Một nhà có 3 đời là PGS, làm giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội
Một nhà có 3 đời là PGS, làm giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội
Hà Minh
Thứ năm, ngày 24/11/2022 09:23 AM (GMT+7)
PGS Nguyễn Tùng Lâm, giảng viên Khoa Tự động hóa, Trường Điện – Điện tử, Đại học Bách khoa Hà Nội tự hào khi có bố và ông ngoại đều làm việc cùng tại ngôi trường này.
Theo chia sẻ từ Đại học Bách khoa Hà Nội, nhà trường vinh dự khi có một gia đình kế thừa "truyền thống Bách khoa". Đó là gia đình của PGS Nguyễn Tùng Lâm khi có 3 đời gắn bó với Đại học Bách khoa Hà Nội. PGS Nguyễn Tùng Lâm và bố là PGS Nguyễn Văn Liễn từng cùng làm việc tại bộ môn Tự động hóa, nay là Khoa Tự động hóa, Trường Điện – Điện tử. Ông ngoại của PGS Lâm là thầy Trần Văn Tảo cũng từng giữ chức Phó Chủ nhiệm Khoa Điện tại chính ngôi trường này.
PGS Nguyễn Văn Liễn là sinh viên K12 khoa Điện của trường. Đại học Bách khoa Hà Nội khi đó vẫn nổi tiếng là ngôi trường Kỹ thuật đầu tiên ở Việt Nam. Năm 1967, Đại học Bách khoa Hà Nội sơ tán lên Lạng Sơn trong 2 năm. Kỷ niệm đáng nhớ nhất của thầy Liễn là ngày nhập trường. Sinh viên các khóa phải đi tàu lên Đồng Đăng, rồi đi bộ vào khu sơ tán. Các tân sinh viên khóa đặc biệt này phải ngồi nhờ xe tải của một đơn vị bộ đội để vào khu.
"Hồi đó thanh niên, tôi không coi những khó khăn vật chất là gì", thầy chia sẻ. Mùa gió lạnh, sinh viên nào đến trước kiếm củi đốt khói mù mịt trong lớp học. Giảng viên và sinh viên cùng chịu rét trong giảng đường tự xây từ tre nứa. Năm 1972, là một trong 2 sinh viên giỏi nhất lớp, thầy Liễn được mời về làm giảng viên của trường.
Sau này, khi có con, thầy Liễn đã định hướng cho con trai học tại trường. Cũng như bao sinh viên khác, thầy Lâm cũng "sợ thầy Liễn" khi học đúng bộ môn của bố. Sau khi tốt nghiệp đại học, thầy Lâm muốn tiếp tục làm nghiên cứu sinh. PGS Liễn đồng hành cùng con trai trong quá trình nộp học bổng chính phủ và học cao học. Và sau này, PGS Liễn và PGS Lâm từng cùng làm việc tại bộ môn Tự động hóa, nay là Khoa Tự động hóa, Trường Điện – Điện tử cho đến khi ông về hưu.
Bố là nguồn cảm hứng
Là người thân, là thầy trò, là đồng nghiệp nên đại gia đình PGS Lâm có nhiều câu chuyện chung để đồng cảm, chia sẻ, gắn kết hơn với nhau.
Mặc dù tính cách của 2 bố con khác nhau, người sôi nổi, người trầm tính nhưng cả 2 đều có điểm chung là tận tâm với công việc.
PGS Liễn luôn tự hào, tôn trọng mọi quan điểm, ý kiến của con trai và ông cũng thừa nhận rằng phương pháp của thế hệ trẻ hiệu quả hơn hẳn thời của ông. Ngược lại, có bố là người đi trước, luôn là người truyền cảm hứng cho PGS Lâm theo đuổi con đường nghiên cứu và giảng dạy của mình. Bởi vì ngay từ lúc nhỏ, PGS Lâm đã được gắn bó hơn hình ảnh những người thầy giáo tận tân, nhiệt huyết với sinh viên ngay trong chính gia đình của mình.
PGS Liễn rất yêu quý sinh viên. Thực tế đã chứng minh, một lớp học đến gần 80 người nhưng thầy có thể nhớ tên từng học viên. Sau mấy chục năm từ ngày tốt nghiệp, nhiều cựu sinh viên gặp lại thầy giáo cũ mà thấy xúc động vì vẫn được thầy nhớ tên.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.