“Mê hồn trận” game online ở nông thôn

Thứ hai, ngày 16/08/2010 06:37 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Việc quản lý game online ở khu vực nông thôn hết sức khó khăn. Một trong những giải pháp mới để quản lý là cắt đường truyền đến các đại lý sau 23 giờ, nhưng đó mới là một giải pháp cần mà chưa đủ.
Bình luận 0
img
Hình ảnh này có thể bắt gặp tại nhiều vùng nông thôn tỉnh Long An.

Học sinh trốn học, công nhân quên làm

Chúng tôi có mặt tại một cửa hàng game online tại thôn Núi Móng, xã Hoàn Sơn (Tiên Du, Bắc Ninh). Dù là giờ nghỉ trưa nhưng xe máy, xe đạp dựng chật cứng trước quán. Phía trong, tất cả các máy đều kín chỗ.

Các game thủ đang cúi gằm, lắc lư trước màn hình; âm thanh chí choé phát ra từ những pha bắn nhau gay cấn trong trò "Đột kích", tiếng nhạc ầm ĩ trong trò chơi Audition cộng với tiếng chửi đổng của các tay game thủ khiến cho căn phòng nhỏ không khác nào một nhà máy xay.

Hầu hết các game thủ ở đây là công nhân của Khu công nghiệp Tiên Sơn và các em học sinh. Bọn trẻ ít tiền nên 2-3 đứa cùng xúm vào chơi chung một máy.

Minh, một game thủ có thâm niên ở Núi Móng cho biết: 3 - 4 năm nay, dù các cửa hàng liên tục mọc lên, trang bị thêm nhiều máy hơn nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu. Việc ra quán ngồi chờ hàng tiếng đồng hồ mới có máy là bình thường. Không chỉ hoạt động ban ngày, các cửa hàng này còn phục vụ thâu đêm.

Vì vậy, cảnh người lớn đến quán nét kéo con về nhà học bài diễn ra như cơm bữa. Nhiều công nhân tan ca lại sà vào quán game. Minh cho biết, một kỷ lục của game công nhân tên Mạnh, quê ở Hà Nam tại thôn này là đánh thông 3 ngày 3 đêm không ngủ; ăn uống ngay tại chỗ.

Với đồng lương khoảng 2 triệu đồng/tháng, nhiều công nhân đã "nướng" vào quán game vài trăm nghìn đến 1 triệu/tháng. Nhiều game thủ phải cầm cố chứng minh thư, thẻ ATM hoặc các đồ dùng khác. Đó là lý do vì sao cửa hàng game này kiêm luôn dịch vụ cầm đồ.

Nhiều cửa hàng game lậu

img Một trẻ em ở thành phố chơi game mất 30.000 đồng/ ngày có thể là chuyện bình thường, nhưng ở nông thôn thì lại là cả một vấn đề lớn. Mặt khác, máy tính cá nhân ở các gia đình nông thôn hiện nay vẫn là một đồ vật xa xỉ, các em muốn chơi đều phải ra quán. Vì thế, cha mẹ khó có thể quản lý con mình chơi game online. img

PGS.TS Bùi Quang Thắng - Viện Văn hóa nghệ thuật (Bộ VH-TT&DL) trả lời phóng viên NTNN ngày 17-5

Các thị trấn ở vùng sâu, vùng xa hiện nay cũng có rất nhiều cửa hàng game online trá hình. Chúng tôi rà xe máy dọc thị trấn Sìn Hồ (huyện Sìn Hồ, Lai Châu) nhưng không thấy cửa hàng Internet nào. Tuy nhiên, khi hỏi người dân mới biết quán Internet ở ngay sau lưng.

Đó là một căn nhà gỗ tềnh toàng, không có biển bảng nhưng vào trong có tới 30 chiếc máy tính tốc độ cao với hàng chục game thủ đang chơi.

Tại thị trấn Yên Khánh (Ninh Bình) cũng có những cửa hàng game núp bóng cửa hàng tạp hoá hoặc bán hoa quả. Nếu chính quyền các cấp không phát hiện được các cửa hàng game lậu này thì không thể triển khai được các giải pháp quản lý game. Nói gì tới việc cắt hay không cắt đường truyền.

