"Miêu tẩy diện": Tuyệt kỹ võ thuật của Việt Nam độc đáo cỡ nào?

Thứ ba, ngày 06/12/2022 09:30 AM (GMT+7)
“Võ sư mèo” là cách tôi gọi thân mật lão võ sư Lý Xuân Hỷ – Phó chủ tịch Liên đoàn võ thuật Bình Định. Bài quyền “Miêu tẩy diện” (nói nôm na là “mèo rửa mặt” được mô phỏng theo thế đánh nhu nhuyễn, linh hoạt của con mèo, nổi tiếng khắp cả làng võ Bình Định.
Bình luận 0

Học võ từ chú mèo mướp

Ở Bình Định, những bài bản Thiếu Lâm Bắc phái dòng họ Lý đã kết hợp với tinh hoa võ học của “miền đất võ” một cách linh hoạt, hình thành nên một hệ thống đòn thế chiến đấu hiệu quả, phù hợp với phong thổ, con người địa phương. Bên góc sân tập hãy còn ẩm ướt sương đêm, lão võ sư Lý Xuân Hỷ cho biết: “Võ học cổ truyền chính là sự vận dụng linh hoạt có sáng tạo các nguyên tắc âm dương ngũ hành và sự quan sát từ tự nhiên để hình thành nên nhiều đòn thế chiến đấu hiểm hóc. Đỉnh cao của sự sáng tạo, kết hợp ấy là quyền pháp Miêu tẩy diện.

Theo ông, tuyệt kỹ công phu “Miêu tẩy diện” được sử dụng trong lúc đánh chỏ, ông lấy thế của mèo để né tránh rồi nhanh nhẹn phản công. Bài quyền mô phỏng theo thế đánh nhu nhuyễn, linh hoạt của con mèo này do ông nội ông sáng tạo ra, tính đến nay đã gần 150 năm rồi. Ông cho biết: “Để học thuộc bài Miêu tẩy diện chỉ mất khoảng 2 ngày nhưng để đánh cho ra ‘bộ’ thì phải mất cả tháng với điều kiện người đó phải có khiếu võ. Khó nhất là tập thân pháp, tập đến khi nào tới lui uyển chuyển, mặt lắc theo bộ đồng điệu thì mới coi là đạt!”.

"Miêu tẩy diện": Tuyệt kỹ võ thuật của Việt Nam độc đáo cỡ nào? - Ảnh 1.

Võ sư Lý Xuân Hỷ (áo trắng bên phải) và các đệ tử

Tập Miêu tẩy diện là phải tập cho được đôi tay. Đôi tay phải nhanh nhẹn. Bởi thế trong võ học nhanh nhẹn nhất, nguy hiểm nhất là cặp tay con cọp và mèo. Tuy không thiên về dụng lực mạnh mẽ như hổ quyền, nhưng miêu quyền xoay trở nhanh nhẹn, tấn pháp thấp, thủ pháp gọn và hiểm hơn. Bộ tay cực kì linh hoạt dựa trên tấn pháp mau lẹ, vừa sử dụng hổ trảo, chỏ vừa sử dụng kiếm chỉ điểm vào tử huyệt đối phương. 

Võ sư Lý Xuân Hỷ cho biết: “Năm 1986, một võ sư lớn tuổi ở miền Nam mà tôi gặp ở Tây Ninh có bảo với tôi rằng: Đặc trưng của võ cổ truyền Bình Định là ‘túc bất li địa’ (chân không rời đất), ông ta bảo tôi làm sao thực hiện cho thấy bộ tay. Tôi ngại ổng là người lớn tuổi nên bảo đưa người nhỏ lên tôi làm cho thấy. Nhưng ổng kiên quyết bảo phải chính ổng mới được. Bộ tay của mình nằm trong bộ hổ. Khi mình thực hiện xong, ổng rất phục. Nói thiệt, võ Hàn Quốc rất hay ở bộ chân. Nhưng bộ chân không đáng sợ bằng bộ tay vì chân ít khi đánh được huyệt đạo, còn tay thì biến hóa khôn lường. Bởi vậy mới nói, với Miêu tẩy diện dù có rời đất cũng giống như mèo, hai chân rất thăng bằng!”.

