Nơi có hơn 65% thai phụ sinh đẻ tại nhà, là một trong những xã nghèo nhất ở Lào Cai

Khương Lực Thứ năm, ngày 17/11/2022 08:51 AM (GMT+7)
Lùng Cải là một xã vùng cao, khó khăn nhất của huyện Bắc Hà và là một trong 10 xã nghèo nhất của tỉnh Lào Cai. Thống kê từ đầu năm đến nay xã Lùng Cải có 61 phụ nữ sinh đẻ thì có tới 40 thai phụ sinh đẻ tại nhà thay vì tìm đến các cơ sở y tế để sinh con.
Bình luận 0

Trao đổi với Dân Việt, ông Giàng Seo Nhà, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Lùng Cải, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai cho biết, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn xã Lùng Cải có 61 phụ nữ sinh đẻ, trong đó có 40 thai phụ sinh đẻ tại nhà, chiếm hơn 65%.

CLIP: Ông Giàng Seo Nhà, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Lùng Cài lý giải nguyên nhân phụ nữ đẻ tại nhà cao.

"Đẻ tại nhà nguy cơ xảy ra tai biến sản khoa cao hơn rất nhiều: Thứ nhất hay xảy tai biến về băng huyết, thứ hai là nhiễm khuẩn sau đẻ, thứ ba là nhiễm khuẩn rốn cho trẻ sơ sinh. Nếu đẻ tại cơ sở y tế thì sẽ đảm bảo hơn rất nhiều so với đẻ tại nhà" – ông Nhà thông tin và cho biết, có trường hợp trẻ sơ sinh nhiễm trùng rốn, người ta thấy thế đưa lên Trạm Y tế để xử lý.

Theo ông Nhà, đa số những người trẻ hoặc những ca đẻ khó họ sẽ chọn đến cơ sở y tế để sinh nở, nhưng với những trường hợp sinh con thứ ba, thứ tư họ thường đẻ ở nhà, tất cả nhờ cậy vào "bà đỡ dân gian" trong bản. Trẻ sinh ra thường được cắt rốn bằng dao, hoặc kéo có sẵn trong nhà; có khi chẻ cây nứa làm dao cắt rốn. Việc này rất nguy hiểm tới tính mạng của sản phụ và trẻ sơ sinh.

Đầu tháng 7/2022, chị Giàng Thị Day, sinh năm 1997 ở bản Xẻ Chải bị đau bụng chuyển dạ chuẩn bị sinh bé thứ 4, gia đình đã đưa đến bệnh viện Bắc Hà. Khi thăm khám xong, ngay lập tức các bác sỹ đã chuyển chị lên Bệnh viện Sản nhi tỉnh Lào Cai.

Ca mổ đẻ đã cứu được đứa trẻ, nhưng chị Day bị băng huyết không qua được. Vợ mất, con nhỏ trong khi điều kiện kinh tế gia đình khó khăn nên chồng chị Day phải đi làm thuê, làm mướn để nuôi 4 đứa con. Khi chúng tôi tìm đến nhà chị Giàng Thị Day, bà nội của bé đã mang bé đi làm cùng trên nương, trên rẫy.

Lý giải nguyên nhân số trường hợp đẻ tại nhà có chiều hướng gia tăng, ông Nhà cho biết, nhiều thai phụ đi làm ăn xa, đến thời điểm sinh nở mới về nhà và họ đẻ tại nhà luôn. Một lý do khác là do điều kiện kinh tế còn khó khăn nên người dân ngại đi bệnh viện sinh đẻ vì phải có một người đi trông, vừa mất công lao động vừa phải bỏ ra chi phí đi lại, ăn ở.

Nơi có hơn 75% thai phụ sinh đẻ tại nhà, là một trong những xã nghèo nhất ở Lào Cai - Ảnh 3.

Chị Giàng Thị Khư, bản Xẻ Chải, xã Lủng Cải, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai và đứa con thứ 5 - Giàng Văn Lương, hơn 1 năm tuổi. Ảnh: K. Lực

Nơi có hơn 75% thai phụ sinh đẻ tại nhà, là một trong những xã nghèo nhất ở Lào Cai - Ảnh 4.

Em Vàng Thị Linh, 17 tuổi ở xã Lủng Cải , huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai đã sinh con đầu lòng. Ảnh: K.Lực

Đáng chú ý, trên địa bàn xã Lùng Cải vẫn xảy ra tình trạng tảo hôn, sinh con trước 18 tuổi. Ông Lường Văn Hưng, Chủ tịch UBND xã Lùng Cải cho biết, từ đầu năm đến nay có 4 trường hợp tảo hôn, so với năm trước là 8-9 trường hợp.

Gặp vợ chồng em Vàng Thị Phán (sinh năm 2001) và  Giàng Seo Xính (sinh năm 1999), hai vợ chồng cho biết đang đi kéo gỗ về làm nhà. Dù mới 21 tuổi nhưng vợ chồng Phán - Xính đã có 2 con là: Giàng Thị Hoa (sinh năm 2016) và Giàng Vang Hiếu (sinh năm 2018). 

Phán là chị lớn trong gia đình có 4 anh chị em. Vừa học hết lớp 9, Phán bỏ học lấy chồng. Con gái đầu do khó đẻ nên hai vợ chồng lên Bệnh viện Bắc Hà sinh đẻ, đến bé thứ hai thì nhờ bà nội đỡ đẻ, sinh con tại nhà.

Nơi có hơn 75% thai phụ sinh đẻ tại nhà, là một trong những xã nghèo nhất ở Lào Cai - Ảnh 5.

Vợ chồng em Vàng Thị Phán (sinh năm 2001) và Giàng Seo Xính (sinh năm 1999) hiện đã có 2 con là: Giàng Thị Hoa (sinh năm 2016) và Giàng Vang Hiếu (sinh năm 2018). Ảnh: K. Lực.

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Lường Văn Hưng, Chủ tịch UBND xã Lùng Cải, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai cho biết, Lùng Cải nằm trong tốp cuối 10 xã nghèo nhất của tỉnh Lào Cai. "Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã là 76%, nếu tính cả hộ cận nghèo thì lên tới 91%" – ông Hưng nói.

Theo ông Hưng, xã Lùng Cải có 494 hộ dân sinh sống ở 6 thôn bản của xã, trong đó dân tộc Mông chiếm đa số với tỷ lệ khoảng 98,8%, còn lại là dân tộc Phù Lá. Cuộc sống người dân chủ yếu dựa vào canh tác nông nghiệp, trồng 1 vụ ngô, lúa, ngoài ra người dân còn trồng dược liệu, cây ăn quả và chăn nuôi gia súc, gia cầm. 

Do điểm xuất phát thấp, 100% hộ là đồng bào dân tộc thiểu số với trình độ dân trí thấp, tập quán canh lạc lạc hậu do đó năng suất, giá trị sản xuất nông nghiệp không cao.

Thời gian gần đây, xã Lùng Cải đã tập trung quy hoạch, hình thành và phát triển một số cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như mận Tả Van, lê VH6, mận Tam Hoa. 

Qua đánh giá cho thấy cây lê VH6, mận Tả Van sinh trưởng phát triển ổn định, chống chịu tốt với sâu bệnh và điều kiện khí hậu tại địa phương, năng suất đạt ổn định cho giá trị kinh tế cao.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem