Bệnh nhân L.T.K (26 tuổi, ngụ Đà Nẵng) nhập viện trong tình trạng hai bên mông sưng phù, căng cứng, thủng lỗ, chảy dịch nhầy liên tục. Khai thác bệnh sử, chị K. cho biết đã được một người bạn thân đang làm tại một spa ở Malaysia tư vấn về một loại filler mới, được nhập khẩu từ Mỹ.
Nhận thấy việc tiêm filler sẽ phải diễn ra nhiều lần và tốn kém nhiều tiền, nên chị K. đã quyết định tự mua một lượng filler lớn với giá 150 triệu đồng về nhà, nhờ cô bạn thân tiêm filler vào mông, nhằm tiết kiệm chi phí.
Tuy nhiên, ngay sau khi tự tiêm "filler ngoại" vào mông thì chị K. hoảng hốt khi vùng mông phải bị sưng tấy, căng cứng, tụ thành khối áp xe lớn và đau nhức âm ỉ không ngừng. Quá đau đớn với khối áp xe trên mông, chị K. đã quyết định tự rạch khối áp xe và nặn filler ra nhưng chỉ chảy ra dịch mùi hôi.
Sau đó, chị K. vào TP.HCM để tìm bác sĩ điều trị. Trên đường đến TP.HCM, vì quá đau nhức nên chị K. đã ghé vào 1 cơ sở ở Bình Dương để được sơ cứu khối áp xe đang trào dịch. Sau khi thăm khám, các bác sĩ ở đây đã cho chị K. tiến hành "nạo sống" filler bên mông phải trong suốt 6 ngày để đưa filler ra ngoài.
Chị K. bàng hoàng nhớ lại: "Ở lần nạo vét filler đầu tiên, bác sĩ gây tê tủy sống và thực hiện nặn bóp lượng lớn filler vùng mông phải. Hỗn hợp filler, dịch mủ, máu và mô hoại tử tràn đầy 1 chén canh tuy nhiên vẫn chưa hết. Suốt 5 ngày tiếp theo, tôi chịu nỗi đau ngất trời khi phải chịu cảnh nặn filler sống, không được bác sĩ gây tê hay gây mê. Vết thương sau đó cũng không được khâu thẩm mỹ, để lại hai vết sẹo to, thâm tím dài khoảng 6 cm. Vùng da quanh sẹo xuất hiện nhiều mảng tím bầm, đau nhức khiến bệnh nhân không thể nằm ngửa, và suốt thời gian gần đây vẫn không có dấu hiệu cải thiện. Mông bên trái xuất hiện triệu chứng đau nhức liên tục và hình thành một khối áp xe lớn, dù tự rạch để nặn mủ nhưng càng đau hơn".
Sau đó, bệnh nhân đã phải cầu cứu tại một bệnh viện ở TPHCM. Qua thăm khám trực tiếp và chẩn đoán kết quả chụp MRI, bác sĩ phát hiện filler đã lan rộng khắp vùng mông trái của bệnh nhân, đến tận khu vực xương chậu, khiến cho mông bị sưng phồng, cứng ngắc, nhiều vùng bị vón cục, nếu không điều trị khẩn cấp sẽ dẫn đến hoại tử. Ở giữa vùng biến chứng filler có vết thương sâu hoắm, liên tục chảy dịch, khiến bệnh nhân đau đớn. Ngay lập tức, bệnh nhân được chỉ định mổ khẩn để nạo vét filler.
Bác sĩ điều trị trực tiếp cho bệnh nhân chia sẻ: "Ngay khi vừa bóc tách và rạch đường phẫu thuật đầu tiên, filler và dịch mủ đã trào ra ào ạt, có màu trắng đục và nhớp dính như gel dán. Filler này len lỏi sâu vào các mô cơ tạo thành cấu trúc tổ ong, khiến vùng mông của bệnh nhân sẽ bị chỗ lồi, chỗ lõm, biến dạng, chỗ bị xuyên thủng... hình thành khối tổ ong bên trong mô mềm. Thậm chí, filler thẩm thấu và lan rộng tới tận xương chậu của bệnh nhân, gây tắc nghẽn mạch máu nuôi dẫn đến hoại tử mô và nhiễm trùng nặng. Việc tích tụ mô hoại tử trong một thời gian dài sẽ tạo thành mủ dịch, chậm chút nữa sẽ dẫn đến hoại tử toàn bộ mông. Đây cũng là lý do chính bệnh nhân bị đau nhức dữ dội và mông bốc mùi hôi thối".
Quá trình thực hiện bóc tách gặp nhiều khó khăn do cấu trúc áp xe hình tổ ong, phải phá từng vách của tổ ong để có thể nạo sạch filler lẫn trong các mô cơ hoại tử. Đồng thời, filler, dịch mủ và máu hòa lẫn với nhau rất khó để phân biệt. Cả ê kíp đã phải tỉ mỉ vét sạch filler dính chặt trong các thớ thịt của bệnh nhân, bơm rửa và làm sạch toàn bộ ổ dịch trong máu để tránh nguy cơ vùng mông tiếp tục hoại tử. Trải qua quá trình bóc tách, các bác sĩ thu được hơn 500ml hỗn hợp vừa filler, máu, mủ và mô hoại hoại tử nói trên.
Sự việc này một lần nữa cảnh báo chỉ vì lợi ích trước mắt, nhiều chị em đã sử dụng vật liệu làm đẹp kém chất lượng, không rõ nguồn gốc và thực hiện tiểu phẫu, phẫu thuật trong môi trường "nhà ở", mà bỏ qua vấn đề an toàn có thể nguy hiểm tới sức khoẻ, thậm chí là cả tính mạng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.