Khi bàn thắng là niềm vui của các nhà thống kê
Đối với FIFA, sau khi báo chí đưa tin ầm ĩ về việc Messi phá kỷ lục ghi bàn thắng trong năm đã đứng vững suốt 40 năm của huyền thoại người Đức Gerd Mueller, cái gọi là kỷ lục về số bàn thắng ấy không tồn tại. Bởi nếu thành tích của Mueller và bây giờ là Messi có thể đếm được, thì thành tích của những người đi trước, kể cả Pele, rất khó thống kê.
FIFA đơn giản là sợ rằng, bóng đá sẽ trở thành trò chơi vô bổ của những kẻ ham hố lập nên kỷ lục, và khuyến khích những dàn xếp nhằm tạo ra tiêu cực chỉ vì ám ảnh bàn thắng.
Những người chịu khó thống kê đã lục tung những chồng báo và băng hình cũ cùng với ký ức xa xôi của những người sống cách đây hơn nửa thế kỷ để chứng minh rằng, Messi không làm nên kỷ lục nào hết.
Với người Brazil, Pele (có lẽ) đã ghi 110 bàn trong năm 1961. Với người châu Phi, chân sút vô danh Godfrey Chitalu từ Zambia xa xôi, trước khi Messi vượt qua Mueller chẳng ai biết, (có lẽ) đã ghi 107 bàn trong năm 1972. Một số nhà thống kê lại bảo, vào năm 1979, (có lẽ) huyền thoại Zico đã ghi đến 89 bàn.
Những con số, những cuộc tranh cãi, những chi tiết được đưa ra như một sự ám ảnh lớn lao, trong thời buổi mà bóng đá bị thương mại hóa quá mức ngày càng ít quyến rũ hơn: Ai không ghi bàn nhiều, người đó không phải là một tiền đạo lớn. Messi là một tiền đạo lớn.
Tất cả đều thừa nhận điều đó, nhưng anh ghi bàn nhiều, thật nhiều không chỉ vì anh muốn vậy, mà bản năng của một tiền đạo bẩm sinh thúc đẩy anh không dừng lại trước những khung thành. Một câu hỏi: Người ta tìm cách hạ thấp thành tích làm bàn của Messi khi khẳng định anh không lập kỷ lục nào hết, là vì họ ghen tị với anh?
Trước tiên, ghi bàn là để được sống
Nhưng cũng có người đặt ra câu hỏi, phải chăng Messi ghi bàn như một cái máy để lấy con số ấy bù đắp cho việc anh không có danh hiệu lớn nào với tập thể trong năm 2012, khi sự thống trị của Barca ở La Liga bị đứt đoạn với chiến thắng của Real Madrid cuối mùa trước? Có lẽ là như thế, nhưng với Messi, nỗi ám ảnh ghi bàn không chỉ đơn thuần là ganh đua.
Ghi bàn là điều duy nhất và tốt nhất anh có thể làm mỗi khi ra sân. Ghi bàn để mà sống. Nhưng nỗi ám ảnh trước các khung thành của một thiên tài thực ra đi xa hơn vấn đề nghề nghiệp. Bởi số mệnh đã đẩy Messi vào con đường trở thành một trong những chân sút xuất sắc nhất thế giới từ khi anh còn là một đứa trẻ.
Anh phải ghi bàn, anh phải gây chú ý với các tuyển trạch viên, anh phải chiếm được trái tim của HLV các đội trẻ, anh phải tạo ra những dòng tít lớn, vì đấy là cách duy nhất cậu bé Messi và gia đình mới có tiền để chữa trị cho anh bệnh chậm lớn, căn bệnh có thể đe dọa đến tính mạng anh.
Câu chuyện ấy xem ra không khác nhiều những chuyện đời của hàng vạn đứa trẻ châu Phi hay Brazil có tài năng, và bóng đá là con đường duy nhất để họ thoát khỏi cảnh đói nghèo. Không thể nói rằng nỗi ám ảnh trước cầu môn của Messi vĩ đại hơn những cậu bé kia. Nhưng Chúa chỉ mỉm cười với mỗi anh.
Bây giờ, Messi mới 25 tuổi và con đường đi lên của anh có lẽ vẫn còn dài nữa, nhưng có ai trong chúng ta đặt ra câu hỏi, 10 năm nữa, khi không còn trên đỉnh cao của sự nghiệp, điều gì sẽ xảy ra với anh?
Những bàn thắng có còn đến nữa? Và khi số bàn thắng trở nên khô hạn, người ta có đặt anh vào hoàn cảnh như Vieri, chân sút bò mộng một thời của bóng đá Ý, vào cuối sự nghiệp phải nhận mức lương 1.500 euro/tháng, ngang với lương tập sự, thấp nhất bảng lương, nhưng mỗi bàn được treo thưởng 100 nghìn euro?
Mùa cuối cùng ấy, với Atalanta, Vieri chỉ ghi được đúng 2 bàn thắng. Hay Messi sẽ lại như huyền thoại Boniperti của Juventus và đội tuyển Ý những năm cuối cùng, được nhận mỗi bàn thắng một…con bò sữa? Có lẽ điều ám ảnh Boniperti trong giai đoạn cuối ấy không phải là những bàn thắng, mà là ông sẽ làm gì với những con bò.
“Hãy chuyền bóng cho tôi, sau đó đến ôm tôi”
Những người bị hội chứng khung thành thường là những ngôi sao nổi tiếng, như Messi, luôn tìm cách ra sân khi cảm thấy khỏe khoắn (anh không vắng mặt cả trong những trận giao hữu), hay như Cristiano Ronaldo, đối thủ lớn của anh, người đã luôn phải chấp nhận sống trong cái bóng của anh mấy năm qua.
Nhưng cũng không thiếu những trường hợp các cầu thủ vô danh đi vào lịch sử bóng đá bằng các kỷ lục, như Xylofagu, tiền đạo của một đội bóng hạng 3 Giải Vô địch Cyprus, đã ghi đến 16 bàn trong chiến thắng 24-3 trước một đội bóng khác.
Nhưng lạ thay, người thủ môn của đội bóng này lại chẳng có vẻ gì buồn bã. Vì hình như anh cũng bị ám ảnh một cách kỳ lạ vào số lần anh phải vào lưới nhặt bóng vào cuối mùa, 97 bàn thua, nghĩa là anh lập nên một kỷ lục. Vậy là anh, một tay Athanasiou nào đó, kẻ góp phần đốt đền, đi vào lịch sử.
Nhưng một khi FIFA không công nhận cái gọi là “kỷ lục” của Messi, có thể khẳng định thời mà những người như Pele lên tiếng bảo đồng đội, rằng: “Hãy chuyền cho tôi ghi bàn, rồi sau đó cả đội hãy ra ôm hôn tôi” đã qua từ rất lâu rồi.
Sử sách ghi rằng, Vua bóng đá đã ghi 1.281 bàn trong 1.363 trận. Nhưng nhiều bàn trong số đó có rất ít người chứng kiến, những băng ghi hình lại càng hiếm, những tư liệu cũ về các trận đấu mà Pele đã có mặt và ghi bàn đáng bị đánh dấu hỏi về sự tin cậy. Nhưng Pele đã là một vị Thánh trong ngôi đền bóng đá. Mà đã là Thánh thì người ta phải tin vào sự tồn tại của ngài, dù có khi chẳng hề nhìn thấy ngài.
Nhà báo Trương Anh Ngọc sinh năm 1976, là một trong những nhà bình luận bóng đá thế giới hàng đầu ở VN, phóng viên Việt Nam đầu tiên và duy nhất cho đến lúc này được tạp chí uy tín France Football mời tham gia cuộc bầu chọn Quả bóng vàng FIFA đầy danh giá. Hiện anh công tác tại TTXVN.
Thế nên, dù Messi có bị ám ảnh bởi bàn thắng đến thế nào đi chăng nữa, đã luôn tạo ra một cảm giác, rằng nếu anh có thể ghi được tới 91 bàn như năm 2012 (có băng ghi hình đàng hoàng, cả tỷ người có thể xem được trên YouTube), nghĩa là anh xứng đáng được tôn lên hàng Thánh, thì các fan của anh cũng đừng lấy làm mừng vội.
Để làm Thánh, cần phải có một chút gì đó mập mờ, khó hiểu, đáng để tìm tòi, suy nghĩ và nghiên cứu trong những kho tư liệu mốc meo, như Pele chẳng hạn.
Bây giờ, còn điều gì ở Messi mà ta phải nghiên cứu nữa đây?
Trương Anh Ngọc
Vui lòng nhập nội dung bình luận.