“Vua mèo” và 300 trận thượng đài

Nhập môn từ năm lên 10 nhưng đến năm 12 tuổi, “võ sư mèo” mới được cha truyền lại bài Miêu tẩy diện. Chính nhờ sự khổ luyện cộng với năng khiếu võ thuật, những đòn thế trong bài Miêu tẩy diện đã được ông sử dụng thuần thục, đặc biệt là những đòn đánh chỏ. Võ sư Lý Xuân Hỷ cho rằng, trong bài quyền Miêu tẩy diện thì tuyệt chiêu của ông là cái chỏ. Đây là chiêu lợi hại nhất, biến hóa khôn lường, trong lúc đối phương công, chỉ cần luồn lách nhẹ nhàng như con mèo là có cơ hội phản công, đánh chỏ. Suốt cuộc đời mình, ông vẫn miệt mài tập luyện đòn này.

"Miêu tẩy diện": Tuyệt kỹ võ thuật của Việt Nam độc đáo cỡ nào? - Ảnh 2.

Hai cha con võ sư Lý Xuân Hỷ đang biểu diễn trường thương

Trong khoảng 300 lần thượng đài từ Nam chí Bắc, từ thuở thanh niên 18 tuổi cho đến tận 35 tuổi, ông chỉ thua mỗi một lần. Ông cười nói: “Thời của tôi, khi thi đấu võ tự do, võ sĩ chỉ cần mặc quần đùi và ở trần mà thượng đài”. Thành tích như chẻ tre của ông khiến nhiều lần một người chỉ vỏn vẹn 55 kg như ông được “đặc cách” chiến đấu với những võ sĩ có hạng cân nặng hơn, từ 65 – 70 kg và bao giờ cũng vậy, ông luôn là người chiến thắng!

Tiếng tăm của ông khiến nhiều võ sư, võ sĩ ở khắp nơi ngưỡng mộ, lặn lội tìm đến để giao lưu, học hỏi lẫn thách đấu. Năm 1965, ông được theo học võ Thiếu Lâm với thầy Tám Tàu, học quyền Anh với võ sư Minh Cảnh, kết bạn với võ sư Remi Huỳnh. Nhờ đó mà võ công của ông ngày càng tiến bộ, phát huy tối đa uy lực của đòn thế Miêu tẩy diện.

Trận đấu nổi tiếng của “Miêu Vương” Lý Xuân Hỷ là vào năm 1969 tại Gia Lai, ông nhận lời thách đấu của một võ sư tên L, 68 kg, tứ đẳng huyền đai Taekwondo. Võ sư Hỷ nhớ lại: “Hồi đó hắn cứ tuyên bố: ‘Đêm nay hạ Lý Xuân Hỷ, đêm mai hạ Minh Cảnh’ và kêu đích danh tôi ra thách đấu. Tối đến thượng đài, vừa vào trận, L liên tục tung ra những đòn cước sấm sét. Vào giữa hiệp hai, tôi thoái lui, L lao tới đánh thẳng vào mặt để kết thúc trận đấu, không ngờ tôi lại luồn người áp sát chặn đòn rồi thuận thế tung 2 chỏ vào chấn thủy. Võ sư L gục ngay tại chỗ, bị trọng thương, gãy răng và ‘bay’ hàng chân mày”.

Miêu tẩy diện xuất ngoại

Mãi đến năm 1990, Miêu tẩy diện mới có dịp trình làng quốc tế. Đấy là lần ông cùng Liên đoàn Võ thuật Việt Nam sang Nga hơn 2 tháng dự Festival võ thuật cổ truyền quốc tế gồm 16 nước tham gia. Lúc đó ông đã xấp xỉ 50 tuổi. Đối thủ của ông là một võ sư người Ba Lan, nặng hơn ông gần 10 kg. Lúc thượng đài, thấy Hỷ không ra bộ thế gì cả, võ sư kia ngạc nhiên hỏi thì ông trả lời: “Võ Việt Nam tôi là vậy đó, đứng chơi vậy đã là thủ rồi!”. Vị võ sư kia tức giận liền xông vào tấn công. Bằng một chiêu điêu luyện của Miêu tẩy diện, ông nghiêng người nghễnh mặt mèo tiếp đón rồi đảo tay đánh một chỏ, đối thủ ngã lăn quay. Khi mọi người còn ngỡ ngàng thì anh ta lồm cồm bò dậy rồi bất ngờ quỳ sụp xuống bái ông Hỷ làm sư phụ..

Năm 2007, có một võ sư người Ý ngưỡng mộ ông từ cái lần chứng kiến Hỷ hạ đo ván võ sư Ba Lan đã tìm đến thách đấu. Võ sư này 42 tuổi, nặng 120 kg, có 3 năm học võ Tàu. Do cuộc tỉ võ có “yếu tố nước ngoài” nên các ngành chức năng đi theo để đảm bảo an ninh. Thấy đối thủ cao to, trẻ khỏe, nặng hơn ông gần 30 kg, một anh công an rỉ tai bảo hay là từ chối cho an toàn. Hỷ cười nói: “Chú yên tâm đi, tui chẳng chết đâu mà sợ!”. Tuy nhiên, ông cũng ra điều kiện là dù kết quả thế nào cuộc đấu cũng chỉ diễn ra trong 30 phút, kể cả trao đổi võ học. Vào trận, vị võ sư kia ra đòn đá liên tục, ông chỉ né mà không phản công. Đến phút thứ 3, khi võ sư người Ý tung cú đá ngang mặt, “Miêu vương” tiếp đòn, rồi đá quét một đòn phá chân trụ làm đối phương ngã chúi xuống đất và… knock out luôn!.

Hiện nay, võ sư Lý Xuân Hỷ đã giao võ đường “Lý gia” lại cho con trai đầu là võ sư Lý Xuân Vân (sinh 1965) nối dõi và đào tạo các thế hệ trẻ. Lý Xuân Hợp, cháu nội ông, cũng đã trở thành một môn sinh ngày đêm đam mê võ học. Hàng chục năm theo nghiệp võ, ông đã đào tạo hàng ngàn môn sinh, trong đó nhiều người đã thành danh. Ngày nay, đoạn video clip bài thảo Miêu tẩy diện do một nữ học trò nhà họ Lý biểu diễn cứ mỗi ngày lại tăng lượt xem trên YouTube. Tuy nhiên, xem thì xem chứ người khác khó có thể học lỏm được. Võ sư Lý Xuân Vân nói: “Để thuộc bài này chỉ cần một ngày nhưng để thụ hưởng công phu có khi phải mất cả đời. Nếu không có người hướng dẫn, dù có thuộc làu làu thì đó cũng chỉ những động tác vô hồn”.

Dẫu bây giờ “danh trấn thiên hạ” nhưng ông luôn canh cánh nỗi lo võ học Việt Nam sẽ bị thất truyền. Trọn một đời với nghiệp võ nhưng hầu như chưa có đệ tử nào lĩnh hội hết bí kíp võ học của ông, kể cả võ sư Lý Xuân Vân – con trai ông. Võ sư Lý Xuân Hỷ tâm sự: “Ngày xưa, do quan niệm hẹp hòi, bài Miêu tẩy diện này chỉ được truyền dạy trong dòng họ. Giờ là lúc tui nghĩ cần phải truyền dạy hết những gì mình biết ra ngoài, chứ nếu để thất truyền là có tội với tổ sư!”.


PV (Theo Giáo dục và Thời đại)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem