Mùa đông, đề phòng tai nạn điện giật do bình nóng lạnh bị hở điện
Mùa đông, đề phòng tai nạn điện giật do bình nóng lạnh bị hở điện
Diệu Linh
Thứ hai, ngày 14/11/2022 06:06 AM (GMT+7)
Một bé 10 tuổi vừa tử vong nghi bị tai nạn điện giật khi đang tắm. Mùa đông, nhu cầu tắm nước nóng tăng cao, các chuyên gia y tế cảnh báo đề phòng việc rò rỉ điện từ bình nóng lạnh.
Mới đây, Trung tâm Nhi khoa (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, trung tâm vừa tiếp nhận 1 bé trai nghi bị tai nạn điện giật khi đang tắm.
Bé trai được đưa vào viện trong tình trạng ngừng tuần hoàn, đồng tử giãn, ngừng thở trong thời gian dài, tím tái toàn thân, SpO2 không thể đo, không thể bắt mạch, đồng tử 2 bên giãn. Các bác sĩ đã tiến hành cấp cứu ngừng tuần hoàn nhưng không hiệu quả. Gia đình ép tim nhưng không hiệu quả nên đã đưa đến bệnh viện.
Người nhà cho biết, bố mẹ đi làm vắng, khi về nhà phát hiện con nằm bất động trên sàn phòng tắm, tay cầm vòi hoa sen. Trước đó, người lớn cũng đã phát hiện có cảm giác tê tê ở tay nghi hở điện nhưng chưa kịp xử lý thì tai nạn xảy ra.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Tuyền, Khoa cấp cứu, Bệnh viện Bãi Cháy cho rằng, các tai nạn điện rất khá đa dạng nhưng phần nhiều là tai nạn điện giật trong sinh hoạt hoặc tai nạn lao động. Trong đó, có khá nhiều các trường hợp tai nạn điện giật do bình nóng lạnh bị rò điện.
"Kỹ thuật cấp cứu ngừng tuần hoàn bao gồm: Cho nạn nhân nằm ngửa, hai bàn tay chúng ta lồng vào nhau, gan bàn tay đặt lên trên vị trí ½ của xương ức; dùng lực của hai tay, vai và thân mình ép vuông góc xuống lồng ngực của bệnh nhân sao cho xương ức lún xuống từ 4 – 5 cm, sau đó nhấc tay lên mà tiếp tục nhịp ép thứ hai và ép với tần suất 100-120 lần/phút.
Với trẻ thì ép xuống khoảng 1/3 lồng ngực, có thể chỉ dùng 1 bàn tay để ép với trẻ nhỏ..
Ngoài ra với nạn nhân ngừng thở có thể cấp cứu bằng phương pháp hà hơi thổi ngạt. Cho nạn nhân nằm ngửa, cổ kéo ngửa ra tối đa, chúng ta hít 1 hơi thật sâu rồi thổi vào miệng nạn nhân. Nếu kỹ thuật đúng sẽ thấy ngực nạn nhân phồng lên…"
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Tuyền
Theo bác sĩ Tuyền, các trường hợp rò điện thường xảy ra ở các thiết bị điện lâu năm. Người dân lại không có thói quen tắt bình nóng lạnh khi tắm. Do đó, nếu bình nóng lạnh bị rò điện rất dễ gây ra tai nạn điện giật.
Bác sĩ Tuyển khuyến cáo, người dân nên tắt bình nóng lạnh rồi mới tắm. Còn khi phát hiện người đang tắm bị điện giật thì cần ngắt ngay nguồn điện, sập cầu dao tổng để chắc chắn là đã chặn hết các nguồn điện.
Sau đó, chúng ta cần đánh giá tình trạng nạn nhân để sơ cứu tại chỗ. Nếu nạn nhân tình thì chúng ta đưa nạn nhân đến vị trí an toàn hơn, đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu.
"Nếu nạn nhân đã bị bất tỉnh hoàn toàn, không thấy bệnh nhân thở, không nghe thấy nhịp tim thì cần cấp cứu ngừng tuần hoàn ngay lập tức.
Sau khi nạn nhân thở và có nhịp tim trở lại thì cần nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để bác sĩ kiểm tra, theo dõi tiếp", bác sĩ Tuyền cho biết.
Cách sơ cứu đúng khi gặp trường hợp bị điện giật:
Theo bác sĩ Tuyền, khi phát hiện có người bị điện giật cần:
-Quan sát hiện trường, ngay lập tức ngắt nguồn điện, gỡ nạn nhân ra khỏi vị trí bị điện giật, đưa bệnh nhân đến vị trí an toàn. Sau đó đánh giá tình trạng, tuổi tác, chức năng sống của nạn nhân …
- Đánh giá ý thức của người bệnh, có thể lay gọi bệnh nhân. Nếu bệnh nhân tỉnh lại hoặc trả lời được các câu hỏi, tuần hoàn, hô hấp vẫn còn… có thể yên tâm.
-Trường hợp bệnh nhân ý thức kém, lơ mơ, trả lời không chính xác, chỉ đáp ứng với những tác động như cấu véo… có thể bệnh nhân bị mất ý thức tạm thời do điện giật.
-Đánh giá tuần hoàn: Xem nạn nhân tim còn đập hay không, có thể bắt mạch cảnh, mạch bẹn của bệnh nhân … Nếu bệnh nhân ngừng tuần hoàn cần ép tim và lồng ngực cấp cứu.
-Đánh giá về hô hấp: Xem nạn nhân còn thở hay không, nhịp thở của bệnh nhân. Nếu còn thở hoặc thở chậm cần hô hấp nhân tạo cho nạn nhân.
- Sau đó người hỗ trợ có thể đánh giá các tổn thương toàn trạng của nạn nhân và nhanh chóng đưa nạn nhân đến bệnh viện gần nhất.
Cách đề phòng điện giật
Theo điều dưỡng Nguyễn Văn Dương – Tổ Cấp cứu 115 (Bệnh viện đa khoa Lào Cai), để đề phòng điện giật, người dân cần tuân thủ các quy tắc sử dụng điện an toàn.
- Phải lưu ý, ngắt nguồn điện khi sửa điện, các ổ cắm điện, thiết bị điện cần để xa tầm với của trẻ em. - - Khi sửa những vật dụng có điện khác, thông thường mọi người ngắt cầu dao rồi mới tiến hành sửa, thậm chí là sửa bồn nước trên mái nhà vì bồn nước có thể gắn máy bơm, có điện.
- Nhiều trường hợp bị điện giật còn do phơi quần áo ướt lên dây sắt có dẫn điện, chạm phải dây điện rơi xuống đường, xuống vùng có nước, nhất là mùa mưa bão… Do đó, khi làm việc gần đường dây điện người dân cần chú ý.
- Luôn luôn rút sạc ra khỏi ổ cắm điện khi không sử dụng, ổ cắm điện phải có thiết bị che bảo vệ để đề phòng trẻ nhỏ chạm phải.
- Khi sử dụng bình nóng lạnh cần phải tắt bình nóng lạnh rồi mới tắm và thường xuyên kiểm tra sự an toàn của bình nóng lạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.