Lâu nay mọi người vẫn quan niệm rằng "nét chữ nết người". Vì vậy, mỗi đứa trẻ đi học đều phải chỉn chu vở sạch, chữ đẹp, thậm chí giáo viên còn cầm thước gõ vào tay nếu viết ẩu, viết xấu.
Lớn lên trong khung chuẩn như thế, nên mới đây, một bà mẹ Việt ở châu Âu vô cùng bất ngờ khi kiểm tra vở con và không thể chấp nhận được khi thấy chữ con quá xấu. Câu chuyện được chia sẻ lại như sau:
"Một hôm kiểm tra vở của con, thấy chữ con xấu quá, tức khí, người mẹ dắt con đến gặp cô giáo và hỏi rằng, tại sao chữ con xấu thế mà cô giáo và trường học chẳng có ý kiến gì.
Cô giáo kiên nhẫn nghe bà mẹ Việt phàn nàn xong thì mỉm cười, không nói gì, mở cặp tài liệu của mình ra và cho cô xem bài viết của khoảng chục học sinh khác trong lớp. Bà mẹ thấy chữ đứa nào cũng không đẹp, thậm chí có đứa còn vẽ cả ra trang giấy nữa.
Thế rồi cô giáo nói rằng, chữ viết của mỗi người là cá tính, là cái riêng, là bản sắc của người đó. Trong môi trường giáo dục này, điều mà cô cũng như các giáo viên khác làm là giúp trẻ duy trì những cái riêng ấy, chứ không ép các con vào một khuôn, một chuẩn theo kiểu chữ phải đẹp hay sách vở phải sạch sẽ thơm tho đúng theo một quy định nào đó (vốn không tồn tại ở đây).
"Mỗi một đứa trẻ là một con người khác biệt. Chúng tôi tôn trọng sự khác biệt ấy, và chúng tôi dậy bọn trẻ cũng làm điều tương tự với những người khác", cô kết luận.
Cá tính riêng được tôn trọng?
Câu chuyện trên đã được nhà báo Trương Anh Ngọc kể lại và gây tranh cãi trên mạng xã hội. Theo anh, có một sự xung đột văn hoá ở câu chuyện này. Bà mẹ Việt lớn lên trong cái gọi là chuẩn về quan niệm thẩm mỹ theo kiểu "vở sạch chữ đẹp", "nét chữ nết người", ai viết xấu sẽ bị điểm xấu, ai viết tay trái thì bị cô đánh thước kẻ đau điếng.
"Người ta muốn gò học sinh vào một khuôn mẫu, coi đó là cái chuẩn phải theo và không quan tâm đến cá tính cũng như đếm xỉa đến thái độ, tâm trạng của trẻ. Những đứa trẻ ở thế hệ của bà mẹ đã lớn lên như thế, và sau này, khi thành những ông bố bà mẹ cũng muốn con như thế. Và rồi khi họ ra nước ngoài, vẫn không thay đổi, cho đến khi họ gặp gỡ trực tiếp với người làm giáo dục và lắng nghe họ nói về sự tôn trọng những khác biệt mang tính cá nhân.
Bạn bảo, hoá ra ở đây họ nhìn nhận vấn đề thật khác, theo hướng không hình thức mà thực chất. Mà nếu xét theo chuẩn của Việt Nam mình, chữ của người nước ngoài thật là xấu, chẳng hề lãng mạn bay bướm hay thẳng hàng thẳng lối như các cuốn tập viết hồi lớp 1, 2 ở nhà. Nhưng cá tính riêng được tôn trọng, quan điểm riêng được lắng nghe, và trẻ được khuyến khích tự lập và phát triển theo năng lực cá nhân từ khi còn nhỏ chứ không ép buộc. Họ quan trọng việc anh là ai, anh làm được gì, khả năng của anh ra sao, chứ không phải anh trông thế nào, anh viết lách ra sao - người bạn kết luận".
Ngay sau khi bài viết được chia sẻ, hàng nghìn ý kiến được đưa ra. Người ủng hộ nhiệt tình bởi chữ viết đẹp hay xấu không đánh giá được tài năng của một con người. "Viết được chữ đẹp là tốt không ai phê phán. Thế nhưng nếu lấy chữ đẹp, bắt buộc viết tay phải là một thước đo thành tích học và dạy để đến mức giờ nghỉ trưa cô giáo và học trò đều không ngủ cố ép nhau ngồi luyện thì tôi không đồng ý", một người bày tỏ quan điểm.
Tuy nhiên, câu chuyện trên cũng nhận được luồng ý kiến trái chiều. "Giáo sư Cù Trọng Xoay" Đinh Tiến Dũng cũng đưa ra quan điểm của mình: "Anh lại đánh tráo khái niệm giữa cái sai, cái xấu và cái cá tính, cái riêng biệt rồi. Anh vào xem các trường nghệ thuật của Tây mà xem, nơi đó đòi hỏi cái cá tính và riêng biệt nhất đấy, xem họ uốn bọn trẻ con vào khuôn phép và kỷ luật như nào, còn gấp cả chục cả trăm lần các cô giáo Việt Nam uốn viết chữ. Chẳng qua với Tây thì nét chữ không phải cái để coi là nghệ thuật nên họ không coi trọng, nhưng các nước châu Á và Việt Nam thì có coi trọng việc đó. Đơn giản thế thôi.
Muốn làm ra "cái trên đúng" thì đầu tiên anh phải thành thạo "cái đúng" đã. Đừng đánh đồng "cái sai" với "cái trên đúng", đấy là cái kiểu AQ dễ dãi".
Quan điểm về chữ viết xấu là thể hiện cá tính riêng biệt hay đó là sự cẩu thả vẫn được mọi người bình luận rôm rả.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.