Ngon “xoắn lưỡi” với loạt đặc sản gom trọn hương vị núi rừng Tây Nguyên

Kiều Anh (tổng hợp) Thứ bảy, ngày 19/10/2024 13:00 PM (GMT+7)
Ẩm thực Gia Lai mang lại nhiều hấp dẫn bởi sự phong phú, đặc sắc của các món ăn từ nhà hàng sang trọng đến ẩm thực đường phố, tạo nét riêng của vùng đất bazan đầy nắng và gió.
Bình luận 0

Gia Lai là thành phố lớn thứ 3 và cũng là điểm du lịch hấp dẫn nhất của khu vực Tây Nguyên. Không chỉ có khí hậu mát lành, thiên nhiên hùng vĩ, phố núi Gia Lai còn "gây thương nhớ" cho du khách với ẩm thực đặc sắc. Đặc sản Gia Lai luôn mang đến cho thực khách hương vị độc đáo, thấm đượm tinh hoa núi rừng. Dưới đây là các món ăn đặc sản ở Gia Lai không thể bỏ qua.

Món ăn đặc sản ở Gia Lai: Cháo lòng bánh hỏi, sự kết hợp độc lạ giữa đại ngàn

Ngon “xoắn lưỡi” với loạt đặc sản gom trọn hương vị núi rừng Tây Nguyên - Ảnh 1.

Cháo lòng bánh hỏi, món ăn nghe tuy lạ nhưng từ lâu đã trở thành đặc sản của người dân Pleiku. (Ảnh: MiA)

Cháo lòng bánh hỏi, món ăn nghe tuy lạ nhưng từ lâu đã trở thành đặc sản của người dân Pleiku. Đây là một đặc sản có sự kết hợp độc lạ của hai món ăn tưởng chừng không liên quan với nhau nhưng lại cho ra hương vị thơm ngon không ngờ tới. Cháo lòng bánh hỏi là một món ăn sáng được bày bán khá nhiều trên đường phố Gia Lai.

Để làm được món ăn này, đầu bếp phải chuẩn bị công phu ở khâu làm bánh hỏi cũng như nấu cháo lòng. Để có được độ thơm ngon, bánh hỏi được làm từ gạo xay ra, có kết cấu tương tự sợi bún nhưng sẽ mảnh và mềm hơn. Một miếng bánh hỏi thành công sẽ có kết cấu gồm nhiều sợi bánh đan lại vào nhau, kích cỡ bánh vừa bằng hai ngón tay người lớn.

Để ăn bánh hỏi, người ta phải thoa thêm một ít dầu lên bánh với ít lá hẹ cắt nhỏ, kích thích vị giác người ăn. Người ta thường ăn kèm bánh hỏi với một chén nước mắm tỏi ớt chua ngọt để dậy nên mùi thơm của gạo và độ dai của miếng bánh.

Thông thường, bánh hỏi thường dùng kèm với thịt heo quay hay chả giò. Nhưng trong món ăn đặc biệt này, bánh hỏi phải được dùng với cháo lòng có đủ tim, gan, cật, và phèo non.

Thường khi phục vụ, người bán sẽ mang lên trước cho thực khách một dĩa bánh hỏi được phủ một lớp lòng đầy đặn. Khác với bánh hỏi miền Nam ăn kèm với dầu hành, bánh hỏi ở Gia Lai sẽ được rải một ít hẹ rồi được phục vụ kèm với nước mắm chua ngọt, đậm chất miền Trung.

Sau khi thực khách dùng xong bánh hỏi, người bán sẽ mang ra một tô cháo nóng nghi ngút. Phần cháo này như để lấp đầy dạ dày của thực khách sau phần bánh hỏi và lòng non vốn đã khiến họ gần đạt tới cơn no.

Món bánh hỏi cháo lòng thường được dùng vào bữa sáng, khi tiết trời thanh tao, nhẹ nhàng và có hơi se se lạnh. Trong tiết trời giá buốt ấy, được thưởng thức một tô cháo lòng kèm món bánh hỏi thơm ngon là điều không gì có thể sánh bằng.

Món ăn đặc sản ở Gia Lai: Bánh canh đơn giản, mộc mạc nhưng lại làm dậy nên hương vị đại ngàn của phố núi Pleiku

Ngon “xoắn lưỡi” với loạt đặc sản gom trọn hương vị núi rừng Tây Nguyên - Ảnh 2.

Ngày nay, nguyên liệu được cho vào tô bánh canh ngày càng đa dạng, có thể dùng càng cua, chả lụa hay nấm rơm để làm cho món ăn hấp dẫn hơn. (Ảnh: MiA)

Tô bánh canh khi được nấu chín và mang ra dùng sẽ có một màu sắc hài hòa giữa các nguyên liệu trong tô. Nước dùng ngon là nước có màu vàng ươm đẹp mắt. Hương vị của tô bánh canh lúc này càng trở nên độc đáo hơn. Đó chính là sự tổng hợp của các hương vị được cho vào nồi bánh canh. Lúc này, vị giác cũng như khứu giác của người thưởng thức mới thực sự bùng nổ vì độ thơm ngon và tròn vị của món ăn đặc biệt này.

Giống như những món bánh canh khác, bánh canh Gia Lai được nấu bởi những nguyên liệu khá căn bản như xương hầm, chả cá, giò heo hay tôm. Nhưng có lẽ do cách nấu khác biệt, nên bánh canh Gia Lai cũng có vẻ lạ vị hơn so với các món bánh canh đến từ vùng miền khác.

Ngoài việc ưa chuộng dùng sợi bột lọc, bánh canh Gia Lai còn có điểm khác biệt là màu sắc của nước dùng khá đặc trưng. Nước dùng của bánh canh Gia Lai phải có màu vàng tự nhiên. Xương phải được hầm thật kỹ trong nồi nước dùng, sau đó loại bỏ những váng mỡ để lấy phần nước trong. Sau khi lọc xong, người nấu sẽ cho thêm các nguyên liệu như tôm, thịt, chả cá, giò heo, trứng cút và bột ớt để tạo màu. Bột ớt chính là yếu tố quyết định đến độ đặc biệt của hương vị bánh canh, thích hợp dùng trong những ngày mùa đông với tiết trời hơi se lạnh.

Ngoài ra, khi thưởng thức bánh canh Gia Lai, người ta thường dùng kèm với các loại rau sống có mùi khá nhẹ như cải con, rau thơm và một chút giá. Bánh canh được phục vụ phải đi kèm một chén nước chấm ớt hơi cay nhẹ. Tô bánh canh sẽ được trang trí thêm với tiêu và những sợi ngò được thái nhuyễn. Dù các nguyên liệu có điểm tương đồng, nhưng chắc chắn du khách sẽ cảm thấy thú vị khi được thưởng thức món ăn đặc biệt này.

Món ăn đặc sản ở Gia Lai: Thưởng thức bò một nắng muối kiến vàng cực hấp dẫn

Ngon “xoắn lưỡi” với loạt đặc sản gom trọn hương vị núi rừng Tây Nguyên - Ảnh 3.

Đặc sản bò một nắng muối kiến vàng Gia Lai thực sự là một món ăn vặt lạ miệng, hấp dẫn cho cả gia đình nhâm nhi vào dịp cuối tuần. (Ảnh: MiA)

Món đặc sản bò một nắng vốn xuất phát từ những người dân tộc J’rai. Trước đây, khi thịt gia súc ăn không hết thì thường dân thường mang đi phơi nắng, gác bếp để bảo quản thịt lâu hơn. Đặc biệt, để món ăn này hấp dẫn hơn nhiều người còn cho thêm muối kiến vàng. Nhờ có loại gia vị này, miếng thịt bò trở nên ngọt hơn, cay hơn và thơm hơn rất nhiều.

Mỗi món ăn sẽ có một gia vị đi kèm riêng biệt và bò một nắng cũng thế. Đối với người dân Gia Lai, bò một nắng chắc chắn không thể thiếu muối kiến vàng. Muối này phải được pha chế theo bí quyết gia truyền của người đồng bào Krông Pa mới ngon. Khi ăn, bạn sẽ cảm nhận được vị chua nhẹ, mùi thơm cùng hương vị đặc trưng của muối kiến vàng. Tuy nhiên, nếu không tìm mua được loại muối này, bạn cũng có thể chấm bò một nắng muối kiến vàng Gia Lai với mù tạt, tương ớt, mayonnaise.

Bò một nắng muối kiến vàng Gia Lai sau khi đã dùng dao đập cho thịt mềm ra thì đem đi nướng và xé nhỏ thịt là thưởng thức được rồi đấy. Lưu ý, du khách phải nướng thật khéo tay để bò không bị cháy mà vẫn giữ được độ ngọt, dai tự nhiên. Đặc biệt, bò một nắng muối kiến vàng Gia Lai sẽ còn ngon hơn nếu được ăn kèm với rau mùi ngò gai, xà lách, rau é trắng, cà chua, chuối chát hay khế chua.

Món ăn đặc sản ở Gia Lai: Món lẩu lá rừng, độc đáo mà du khách nhất định phải thử

Ngon “xoắn lưỡi” với loạt đặc sản gom trọn hương vị núi rừng Tây Nguyên - Ảnh 4.

Đặc sản lẩu lá rừng Gia Lai thường được kết hợp với các loại thịt, trứng thơm ngon. (Ảnh: MiA)

Lẩu lá rừng Gia Lai là món dân dã, tương tự các món lẩu thông thường nhưng điểm đặc biệt ở đây chính là các loại lá rừng thay vì các loại rau củ thường thấy, món ăn này thường bao gồm 10 loại rau khác nhau của người dân bản địa. Tất cả các loại rau đều không có độc, không kỵ nhau và đặc biệt chứa rất nhiều chất dinh dưỡng cho sức khỏe. Khi ăn món đặc sản này, bạn sẽ cảm nhận được vị đắng, vị nồng cùng vị ngọt tự nhiên của các loại rau rừng vô cùng cuốn hút.

Thực khách có thể gọi lẩu lá rừng Gia Lai hoặc canh rau rừng tùy theo sở thích. Để có một bữa lẩu ngon, lá rừng phải được rửa sạch, để ráo, thịt, cá, tôm phải sơ chế sẵn. Sau khi nước lẩu đã sôi, mọi người cùng nhau gắp lá rau nhúng vào nồi lẩu và thưởng thức. Vị đắng xen lẫn vị bùi, cay nồng của rau rừng sẽ mang đến cho các "tín đồ xê dịch" nhiều trải nghiệm thú vị mà khó có món ăn nào mang lại được. Chỉ cần được thưởng thức món ăn này một lần là du khách sẽ muốn ăn thêm nhiều lần nữa.

Món ăn đặc sản ở Gia Lai: Thử ngay muối kiến vàng lá é Tây Nguyên thơm ngon quên lối về

Ngon “xoắn lưỡi” với loạt đặc sản gom trọn hương vị núi rừng Tây Nguyên - Ảnh 5.

Khi ăn muối kiến vàng lá é, người dân bản địa thường cho thêm ớt tươi để gia tăng hương vị. (Ảnh: MiA)

Nhắc đến vùng đất Tây Nguyên chắc hẳn nhiều người đã không còn xa lạ với món muối kiến vàng lá é. Loại gia vị này có lẽ nổi tiếng nhất ở vùng đất Ayunpa, Krongpa. Cái tên muối kiến vàng lá é cũng bắt nguồn từ sự sáng tạo của người J’rai nơi đây.

Lá é là loại rau gia vị được nhiều người yêu thích với hương thơm đặc trưng cùng với hương vị đậm đà cực kỳ kích thích. Ngoài việc được sử dụng để nấu canh, làm thuốc trị bệnh đau đầu, sốt, cảm thì lá é còn là một nguyên liệu quan trọng, không thể thiếu trong món gia vị đặc trưng của người dân Gia Lai.

Đối với nhiều người dân Gia Lai, muối kiến vàng lá é còn là món gia vị giúp mọi người nhớ đến quê hương mình đã từng sinh sống. Nhiều người thường e dè khi thưởng thức món gia vị này nhưng ít ai biết rằng kiến vàng khi kết hợp với lá é tạo nên hương vị cay nồng vô cùng hấp dẫn. Đặc biệt, đây còn là món đặc sản làm quà được nhiều người lựa chọn sau mỗi chuyến khám phá Gia Lai.

Muối kiến vàng lá é thường được người dân bản địa dùng để chấm các món nướng, đặc biệt là Gà nướng cơm lam Pleiku. Bên cạnh đó, muối kiến vàng lá é còn được dùng để ăn với cơm trắng, rau luộc, thịt luộc, thịt bò. Loại đặc sản này mang một hương thơm riêng biệt, hấp dẫn, thường có vị chua thanh dễ chịu, giúp món ăn của thực khách đỡ ngán hơn rất nhiều. Ngoài ra, nhiều người cũng dùng muối kiến vàng lá é để chấm cùng ổi, xoài, cóc xanh.

Món ăn đặc sản ở Gia Lai: Gà nướng cơm lam Pleiku, đặc sản dân dã giữa chốn đại ngàn

Ngon “xoắn lưỡi” với loạt đặc sản gom trọn hương vị núi rừng Tây Nguyên - Ảnh 6.

Là đặc sản nổi tiếng của người dân nơi đại ngàn Tây Nguyên, món ăn này mang hương vị mộc mạc, bình dị nhưng lại đầy cuốn hút, hứa hẹn sẽ mang đến cho bạn nhiều trải nghiệm mới mẻ. (Ảnh: MiA)

Gà nướng cơm lam Pleiku là một những món đặc sản đáng tự hào mà người dân nơi đây thường thưởng thức trong những dịp đặc biệt và giới thiệu với các bạn trẻ gần xa.

Cách nướng chính là quá trình quyết định hương vị của món đặc sản này. Khác với lụi nướng Gia Lai, gà nướng cơm lam Pleiku không được đặt trên vỉ mà kẹp vào thân tre rồi cắm trực tiếp xuống than hồng. Người dân thường dùng loại than củi để nướng thịt gà nên toả ra mùi khói thơm lừng. Chính mùi khói nướng đã góp phần tạo nên hương vị đặc trưng của món gà nướng cơm lam Pleiku. Gà sau khi nướng chín sẽ được cắm ở vách nhà để cho ráo mỡ đồng thời hấp thụ thêm mùi thơm của khói bếp.

Cách trang trí món ăn của người miền núi thường khá đơn giản. Khi cơm lam đã chín, người dân chặt ống tre thành từng đoạn và bày lên đĩa. Gà nướng sau khi ráo mỡ cũng được đặt lên mâm cùng với một chén muối lạc và muối lá é. Muối lạc là món nước chấm được người dân Gia Lai dùng để ăn kèm với cơm lam. Còn muối lá é (loại lá có mùi gần giống húng quế) sẽ dùng để chấm với gà nướng giúp hương vị thơm ngon và đậm đà hơn.

Việc chọn lựa nguyên liệu cùng quy trình chế biến tỉ mỉ đã khiến món gà nướng cơm lam Pleiku sở hữu sức hấp dẫn riêng biệt so với các nơi khác. Khi thưởng thức, du khách sẽ cảm nhận được hương vị thơm ngon đậm chất vùng cao trong từng ống cơm và thịt gà vàng ươm. Cơm lam nướng trên than hồng nên có lớp cháy cạnh ở ngoài còn bên trong thì lại rất dẻo và mềm. Sự hòa quyện của cơm lam thơm mùi tre, nứa cùng những miếng thịt gà đậm đà tạo nên một hương vị đặc trưng của đại ngàn Tây Nguyên mà các "tín đồ xê dịch" không thể nào quên.

Món ăn đặc sản ở Gia Lai: Không chỉ nổi tiếng bởi hương vị lạ, bún mắm nêm còn phảng phất một giá trị văn hóa ẩm thực

Ngon “xoắn lưỡi” với loạt đặc sản gom trọn hương vị núi rừng Tây Nguyên - Ảnh 7.

Món ăn này có vị khá đặc biệt, mùi mắm nêm hòa quyện cùng những sợi bún tươi tạo nên một dư âm khá đặc biệt. (Ảnh: MiA)

Bún mắm nêm Gia Lai là một nét văn hóa khá độc đáo trong bức tranh ẩm thực vô cùng hoành tráng của vùng đất này. Có thể nói, món bún này chính là sự giao thoa của nền ẩm thực các tỉnh thành ở khu vực Trung Bộ mà hình thành. Đây vốn là món ăn khá được yêu thích của người dân các tỉnh duyên hải miền Trung với hương vị mắm nêm đặc biệt và thơm lừng. Nhưng khi về đến Gia Lai, món ăn này đã tạo được dấu ấn riêng, không bị nhầm lẫn với bất kỳ địa phương nào.

Bún mắm nêm Gia Lai là sự kết hợp của những thành phần vô cùng đơn giản và dễ tìm, tạo nên một món ăn bình dị và mộc mạc như chính cái tên của nó vậy. Đầu tiên, để tạo nên được bún mắm nêm, bạn cần phải có hai thành phần cơ bản nhất của món ăn. Đó chính là bún tươi và mắm nêm. Bên cạnh đó, để tô bún có thể ngon và dễ ăn hơn, người nấu bắt đầu cho những thành phần đi kèm.

Rau ăn kèm của món bún này cũng khá đa dạng, khá giống với món bún thịt nướng ở miền Nam. Khi gọi một tô bún mắm nêm, bạn sẽ thấy những phần rau ăn kèm như dưa leo, giá sống, hoa chuối bào cùng các loại rau mùi ăn kèm.

Nếu như thực khách đã từng thưởng thức qua một lần món ăn đặc biệt này, sẽ không khỏi phải gật gù và thích mê bởi hương vị đặc trưng của mắm nêm nơi đầu lưỡi. Sự kết hợp của mắm nêm và vị béo ngậy của thịt heo, kèm theo một chút cay cay, ngọt ngọt của ớt sa tế sẽ làm cho vị giác của du khách thêm phần bùng nổ.

Món ăn đặc sản ở Gia Lai: Lụi nướng, món ăn truyền thống của người dân vùng đất đỏ

Ngon “xoắn lưỡi” với loạt đặc sản gom trọn hương vị núi rừng Tây Nguyên - Ảnh 8.

Lụi nướng Gia Lai vốn được xem là một trong những món ăn nhẹ đơn giản của người dân trong vùng nhưng nhờ hương vị thơm ngon, hấp dẫn mà nhanh chóng thu hút sự chú ý của đông đảo các tín đồ ẩm thực. (Ảnh: MiA)

Lụi nướng Gia Lai vốn là một món ăn xế đơn giản của người dân phố núi. Dần dần, nhờ hương vị thơm ngon mà món ăn này được đông đảo các tín đồ ẩm thực từ khắp mọi miền đất nước tìm đến thưởng thức. Thực chất, lụi là một từ ngữ địa phương, nghĩa là xiên nướng. Mới nghe qua thì tưởng chừng như không có gì khác biệt so với món thịt xiên nướng miền Bắc. Tuy nhiên, lụi nướng Gia Lai được bọc một lớp bánh tráng mỏng ở bên ngoài và chấm kèm với mắm me nên sở hữu một hương vị rất đặc trưng, mang đậm bản sắc vùng núi rừng cao nguyên.

Lụi nướng Gia Lai khiến nhiều bạn trẻ nơi phố núi mê mẩn mỗi buổi chiều gồm có bánh tráng cuốn với một ít thịt heo xay nhuyễn rồi đem đi nướng trên bếp than đỏ lửa. Vậy nên món ăn này còn được gọi là ram nướng. Mỗi xiên lụi nướng Gia Lai có khoảng 4 - 5 miếng ram. Khi chế biến, người dân thường cầm cả bó xiên, vừa nướng trên than hồng vừa quết thêm mỡ heo nên món ăn có vị béo ngậy, đậm đà, toả mùi hương thơm phức chắc chắn sẽ khiến thực khách muốn nếm thử ngay lập tức.

Cách thưởng thức lụi nướng Gia Lai đúng chuẩn là các tín đồ ẩm thực phải chấm ngập trong chén nước tương me chua ngọt rồi đưa lên miệng ăn ngay. Khi cắn miếng đầu tiên sẽ cảm nhận được độ béo ngậy, dai giòn vô cùng kích thích vị giác khiến du khách chỉ muốn ăn mãi không thôi.

Được nướng chín trên bếp than đỏ lửa ấm áp của những ngày đầu đông, lớp vỏ bánh tráng của miếng lụi nướng Gia Lai càng trở nên vàng ruộm, giòn tan. Nhân thịt xay cùng nấm mèo được bọc trong vỏ bánh cũng dậy mùi thơm lừng bởi lửa nóng khiến bất cứ ai cũng không khỏi mê mẩn. Chính vì thế, món lụi nướng Gia Lai thơm ngon, nóng hổi ngày đông lạnh đã trở thành đặc sản quen thuộc nhưng đầy sức hút của người dân nơi đây.

Món ăn đặc sản ở Gia Lai: Bún cua thối, hương vị độc lạ giữa lòng phố núi Pleiku

Ngon “xoắn lưỡi” với loạt đặc sản gom trọn hương vị núi rừng Tây Nguyên - Ảnh 9.

