Mưa đá 105 trận, thiên tai làm thiệt hại hơn 3.100 tỷ đồng

Khương Lực Thứ sáu, ngày 15/05/2020 14:14 PM (GMT+7)
Từ đầu năm đến nay nhiều đợt thiên tai bất thường, nguy hiểm đã xảy ra. Chưa bao giờ ngày 30, mùng 1 Tết lại xuất hiện dông lốc sét, mưa đá và sau đó 104 trận liên tiế tại 31 tỉnh thành phố, kể cả ở những địa phương chưa từng xuất hiện. Tổng thiệt hại về kinh tế gần 3.183 tỷ đồng.
Bình luận 0

Chiều nay (15/5), Thủ tướng Chính phủ họp trực tuyến với Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai và các địa phương về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, từ đầu năm đến nay nhiều đợt thiên tai bất thường, nguy hiểm đã xảy ra. 

"Chưa bao giờ ngày 30, mùng 1 Tết lại xuất hiện dông lốc sét, mưa đá và sau đó, liên tiếp xảy ra 104 trận mưa, dông lốc, mưa đá tại 31 tỉnh thành phố, kể cả ở những địa phương chưa từng xuất hiện. Những ngày cuối tháng 4 tại Hà Nội rét nàng Bân đã khiến nhiệt độ xuống đến 16,5 độ, thấp nhất trong 50 năm gần đây và ngay sau đó là nắng nóng" - Bộ trưởng nói.

Mưa đá 105 trận, thiên tai làm thiệt hại hơn 3.100 tỷ đồng - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đi kiểm tra và đề nghị các ngành chức năng của tỉnh Hà Giang cần tập trung huy động các lực lượng giúp gia đình bị thiệt hại do mưa đá sớm ổn định cuộc sống.

Cùng với đó, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn năm nay cũng đã tạo ra một lịch sử mới, khốc liệt hơn cả đợt hạn mặn lịch sử năm 2015-2016, cho thấy sự biến đổi thời tiết vô cùng phức tạp. 

Bộ NN&PTNT cho biết, tính đến hết tháng 4/2020, thiên tai đã làm 11 người chết, mất tích, trên 44.000 nhà bị sập đổ, hư hại, tốc mái; trên 100.000ha lúa và hoa màu bị ảnh hưởng. Tổng thiệt hại về kinh tế gần 3.183 tỷ đồng.

Về nhiệm vụ trong năm 2020, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Bộ NN&PTNT sẽ rà soát, kiểm tra, xây dựng phương án đảm bảo an toàn công trình phòng chống thiên tai trong mùa mưa bão năm 2020; đồng thời đề xuất trong đầu tư công trung hạn 2021- 2025 để xử lý dứt điểm. 

Sẵn sàng phương án vận hành các hồ chứa lớn, hệ thống công trình tưới tiêu, không để bị động, bất ngờ. Tổ chức theo dõi công tác khắc phục hậu quả, phục hồi, tái thiết sau thiên tai. 

Theo Bộ NN&PTNT, quy trình cứu trợ khẩn cấp và khắc phục hậu quả thiên tai, tiếp nhận viện trợ còn phức tạp, kéo dài, giảm hiệu quả sử dụng. Một số địa phương sử dụng kinh phí hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai còn chậm trễ, lúng túng, hiệu quả chưa cao. 

Đặc biệt, tổ chức bộ máy phòng chống thiên tai chưa được thống nhất từ Trung ương tới địa phương; thiếu lực lượng chuyên gia, công cụ hỗ trợ chuyên dùng để thực thi nhiệm vụ, dẫn đến hiệu quả hoạt động chưa cao, nhất là trong các tình huống thiên tai phức tạp.

Bên cạnh đó, các chế tài xử lý vi phạm trong phòng chống thiên tai còn thiếu và chưa đủ mạnh, nhất là kiểm soát an toàn thiên tai đối với công trình hạ tầng, khu dân cư tập trung, đường giao thông xây dựng mới; khai thác khoáng sản, nhất là khai thác cát, sỏi lấn chiếm lòng sông, bãi sông.

Trong năm 2019, thiên tai không diễn ra dồn dập và khốc liệt nhưng mang nhiều yếu tố cực đoan, dị thường trên khắp các vùng miền cả nước.

Điển hình là trận mưa lớn lịch sử gần 1.200mm tại đảo Phú Quốc (Kiên Giang) từ ngày 1-9/8; trên 700mm/24h tại thành phố Vinh (Nghệ An) trong tháng 10/2019 đã gây ngập lụt nghiêm trọng tại các khu vực trên.

Thiệt hại do thiên tai năm 2019 đã được giảm thiểu so với những năm trước đây. Cụ thể: 133 người chết và mất tích (giảm 40% so với năm 2018 là 224 người); tổng thiệt hại về kinh tế trên 7.000 tỷ đồng (giảm 65% so với năm 2018 là 20.000 tỷ đồng).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem