Hành trình thành... con nợ
Trong căn nhà trọ xập xệ chưa đầy 9m2 tại xã Di Trạch (Hoài Đức, Hà Nội), Nguyễn Thị L (Tiền Hải, Thái Bình), sinh viên năm 2 Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội đang trệu trạo ăn cơm chỉ với bát canh lèo tèo và mấy miếng đậu phụ. Khi được hỏi, cô không cầm được nước mắt: “3 tháng nay em chỉ dám ăn thế, tiền bố mẹ gửi lên cho mỗi tháng 1 triệu chỉ đủ đóng tiền nhà và… trả lãi cầm đồ. Cũng không đủ tiền góp ăn hằng tháng với các bạn cùng phòng nên em phải… ăn riêng”.
Nhiều sinh viên nhẹ dạ, sập bẫy mạng lưới bán hàng đa cấp (Nguyễn Thị L tại phòng trọ). Ảnh: T.A
Trong nước mắt, L kể câu truyện bỗng dưng trở thành nạn nhân của mạng lưới bán hàng đa cấp. Câu chuyện không hề mới, nhưng vẫn rất đau lòng: Vì muốn đỡ đần bố mẹ nên ngay sau học kỳ 1 năm nhất, L tìm việc đi làm gia sư. Nhưng mấy lần cô bị trung tâm giới thiệu việc làm lừa tiền, chỗ được đi dạy thì quá xa, tiền lương không đủ tiền đi lại. Rồi cô được bạn bè rủ đi bán thực phẩm chức năng cho một công ty ở phố Duy Tân (Cầu Giấy) với lời quảng cáo mỗi tháng thu nhập có thể lên đến 10 - 15 triệu đồng, nếu mời được thêm người vào thì chả cần bán hàng cũng có lương (?).
Không có tiền đặt cọc lấy hàng, cô được công ty này đứng ra bảo lãnh cho đi “cầm” thẻ sinh viên, chứng minh thư để vay 10 triệu đồng với lãi suất 5.000 đồng/triệu/ngày. Sau 3 tháng lấy hàng, L chỉ bán được vài lọ thuốc nên cô… vỡ nợ.
“Đến khi nghe tin công ty đó bị công an xử phạt vì lừa đảo, em vội đến trả hàng đòi lại tiền nhưng không được. Giờ mỗi tháng em phải trả 1,5 triệu đồng tiền lãi, tiền bố mẹ gửi lên không đủ em phải vay mượn, đi làm thuê tối ngày… không còn thời gian học nữa. Em không biết phải nói thế nào với bố mẹ, cứ như thế này thì đến bỏ học về quê. Kỳ này em đã nợ rất nhiều môn rồi” - L gạt nước mắt.
Cũng giống L, Phạm Ngọc P - sinh viên năm 2 Trường ĐH Giao thông Vận tải Hà Nội hiện đã phải bảo lưu kết quả học để dành thời gian… đi làm thêm kiếm tiền trả nợ vì sập bẫy đa cấp.
“Chỉ vì cả tin và hám lợi em đã tham gia mạng lưới này. Tiền chẳng thấy đâu, giờ số nợ em phải trả cả gốc lẫn lãi lên tới gần 50 triệu đồng. Thẻ sinh viên, giấy tờ tùy thân giờ hiệu cầm đồ giữ cả, em không thể đi thi hết kỳ, hết năm được. Em nghỉ học bảo lưu đi làm lấy tiền trả lãi hằng tháng cũng không dám nói cho bố mẹ” - P nói.
Ráo riết cảnh báo sinh viên
TS Vũ Trọng Nghĩa - Phó phòng Công tác chính trị và quản lý học sinh, sinh viên, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân - cho rằng: “Sinh viên vướng vào mạng lưới đa cấp không chỉ mất tiền mà còn ảnh hưởng lớn đến việc học tập. Vì vậy, ngoài việc tuyên truyền, cảnh báo, các trường cần có các buổi trò chuyện với tân sinh viên, dạy thêm kỹ năng sống để các em có kinh nghiệm đối phó với các tình huống này”.
|
L và P chỉ là 2 trong số hàng nghìn sinh viên phải chịu hậu quả của việc lao vào bẫy bán hàng đa cấp. Nhiều sinh viên cho biết, không phải họ không có thông tin nhưng không hiểu sao họ vẫn lao theo công việc này vì những lời dụ dỗ “có cánh” của các “cò” đa cấp.
Mới đây, một clip ghi lại cảnh “cò” đa cấp diễn thuyết hùng hồn trên đường phố tại TP.HCM cũng được chia sẻ một cách chóng mặt trên mạng xã hội. Trong clip, một số nam thanh nữ tú tự xưng là sinh viên các trường ĐH học lớn, ăn mặc lịch sự, đứng giữa đám đông và hô lớn rằng năm 2016 mình sẽ đạt được những mục tiêu: Kiếm được hàng nghìn đô, trở thành triệu phú đô la, đủ tiền du học Canada…
Trước đó, tại cổng trường ĐH Quốc gia Hà Nội và Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng có hiện tượng một số thanh niên ăn mặc bảnh bao cầm biển ghi những lời dụ dỗ “ngọt ngào” về công việc dễ dàng kiếm 200 triệu đồng/tháng.
Theo PGS-TS Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội - Viện Xã hội học, ma lực của các “cò” này chính là khả năng thuyết phục tự tin, huyễn hoặc khả năng của bản thân để đánh vào tâm lý hám tiền của nhiều người, trong đó có đối tượng học sinh, sinh viên nghèo cả tin và đang phụ thuộc về kinh tế.
Mới đây, để cảnh tỉnh sinh viên của mình, một số trường ĐH, CĐ như ĐH Đại Nam; ĐH Nguyễn Trãi… đã phải ra văn bản thông báo, cấm sinh viên và cán bộ của trường tuyệt đối không được tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp tránh gây hệ lụy cho bản thân và gia đình.
Theo TS Lương Cao Đông - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Đại Nam, các trường ĐH, CĐ chỉ biết cảnh báo, giáo dục các em đề phòng chứ không có quy chế nào bắt buộc các em không tham gia được, tất cả là tùy thuộc vào ý thức và nhận thức của các em. Lời khuyên cho các em là nên tập trung vào nhiệm vụ học tập, công việc kiếm tiền hãy để sau khi tốt nghiệp ra trường.
PGS-TS Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội (Viện Xã hội học): Cảnh giác với lòng tham
Để xảy ra tình trạng bán hàng đa cấp, kinh doanh ảo một cách tràn lan như hiện nay, trách nhiệm đầu tiên là của chính những người tham gia. Bởi vì, bản thân họ dù biết câu chuyện kinh doanh đó là không thực tế, vì chỉ đóng vài triệu đồng, vài trăm nghìn đồng nhưng chỉ trong một thời gian ngắn có thể thu lời hàng chục triệu đồng, thậm chí hàng trăm triệu đồng… khiến các em sinh viên mê muội, tin theo.
Thứ hai, khi có các yếu tố bất thường hay có các chương trình khuyến mại đặc biệt, quá khủng thì cơ quan chức năng phải răn đe kiểm tra kịp thời. Bản thân những người tham gia, đặc biệt là đối tượng học sinh, sinh viên phải có ý thức cảnh giác với lòng tham của chính mình, đồng thời phải có sự phản biện khi tiếp nhận những thông tin ấy và tham gia các chương trình một cách thận trọng.
Ông Nguyễn Việt Cường - Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội: Cần mạnh dạn tố cáo
Trước khi tham gia các hoạt động bán hàng này cần phải tìm hiểu thật kỹ về các hoạt động của nó, các điều kiện ràng buộc và về các sản phẩm mà mình mua về để bán hay sử dụng. Nếu có dấu hiệu bất thường, lừa đảo phải mạnh dạn lên tiếng phản ánh với các cơ quan chức năng.
Việc nhận diện sai phạm của kinh doanh đa cấp rất dễ, nhưng khi xác nhận thông tin, lực lượng thanh tra kiểm tra rất ít khi nhận được sự hợp tác của những người trong cuộc. Đây chính là một trong những rào cản.
Minh Nguyệt - Hoàng Vũ (ghi)
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.