Bún cua thối Gia Lai là món đặc sản nổi tiếng với hương vị vô cùng đặc trưng. (Ảnh: MiA)

Bún cua thối (hay còn gọi là bún mắm cua) là một món đặc sản Gia Lai có nguồn gốc xuất xứ từ người dân Bình Định di cư tới vùng đất này. Sau nhiều năm được xem như món ăn xế dân dã thì bún cua thối đã dần trở thành một nét đặc sắc mỗi khi nhắc đến ẩm thực phố núi Pleiku. Tên gọi bún cua thối có lẽ được ra đời chính từ mùi vị có phần hơi khó ngửi của nó. Ngoài ra, người dân địa phương đặt tên như vậy cũng để phân biệt với bún riêu cua và các món ăn được chế biến từ cua khác.

Khi bước vào một quán bún cua thối, những nồi nước lèo màu đen sánh bốc khói nghi ngút, nổi đặc lớp gạch cua dày và tỏa ra mùi hương nồng đặc trưng chắc chắn sẽ khiến nhiều người mới thưởng thức lần đầu phải "cao chạy xa bay".

Giống như tên gọi, bún cua thối chỉ bao gồm hai nguyên liệu chính là bún tươi và cua. Sở dĩ bún cua thối dậy mùi như thế là do quá trình ủ nước cua để lên men chua.

Một tô bún cua thối rất đơn giản, chỉ gồm một phần bún nhỏ, vài lát măng, chan xâm xấp nước dùng rồi thêm vào hành phi, tóp mỡ, da heo chiên giòn. Bún cua thối được ăn kèm với rau sống như xà lách, hoa chuối, giá đỗ, kinh giới, tía tô, húng quế… Ngoài ra, chủ quán cũng thường dọn thêm bánh phồng tôm, chả ram, nem chua… nên thực khách có thể dùng chung nếu thích.

Khi ăn món này, thực khách cần cho vào một ít chanh, ớt rồi trộn đều với rau và thưởng thức. Nếu thấy nhạt, các tín đồ ẩm thực cũng có thể dùng thêm mắm nêm được chuẩn bị sẵn trên bàn. Để bún cua thối có độ béo ngậy, thơm ngon hơn, du khách hãy thưởng thức kèm trứng vịt được om trong nồi nước dùng. Quả trứng nhuộm màu đen sánh, thoang thoảng vị thịt cua lên men khá lạ miệng.

Trộn đều các topping rồi từ từ thưởng thức, thực khách sẽ ngay lập tức cảm nhận được vị hăng nồng của nước dùng cùng với vị mằn mặn, chua cay đặc trưng khó có thể tìm thấy ở món ăn nào khác.

Món ăn đặc sản ở Gia Lai: Lá mì xào cà đắng, món ăn giản dị của đồng bào Tây Nguyên

Ngon “xoắn lưỡi” với loạt đặc sản gom trọn hương vị núi rừng Tây Nguyên - Ảnh 10.

Lá mì xào cà đắng dần trở thành món ăn đặc sản nổi tiếng và xuất hiện trong những lễ hội mang ý nghĩa lớn ở Gia Lai. (Ảnh: MiA)

Lá mì xào cà đắng vốn dĩ là món ăn giản dị thường ngày của bà con đồng bào Tây Nguyên. Trước đây, họ thường ăn lá mì xào cà đắng với cơm trắng. Nhiều năm nay, lá mì xào cà đắng dần trở nên quen thuộc đối với người dân sinh sống trên mảnh đất bazan và nhiều thực khách đến đây để khám phá và tìm hiểu văn hóa du lịch.

Đối với các bạn đã từng thưởng thức món ăn qua một lần đều cảm nhận được hương vị khác lạ. Khác với bánh khọt mắm cà, lá mì xào cà đắng mang đến cho mọi người hương vị đặc sắc nhờ lá mì. Sự kết hợp giữa cà đắng và lá mì đã giúp món ăn trông đặc sắc và thú vị hơn.

Món ăn này được mọi người yêu thích bởi hương vị đắng đặc trưng và một chút bùi bùi từ lá mì. Du khách có thể tìm thấy món cà đắng lá mì tại ngay thành phố Pleiku ở nhiều nhà hàng, quán ăn. Tuy nhiên, món ăn này để thể hiện đúng hương vị chuẩn xác nhất và ngon thực sự thì chỉ khi nào do chính tay đồng bào nấu.

Món ăn đặc sản ở Gia Lai: Bánh khọt mắm cà, đặc sản nhất định phải thử vào ngày mưa ở phố núi

Ngon “xoắn lưỡi” với loạt đặc sản gom trọn hương vị núi rừng Tây Nguyên - Ảnh 11.

Những lúc Pleiku chìm trong sương mờ, còn điều gì tuyệt vời hơn khi được tận hưởng tiết trời se se lạnh và thưởng thức từng chiếc bánh khọt mắm cà nóng hổi. (Ảnh: MiA)

Bánh khọt ở Gia Lai khác hoàn toàn so với các tỉnh thành khác. Nếu bánh khọt ở vùng miền khác được chấm với nước mắm chua thì Gia Lai lại mang đến cho mình một sắc thái khác biệt. Mắm cà Gia Lai chính là nước chấm chủ yếu mang hương vị độc đáo và đặc trưng của vùng miền này. Bánh khọt mắm cà tại Gia Lai giờ đây đã trở thành món ăn trứ danh ở khắp nơi. Càng ngày hương vị bánh khọt thơm giòn kết hợp với mắm cà đậm đà trở thành nét đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên.

Khi lớp vỏ bánh khọt được chiên vàng thì chắc chắn đây chính là thời điểm du khách được phép thưởng thức nó. Cảm nhận đầu tiên khi cắn một miếng bánh khọt chấm với mắm cà khiến cho biết bao thực khách xuýt xoa. Bên ngoài bánh khọt vẫn giữ được vị giòn nhất định, bên trong đảm bảo độ mềm ngọt và thơm của gạo. Tất cả hương vị thơm ngon hòa quyện với nhau tạo nên một đĩa bánh khọt chất lượng.

Mắm cà Gia Lai nổi tiếng là hỗn hợp pha trộn với hương vị hấp dẫn, đậm đà. Mắm cà giúp cho hương vị của bánh khọt trở nên đặc trưng hơn thay vì dùng nước mắm chua. Chính điểm mới lạ này của bánh khọt mắm cà Gia Lai đã khiến bao thực khách nhung nhớ và mong muốn được một lần thưởng thức lại. Theo kinh nghiệm ăn uống của nhiều bạn khi đến với vùng đất Tây Nguyên đầy nắng và gió, chỉ có thể đến Gia Lai, mọi người mới hoàn toàn có thể thưởng thức một cách trọn vẹn món ăn này.

Món ăn đặc sản ở Gia Lai: Độc đáo món bò nướng ống tre - sự pha trộn hòa hợp của các loại rau rừng và thịt bò đã mang đến hương vị khó quên

Ngon “xoắn lưỡi” với loạt đặc sản gom trọn hương vị núi rừng Tây Nguyên - Ảnh 12.

Để tạo nên hương vị tuyệt vời nhất cho món bò nướng ống tre, hầu hết bà con đồng bào dân tộc ở Gia Lai đều chọn loại bò tơ, thịt mềm. (Ảnh: MiA)

Để tạo nên hương vị tuyệt vời nhất cho món bò nướng ống tre, hầu hết bà con đồng bào dân tộc ở Gia Lai đều chọn loại bò tơ, thịt mềm. Theo kinh nghiệm chế biến món này của người dân Gia Lai, thịt bò được làm chín bằng nhiều cách. Tuy nhiên, thịt bò khi nướng mang đến một hương vị đặc trưng. Thịt bò nướng sẽ không có mùi khói. Thay vào đó, vị ngọt của thịt bò kết hợp với hương thơm quyến rũ của các loại rau rừng khiến món ăn càng trở nên hấp dẫn.

Sau khi ướp xong, thịt bò sẽ được bỏ ống tre để nướng. Người ta thường chọn loại ống tre (nứa) còn tươi và non. Ống tre to khoảng cổ tay người lớn. Ống tre được súc với nước suối, sau đó cho thịt bò vào. Để giữ thịt bò không bị rơi ra ngoài, người ta thường lấy lá dứa bịt kín lại rồi cho vào bếp than. Bò nướng ống tre giữ được hương vị tươi ngon, ngọt và mềm. Kiểu hương vị thịt bò này thật sự phù hợp với sự giản dị và dân dã của bà con đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống tại đây.

Ngồi bên cạnh bếp lửa hồng, chứng kiến từng ống nứa được lấy ra khỏi lò than, hương thơm ngào ngạt của món ăn xộc vào mũi đã kích thích biết bao thực khách.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem