Mới "tiêu" được 6,5% vốn đầu tư công, hé lộ 44 cơ quan trung ương chưa giải ngân kế hoạch vốn
Mới "tiêu" được 6,5% vốn đầu tư công, hé lộ 44 cơ quan trung ương chưa giải ngân kế hoạch vốn
An Linh
Thứ sáu, ngày 03/03/2023 11:48 AM (GMT+7)
Bộ Tài chính vừa thông báo về tình hình giải ngân vốn đầu tư công 2 tháng đầu năm 2023, theo đó ước tính hết ngày 28/2, số tiền thanh toán giải ngân vốn mới đạt 49.200 tỷ đồng, đạt 6,5% kế hoạch.
Giải ngân vốn đầu tư công hai tháng đầu năm 2023: Ỳ ạch, thua kém năm 2022
Tỷ lệ ước giải ngân hai tháng kế hoạch năm 2023 đạt 6,55% kế hoạch, nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tỷ lệ giải ngân đạt 6,97%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 (8,61%), trong đó vốn trong nước đạt 7,24% (cùng kỳ năm 2022 đạt 9,22%), vốn nước ngoài đạt 0,40% (cùng kỳ năm 2022 đạt 0,20%).
Đáng chú ý, Bộ Tài chính thông tin hiện có 50/52 Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trung ương cùng 19/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 5%, trong đó có 44 bộ, cơ quan ngang bộ, trung ương chưa giải ngân kế hoạch vốn.
Với số thanh toán ước tính chỉ 49.247 tỷ đồng, bình quân mỗi ngày 82 tỷ đồng, số vốn đầu tư công dù được đốc thúc mạnh mẽ vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 (8,61%), chỉ cao hơn 1,5% so với cùng kỳ 2021. Đáng chú ý, cùng kỳ hai năm 2021 và 2022, Việt Nam đối diện với ảnh hưởng rất nặng nề của đại dịch Covid-19.
Nếu tính bình quân, kết quả giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch của Quốc hội và Chính phủ giao, mỗi tháng phải hoàn thành gần 59.000 tỷ đồng, mỗi ngày là khoảng 1.900 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong hai tháng qua, mỗi tháng mới giải ngân được hơn 24.600 tỷ đồng, chỉ bằng 40% kế hoạch đề ra. Nếu chuyển hơn 68.800 tỷ đồng vốn chưa được giải ngân đúng kế hoạch của 2 tháng đầu năm sang 10 tháng tiếp theo của năm 2023, áp lực giải ngân mỗi tháng lên đến gần 65.900 tỷ đồng, con số rất lớn so với số vốn giải ngân thực tế đạt được năm 2022 bình quân chỉ hơn 36.300 tỷ đồng/tháng (tổng vốn giải ngân cả năm 2022 là 435.689.97 tỷ đồng, theo Bộ Tài chính).
Như vậy, dường như mỗi tháng năm 2023, kế hoạch và nhu cầu giải ngân vốn đầu tư công sẽ gấp gần 2 lần so với cùng kỳ 2022, điều này đặt ra thách thức đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương, cơ quan trung ương phải nỗ lực vượt bậc.
Theo Bộ Tài chính, đến thời điểm hiện tại, Bộ đã nhận được báo cáo phân bổ kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2023 của 49/52 bộ, cơ quan trung ương và 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Đáng nói, theo Bộ Tài chính hiện còn ba Bộ, cơ quan trung ương là Bộ Y tế, Kiểm toán nhà nước, Tổng công ty thuốc lá chưa gửi báo cáo phân bổ kế hoạch đầu tư vốn Ngân sách Nhà nước năm 2023 về cho Bộ Tài chính.
Đáng nói, trong số bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã gửi báo cáo phân bổ kế hoạch vốn năm 2023, có 26/49 bộ, cơ quan trung ương và 50/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao.
Bộ Tài chính đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính căn cứ quy định của pháp luật về đầu tư công khẩn trương hướng dẫn và tổng hợp chung nhu cầu của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương về việc kéo dài thời gian bố trí vốn của các dự án sử dụng ngân sách trung ương sang năm 2023 và kéo dài thời gian thực hiện, giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2022 sang năm 2023 theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái.
Bộ KH&ĐT cần sớm trình cấp có thẩm quyền giao kế hoạch vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội cho các dự án để các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương có cơ sở giao kế hoạch vốn năm 2023 cho các dự án thuộc Chương trình.
Đối với các Bộ, cơ quan trung ương, Bộ Tài chính đề nghị các Bộ, ngành trung ương và địa phương thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tại công văn số 03/BTC-ĐT ngày 3/01/2023 của Bộ Tài chính về việc đôn đốc phân bổ, nhập dự toán Tabmis và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công nguồn NSNN năm 2023 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương; trong đó, khẩn trương phân bổ hết kế hoạch vốn năm 2023 cho các dự án để triển khai thực hiện ngay từ đầu năm.
Đối với các Chương trình MTQG, đề nghị các chủ Chương trình/dự án/ tiểu dự án thành phần (Ủy ban Dân tộc, Bộ Thông tin và Truyền thông) và UBND các tỉnh ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành đầy đủ cơ chế chính sách và kịp thời hướng dẫn tổ chức triển khai, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.