Mexico: 4 chị em kiếm bộn tiền nhờ cho thuê tử cung

Mẫn Di - Dailymail Thứ sáu, ngày 29/04/2016 18:55 PM (GMT+7)
4 chị em gia đình Hernandez tại bang Tabasco, Mexico kiếm được cả chục nghìn đô la mỗi năm nhờ mang thai hộ cho các cặp đôi đồng tính hay vô sinh từ châu Âu.
Bình luận 0

img
Gia đình Hernandez gồm Milagros, 30, Martha, 30, Paulina, 22, and Maria, 27 tuổi đều đang mang bầu.

Bốn chị em Hernandez ngồi tán gẫu ngoài sân với bụng bầu thấy rõ, tuy nhiên thực tế họ không  mong chờ em bé. Họ đã cho thuê tử cung theo nghĩa đen, sẵn sàng chịu đau đớn để kiếm số tiền trị giá hàng chục năm lao động từ những cặp đồng tính châu Âu đang tuyệt vọng sẵn sàng bỏ ra bất kỳ giá nào để có một đứa con.

Họ coi đây là việc kinh doanh nội bộ gia đình, và là một mắt xích trong công nghiệp đẻ thuê bí mật tại Mexico. "Hàng xóm còn nói rằng chúng tôi mua bán trẻ sơ sinh, nhưng chúng tôi chỉ là những bà mẹ độc thân thất nghiệp đang vun vén cho tương lai", Martha với bụng bầu 4 tháng một em bé Pháp nhún vai.

img
Martha và bức ảnh em bé đầu tiên cô mang thai hộ hiện đang sống ở châu Âu.

Người đầu tiên thực hiện điều này là chị cả Milagros đã có 3 con. Lý do cô tham gia ngành công nghiệp này rất đơn giản: gia đình Hernandez 4 thế hệ, chung sống trong một căn nhà chật hẹp, đang rất khó khăn và cần việc làm để kiếm tiền. Cho đến khi Milagros cầm về trên tay 11.000 bảng, thì tới lượt Martha quyết định tham gia, rồi Maria, và Paulina mới chỉ 22 tuổi thấy rằng họ cũng có thể kiếm tiền theo cách đó.  

Thù lao cho mỗi ca sinh thành công là 10.000 bảng, kèm theo các chi phí tẩm bổ trong suốt 10 tháng. Tổng số tiền tương đương 10 năm làm việc của em trai họ với mức lương cơ bản tại thủ đô Mexico.

"Làm mẹ đơn thân ở ngôi làng nghèo này thì chỉ có lựa chọn làm bồi bàn hay mại dâm. Đẻ thuê là công việc dễ dàng hơn để đảm bảo tương lai cho con cái", Milagros nói.

img
Martha là bà mẹ đơn thân với 2 con. Đây là lần thứ 2 cô mang thai hộ

Tuy nhiên, việc giao em bé cho cha mẹ thật sự không hề dễ dàng, dù không có quan hệ huyết thống. Vì cho em bé bú trong 10 ngày đầu, nên họ dễ dàng có gắn kết về tinh thần với đứa trẻ. Sau lần đầu mang thai hộ cho một cặp vợ chồng vô sinh, Milagros có một thời gian thao thức không biết đứa bé đang ở đâu và làm gì.

"Bạn phải tách biệt cảm xúc rất rõ ràng trong thời gian mang thai", Martha nói.

Tuy nhiên, chính cô cũng khó làm được điều này, và tự hào đưa tấm ảnh của bé gái đầu tiên cô mang thai hộ. Martha hy vọng cha em bé tiếp tục gửi hình qua Facebook.

"Tôi có cảm tưởng đó là con ruột tôi. Tôi rất cố gắng kiềm chế cảm xúc nhưng thật sự chẳng làm được gì. Lúc mới sinh, con bé có da trắng, tóc vàng, nhưng tôi lại thấy nó rất giống mình. Đó là cảm giác vô cùng kỳ lạ. Những ngày đầu chăm sóc bé, ràng buộc cảm xúc lại càng lớn", Martha kể.

Martha ủ rũ mất cả tháng sau đó, nhưng bù lại, cô sẽ chăm sóc được 3 con trai của mình một cách tốt hơn với 14.000 bảng từ khách hàng đầu tiên.

img
Bà của 4 chị em, Lourdes, 81 tuổi, còn khuyến khích họ mang thai hộ càng nhiều càng tốt trước tuổi giới hạn là 35."Làm giàu từ bản năng tự nhiên sẽ vô cùng dễ dàng", bà nói.

Ngành "công nghiệp" mang thai hộ mang lại 90 triệu bảng/năm chỉ riêng tại Tabasco, và các công ty môi giới nắm phần lớn số tiền này. Khách hàng mất khoảng 48.000 bảng, và trung gian chỉ trả 10.000 bảng cho những phụ nữ này. Chưa kể, họ còn gặp nhiều vấn đề trong quá trình "làm việc" như các rắc rối luật pháp về con cái, và thậm chí bị bắt phá thai. 3 năm trước, Milagros bị ép phá thai giữa chừng vì khách hàng hủy hợp đồng. Ban đầu họ hứa trả cho cô một nửa số tiền là 8000 bảng, nhưng cuối cùng chẳng có gì.

Cho tới tận bây giờ, chính quyền ở Tabasco mới đang bắt đầu can thiệp vào các sai phạm trong hoạt động kinh doanh kiểu này, nhưng hình như đã quá muộn. Người dân trong vùng biết rõ những ai "cho thuê tử cung" khi các em bé biến mất liên tục. "Cả cái thị trấn này biến thành máy đẻ rồi", một người dân nói.

img

Còn với chị em Hernandez, họ đã tìm được cách khác tốt hơn, đó là liên hệ trực tiếp với khách hàng. Các khách hàng này cũng sẽ tự xử lý các vấn đề giấy tờ.

"Tôi sẽ cố gắng tiếp tục mang thai hộ. Đây là cách duy nhất để đảm bảo tương lai tại một đất nước khó khăn", Milagros hy vọng, trông chờ vào việc gặp khách hàng mới ngay tháng 3 năm sau, nửa năm sau khi sinh.

Một số vùng như Tabasco không cấm việc mang thai hộ, nhưng không cho phép bên thứ ba can thiệp. Vấn đề vẫn đang gây ra nhiều tranh cãi do các lỗ hổng luật pháp, rủi ro thai phụ phải chịu và việc bên môi giới ăn chặn quá lớn. Hiện tại đã có đề xuất cấm hoạt động này, nhưng cũng gặp nhiều phản đối. "Chẳng có gì ngăn cản được những gia đình tuyệt vọng có con đâu", một người dân khác nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem