Miền Bắc đang trải qua những ngày nồm ẩm nhất trong năm với độ ẩm trong không khí rất cao, vật dụng trong nhà luôn trong tình trạng "đổ mồ hôi". Đây chính là điều kiện lý tưởng cho vi khuẩn sinh sôi. Vì thế, việc cần làm ngay lúc nay là chống ẩm, đặc biệt là trong căn bếp - nơi chế biến đồ ăn hằng ngày cho cả gia đình.
Với thớt gỗ
Sau khi dùng xong, rửa sạch, dội nước sôi hoặc xát muối, hay bạn cũng có thể lau bằng một ít giấm và hong khô gần bếp. Việc này sẽ hạn chế vi khuẩn vào trong cơ thể vì thớt là nơi tiếp xúc trực tiếp với đồ ăn.
Với khăn lau bếp
Trong căn bếp thường có tới 5-7 loại khăn với các mục đích khác nhau như lau mặt bếp, lau nồi, tay, bát, lau bàn... Bạn cần thay giặt định kỳ, nên chuẩn bị mỗi loại 2 cái, để cái này giặt chưa khô còn có cái khác.
Thời gian tối đa để thay giẻ mới là 2 tháng, các loại khăn lau bát thì thời gian ít hơn. Đây là ổ êm ấm để vi khuẩn trú ngụ. Trong mùa nồm ẩm này, tốt nhất là lau sạch bàn ăn và khu bếp ngay khi ăn xong; sau đó cho khăn luộc qua nước sôi rồi mang phơi.
Giữ sạch căn bếp mùa ẩm là góp phần bảo vệ sức khỏe.
Với lò nướng
Sau khi dùng xong, bạn nên vệ sinh ngay để hạn chế cáu bẩn do thức ăn bám dính. Rút điện, dùng khăn lau ấm với giấm để lau sạch. Nếu vết bẩn lâu ngày, bạn có thể dùng bakingsoda và giấm để vệ sinh. Cách lau có thể tìm được trên internet qua các video hướng dẫn rất chi tiết.
Với tủ bếp
Tủ bếp gỗ là đồ vật thông dụng trong căn bếp của hầu hết các gia đình. Loại vật liệu này đẹp, bền nhưng có khuyết điểm là rất dễ ẩm mộc, nặng hơn là mối mọt, nấm mốc ám vào bát đĩa, dụng cụ làm bếp, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe.
Để khắc phục, bạn cần vệ sinh sạch sẽ tủ bếp, các vật dụng đặt bên trong. Cầm theo một chiếc khăn vải khô, sau khi lau sạch bằng khăn ẩm, lau lại bằng khăn khô để hút hết nước khỏi tủ. Bạn cũng có thể dùng vỏ cam, vỏ quýt, vừa tác dụng khử mùi, vừa giúp chống mốc.
Ngoài ra, bạn có thể đặt một túi chứa viên hút ẩm trong tủ, loại này dễ mua ở các siêu thị, hoặc tận dụng túi hút ẩm trong các gói thực phẩm khô.
Với cống thoát nước
Tiết kiệm nước khi rửa dọn là cần thiết nhưng mặt trái của nó là không rửa trôi hết những vật sót hay bám ở ống, nhất là với ống thoát nước ở chậu rửa bát, rửa mặt.
Vì có những chậu có nắp van bằng cao su, nên việc dội nước sôi thường xuyên có thể gây giãn gioăng và hở chậu, do vậy chỉ nên dùng nước ấm già với muối, giấm để dội rửa hàng ngày. Ngoài ra, bạn vẫn phải định kì dùng bột thông cống để giữ vệ sinh đường ống.
Với khu bếp
Việc nấu nướng của người Việt Nam dùng khá nhiều dầu, mắm, mỡ khiến cho trong quá trình nấu, bếp dễ ám mùi và dính dầu mỡ bắn ra xung quanh, đây là chất xúc tác tạo ra nhiều vi khuẩn trong mùa này.
Để hạn chế việc làm bẩn tường và phải lau bếp nhiều lần với hóa chất, bạn dùng một miếng bìa carton hay giấy báo hoặc nilon để chắn tường và quanh bếp, dùng xong vài lần bỏ đi. Luôn làm vệ sinh căn bếp và giữ thông thoáng, ngăn nắp, không mùi thức ăn đọng lại và không có nước đọng thì sẽ hạn chế tối đa nấm mốc.
Ngoài ra, bạn không nên để cây cảnh hay chậu thủy trong bếp, nhất là mùa nồm, việc này góp phần tạo ra hơi ẩm, lại không tốt về phong thủy.
SuZi Nguyễn (Ngôi sao)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.