Lắm tài, nhiều tật
Trong lịch sử bơi lội thế giới, Michael Phelps chắc chắn là vận động viên vĩ đại nhất trong số những kình ngư huyền thoại. Sở hữu sải tay dài tới 2,03m trong khi chiều cao là 1,96m, bàn tay to, cẳng chân ngắn, bàn chân nhỏ, nửa thân trên cực khỏe giúp Phelps mang tố chất bẩm sinh của một “người cá”.
Cộng thêm sự khổ luyện (bơi tập trung bình 100km/tuần), Phelps thực sự là “độc cô cầu bại” tại mọi giải đấu mà anh tham dự. Sau 4 kỳ Olympic đã tham dự, Phelps giành tới 22 huy chương, trong đó có 18 huy chương vàng (HCV) - kỷ lục vô tiền khoáng hậu tại các kỳ thế vận hội.
Bên cạnh đó, Phelps còn sở hữu 39 kỷ lục thế giới ở nhiều nội dung khác nhau. Bởi vậy, không phải ngẫu nhiên mà anh chàng sinh ra tại Baltimore (Mỹ) này có biệt danh “Viên đạn Baltimore”.
Michael Phelps đã trở lại với những tham vọng mới. Ảnh: Star98radio
Nhưng đi kèm với hình ảnh Phelps tuyệt đỉnh trên đường đua xanh là một Phelps thích… say xỉn ngoài đời. Năm 2004, Phelps từng bị cảnh sát bang Maryland (Mỹ) treo bằng lái ô tô 18 tháng vì lái xe trong khi say rượu.
Tưởng Phelps sẽ lấy đó làm bài học răn mình, nhưng đến tháng 9.2014, Phelps lại bị cảnh sát Maryland yêu cầu dừng xe khi đang lái với tốc độ 135km/giờ trên đường giới hạn vận tốc ở mức 70km/giờ, và người nồng nặc hơi men. Với vụ việc tai tiếng này, Phelps bị phạt tù treo 1 năm, bị cấm thi đấu 6 tháng. Bản thân Phelps cũng đã phải trực tiếp xin lỗi người hâm mộ và tìm cách điều trị tâm lý.
Đích ngắm Rio de Janeiro 2016
Trước khi dính vào scandal lái xe khi say rượu, Phelps tuyên bố giải nghệ sau khi Olympic London 2012 kết thúc, nhưng rồi lại đổi ý. Tuy Phelps là huyền thoại thật, nhưng điều đó không có nghĩa là anh lúc nào cũng được ưu ái.
Dù Phelps đã có đủ điều kiện thi đấu trở lại, nhưng Liên đoàn Bơi lội Mỹ đã khẳng định Phelps sẽ không được chọn vào thành phần đội tuyển Mỹ tham dự giải vô địch bơi lội thế giới tổ chức ở Kazan (Nga) vào tháng 8. Không những vậy, nhiều nhà tài trợ cũng muốn cắt hợp đồng do không muốn dính dáng tới hình ảnh không đẹp của Phelps “nát rượu”. Có lẽ cũng hiểu được điều này, Phelps tự lên dây cót tinh thần và xây dựng kế hoạch chinh phục những đỉnh cao mới cho riêng mình.
Trên tài khoản Twitter của mình, Phelps đã chia sẻ: “Án phạt đã hết, giờ là lúc trở lại hồ bơi và các cuộc đua. Háo hức hướng tới Mesa”. Điều đó đồng nghĩa, giải bơi ở Mesa (Arizona, Mỹ) diễn ra từ ngày 15-18.4 sẽ chính thức đánh dấu sự trở lại của Phelps.
Xa hơn nữa và cũng quan trọng hơn nữa, Phelps muốn được trở lại đội tuyển quốc gia tham dự Olympic 2016 diễn ra ở Rio de Janeiro và đoạt thêm những tấm HCV. Bản thân Phelps cũng tỏ ra rất tự tin vào điều này khi khẳng định: “Tôi đang tập luyện rất kỹ lưỡng, cảm thấy mình có thể lực tốt và có thể khôi phục phong độ cao nhất từ nay tới cuộc tuyển chọn vận động viên dự Olympic 2016. Tôi vẫn còn nguyên khát khao giành được thành công”.
Sự trở lại của “Viên đạn Baltimore” không chỉ thể hiện quyết tâm của anh mà sẽ tạo cảm hứng cho rất nhiều đối thủ khác, khi họ luôn coi việc đánh bại Phelps là một vinh dự thực sự.
Trong sự nghiệp thi đấu đỉnh cao tính đến thời điểm này, Phelps đã giành tổng cộng 58 HCV ở các giải đấu lớn, trong đó có 18 HCV Olympic, 27 HCV tại giải vô địch thế giới và 13 HCV tại giải Pan Pacific.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.