Mì cõng... cát

Thứ năm, ngày 05/08/2010 03:13 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Bây giờ, có nhiều cách lách luật, nhiều chiêu thức trộn lẫn thật giả, nhiều “bí kíp” qua mặt các cơ quan kiểm soát rất lạ. Có lẽ, một trong những chiêu thức lạ lùng nhất, quái gở nhất mà một số doanh nghiệp, “chủ nậu” đang thực hiện ở Quảng Ngãi và Bình Định là cho mì (sắn) lát cõng… cát.
Bình luận 0

Xưa nay, thời nước ta còn nghèo khổ hay chiến tranh giặc giã, nhiều tầng lớp nhân dân, đặc biệt là người nông dân đã từng quen với nồi cơm hàng ngày của gia đình mình có hai thành phần: Mì lát phơi khô và gạo. Rất ít gạo và rất nhiều mì lát trong nồi cơm mà cha mẹ ta thường nói là “mì cõng gạo”. Lúc bấy giờ, có củ mì ăn cũng đã là quý rồi! Có thời, mì lát “cõng” cả ngô, rồi “cõng” bo bo hay bất cứ chất độn có bột nào ăn được, dù nuốt rất khó trôi.

Nhưng dù nhiều sáng kiến và tưởng tượng tới đâu, cha mẹ ta cũng không bao giờ nghĩ ra lại tới thời mì lát được “cõng”… cát. Không phải để cho vào nồi nấu cơm ăn, mà để… xuất khẩu.

Như chúng ta biết, Chính phủ đã có lệnh cấm xuất khẩu cát, vì những cuộc tận thu cát trên các dòng sông, các cửa sông, vùng ven biển để… xuất khẩu đã làm xuất hiện những tiền đề đưa tới các thảm hoạ về môi trường.

Đã đành, kinh tế thị trường theo quy luật có người mua thì sẽ có người bán, nhưng không thể bán bất cứ thứ gì miễn có người mua, dù những thứ bán đi ấy là đất cát quê hương mình mà nếu khai thác bừa bãi và bán đi bất kể, những thảm hoạ không chóng thì chầy sẽ ập đến!

Bán cát, mới nghe cũng không có gì ghê gớm, vì “nhiều như cát” và “rẻ như cát” cơ mà! Nhưng trong thực tế lại không hẳn vậy. Cát xuất khẩu bây giờ đang có giá, vì vài quốc gia đang có kế hoạch lấn biển mà nước họ lại thiếu cát. Họ phải nhập khẩu cát để cát biến thành… đất (hạ tầng), và đất biến thành… vàng.

Chúng ta cũng chẳng dư thừa cát, nhưng trước mối lợi lớn, nhiều doanh nghiệp đã không nén nổi lòng tham. Khi xuất khẩu cát bị cấm, họ đã nghĩ ra một chiêu thức quái lạ nhưng bất ngờ nhất, là trộn cát vào mì lát, theo công thức 80% cát và 20% mì lát. Mì thuộc dòng lương thực, không phải chịu thuế xuất khẩu. Coi một tấn gọi là “lương thực” gồm 80% cát và 20% mì lát, người xuất trốn được thuế và trốn cả lệnh cấm, còn người nhập thì được cái mình không thể mua bây giờ là… cát. Thật nhất cử lưỡng tiện, hai bên cùng có lợi, tội gì không làm!

Với những kẻ nghĩ ra những “sáng kiến” lạ lùng và quái gở như thế để lách luật, thì khi cần, họ sẽ bán sạch, bán tất, miễn có lợi cho mình. Chuyện không hề nhỏ!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem