tông, rào lưới B40 xung quanh hồ và chịu trách nhiệm quản lý đảm bảo an toàn khu toàn khu vực trên.
Vậy thì với sự hình thành hết sức “trần tục” cũng như bản thân chứa đầy sự nguy hiểm như vậy sao người ta lại gọi là “Tuyệt Tình Cốc”. Có lẽ, nhiều người chưa hiểu rõ bản chất của “Tuyệt Tình Cốc”- một “sản phẩm”, một địa điểm văn học hết sức độc đáo, ly kỳ trong tiểu thuyết Thần điêu hiệp lữ của nhà văn Kim Dung.
Với những người yêu thích tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung thì đều hiểu một cách cơ bản nhất, tiểu thuyết của ông chia làm 2 lớp. Lớp 1, dễ đập vào cảm giác và cũng khiến ai đó hời hợt dễ hiểu sai về những tư tưởng ông muốn truyền tải.
Ảnh: Tu Nguyen
Lớp 2, phải đào sâu, càng tìm hiểu, “bóc lớp” mới thấy giá trị đích thực của tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung. Là nơi phân biệt ông với những tác giả viết “truyện chưởng” đơn thuần.
“Tuyệt Tình Cốc” được Kim Dung mô tả trong Thần điêu hiệp lữ cũng vậy. Nếu chỉ nhìn vào cái tên thì nhiều người sẽ nghĩ đây là một xứ sở thần tiên, thoát tục. Ở nơi đó tưởng đâu là hoàn mỹ, phiêu diêu lắm. Biết đâu “dưới đáy Tuyệt tình cốc” ẩn chứa những bí mật khủng khiếp của những giá trị đạo đức băng hoại mà điển hình là một người nhìn bề ngoài tưởng như “chính nhân quân tử”. Công Tôn Chỉ vì một người phụ nữ khác, sẵn sàng hãm hại, đầy đọa vợ mình là Cầu Thiên Xích – người đã sinh ra cho ông ta một cô con gái đẹp như thiên thần về cả hình thức lẫn tâm hồn – Công Tôn Lục Ngạc.
"Tuyệt Tình Cốc" ở Hải Phòng
“Tuyệt Tình Cốc” trong kiếm hiệp Kim Dung được ẩn dụ một cách sống động nhất với chất độc hoa tình. Vườn hoa đó đẹp là thế nhưng cũng ẩn chứa trong đó chất kịch độc hại người – chất độc mà Thiên trúc thần tăng có tài y dược ví tài như “Hoa đà tái thế” cũng phải mất mạng trên hành trình tìm kiếm chất giải cứu “song kiếm hợp bích” Tiểu Long Nữ - Dương Quá bị dính độc hoa tình.
Như đã đề cập tới ở trên, những gì Kim Dung muốn đặc tả luôn ở “phần chìm” của một tảng băng. Ở “Tuyệt Tình Cốc”, đúng là có một đầm nước thật nhưng chỉ có vợ chồng Công Tôn Chỉ - Cầu Thiên Xích biết. Nó nằm ẩn dưới lòng đất mà chính Công Tôn Chỉ cũng dùng đầm nước này làm nơi giam hãm vợ mình.
Nhưng thế chưa hết, cũng chính cái đầm nước “ẩn sâu dưới lòng đất đó” là nơi chứng kiến mối tình có một không hai, một mối tình được ghi nhận đẹp nhất trong tiểu thuyết kiếm hiệp Kim Dung giữa Dương Quá – Tiểu Long Nữ. 16 năm chờ đợi, 16 năm mòn mỏi và trong lúc tuyệt vọng nhất, họ đã tìm thấy nhau ở chính đầm nước ấy để mãi mãi là “song kiếm hợp bích”, tự do tự tại hành tẩu giang hồ.
Ảnh: Tu Nguyen
“Tuyệt Tình Cốc” tầng tầng lớp lớp nghĩa thế nên mới nói Kim Dung nếu nghe hoặc được biết về bộ ảnh “Tuyệt Tình Cốc” đang hoành hành bá đạo trên cộng đồng mạng lúc này gắn với những bức hình “thiếu vải” của 2 cô “hot girl” cùng ê-kíp thực hiện ông sẽ cười rộ, cũng như cho rằng đó là sự phỉ báng, thô tục hóa (?!)
Thế nhưng, thiết nghĩ, dẫu sao đa phần cũng là vì họ là những người trẻ, trẻ thì tò mò, hiếu động và nếu có hành động gì đó sai cũng là điều dễ hiểu! Điều quan trọng là công luận phải giúp họ hiểu đúng. Cảnh đẹp “Tuyệt Tình Cốc” ở Hải Phòng vốn không có lỗi.
“Tuyệt Tình Cốc” trong Thần điêu hiệp lữ của Kim Dung cũng tồn tại tự nhiên, không thay đổi theo thời gian. Điều quan trọng là cảnh vật đó được hiểu theo nghĩa nào, hoàn toàn phụ thuộc vào cách ứng xử của con người đối với nó vậy!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.