Tại ĐBSCL, game online cũng tràn về tới “hang cùng ngõ hẻm”. Ở Tiền Giang, đại lý game online ở đây trưng biển có, không trưng biển cũng có. Thầy Bùi Công Tại - Hiệu trưởng Trường THCS Đoàn Giỏi (Châu Thành) - một trường nổi tiếng kỷ luật nghiêm ở Tiền Giang cho biết, nhà trường chỉ quản được học sinh trong giờ học, khi các em ra khỏi cổng trường có chơi game hay không trường không quản nổi. Trong thời gian học chính khoá còn vậy, nói gì tới thời gian nghỉ hè của học sinh.

Ủng hộ cắt đường truyền, nhưng…

Ông Phạm Văn Năm - cán bộ văn hoá xã Hoàn Sơn cho biết: Cả xã có 10 thôn nhưng có đến 12 cửa hàng Internet. Cứ mỗi 3 tháng đoàn thanh tra liên ngành của huyện và xã lại tiến hành kiểm tra một lần; việc kiểm tra chỉ mang tính thủ tục như kiểm tra giấy phép, biển bảng… còn việc kiểm soát thường xuyên về giờ giấc hoạt động của cửa hàng game vẫn chưa hiệu quả. Khoảng 1 năm lại đây, chưa cửa hàng game nào bị phạt tiền vì hoạt động quá giờ.

Tính đến tháng 7-2010, cả nước có khoảng 5 triệu người thường xuyên chơi game. Đáng lo ngại hơn, trong số 44 trò chơi được 14 doanh nghiệp phát hành có tới 77% trò chơi mang tính bạo lực, 9% trò chơi mang tính cờ bạc, còn 14% là các loại hình khác liên quan đến thể thao.

Ông Lê Văn Khanh - Phó Chủ tịch UBND Hoàn Sơn cho biết, có nhiều trường hợp đoàn kiểm tra biết trong quán game vẫn còn người chơi nhưng chủ cửa hàng tắt điện, gọi cửa không chịu mở nên đoàn kiểm tra không xử lý được.

Về đề xuất cắt đường truyền sau 23 giờ và dịch chuyển các cửa hàng Internet cách xa trường học 200m, ông Năm và ông Khanh đều đồng ý. Tuy nhiên, đối với giải pháp cắt đường truyền, nếu các cửa hàng đăng ký thêm một đường dây khác, cho đi ngầm dưới đất hay trong tường… thì với trình độ của cán bộ cấp xã sẽ không thể kiểm soát được. Ông Năm đề nghị, nếu triển khai giải pháp này, ngành thông tin truyền thông cần phải hỗ trợ, tập huấn cho cán bộ xã về kỹ thuật.

Cũng liên quan tới quản lý, ông Nguyễn Văn Chẩn - Chánh Thanh tra Sở Thông tin truyền thông tỉnh Tiền Giang còn nêu một mâu thuẫn: Tất cả các trò chơi đều do Bộ Thông tin truyền thông cấp phép, Sở Thông tin truyền thông chỉ có thể phối hợp với các ngành khác kiểm tra điều kiện kinh doanh, giờ giấc hoạt động của cơ sở…

Nghị định 103/2009 của Chính phủ cho phép các dịch vụ game online hoạt động từ 8 - 22 giờ. Trong khi đó, Quyết định 06/2010 của Thủ tướng Chính phủ cho phép các điểm kinh doanh Internet được hoạt động từ 6 - 24 giờ. Chính vì vậy mà nhiều đại lý kinh doanh Internet vì lợi nhuận đã bất chấp quy định, vẫn cho khách chơi game sau 22 giờ. Trong 3 tuần cuối tháng 6, Sở phối hợp với Công an tỉnh kiểm tra 37 đại lý ở khu vực nông thôn phát hiện có đến 19 đại lý vi phạm phải phạt tiền, cảnh cáo…

(còn nữa)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem