Mục tiêu tăng trưởng tín dụng 21 - 22%: “Vừa bịt mắt vừa chạy nước rút”

Quốc Hải Thứ tư, ngày 25/10/2017 07:15 AM (GMT+7)
Sau 9 tháng, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế mới chỉ đạt 11,02%. Chính vì vậy, mục tiêu trong 3 tháng còn lại của năm 2017 còn phải đạt thêm 10- 11% mới đáp ứng được con số kỳ vọng về tăng trưởng tín dụng khoảng 21-22% mà Chính phủ đề ra. Đây sẽ là “bài toán khó” cho cả nền kinh tế...
Bình luận 0

Cụ thể, để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng lên con số 21 - 22%, trong 3 tháng cuối năm 2017, các ngân hàng phải tăng trưởng tín dụng thêm 10% - 11%, tương đương với việc “bơm” vốn ra thị trường thêm khoảng khoảng 600.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc “điều tiết” nguồn vốn thế nào để tránh nguồn vốn đổ vào những lĩnh vực không mong muốn như bất động sản, cổ phiếu hay cho vay tiêu dùng không phải là dễ dàng khi sức “hấp thụ” dòng tiền từ các lĩnh vực khác có hạn.

“Bài toàn” không dễ

Áp lực cho việc đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 3 tháng cuối năm 2017 thêm khoảng 10-11% để đạt mục tiêu chung cho cả năm là 21 - 22%, được các chuyên gia kinh tế ví như hình ảnh vừa “bịt mắt” vừa phải chạy... nước rút. Sẽ rất khó cho thực hiện mục tiêu này bởi nguyên nhân hiện nay khối doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ chiếm khoảng 95% trong tổng số các DN tại Việt Nam nhưng phần lớn các DN này hiện vẫn còn khó khăn trong tiếp cận vốn ngân hàng hoặc tiếp cận ở mức hạn chế. Chính vì vậy, khi “bơm” khoảng 600 nghìn tỷ đồng cho mục tiêu tăng trưởng, nhiều khả năng dòng vốn này sẽ “chảy” vào các lĩnh vực không mong muốn.

img

Các ngân hàng phải hỗ trợ cho vay đối với các DN có lịch sử kinh doanh tốt (ảnh minh họa).  Ảnh: B.Đ.T

"Tôi cho rằng trong 3 tháng cuối năm chúng ta có thể sa vào sai lầm loại 2, đó là cho vay nhầm đối tượng rủi ro. Chưa kể, dòng vốn tín dụng có thể chảy vào lĩnh vực phi sản xuất như chứng khoán, bất động sản khiến thổi bùng giá tài sản và gây ra bất ổn vĩ mô như lạm phát, bong bóng giá tài sản và giảm sức tăng trưởng của nền kinh tế...”.

TS Đỗ Thiên Anh Tuấn

Đây có lẽ cũng không phải là mục tiêu mà Chính phủ đề ra trong kỳ vọng về tăng trưởng kinh tế trong năm 2017. Tuy nhiên, việc vừa “khống chế” dòng chảy của nguồn vốn, vừa đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng chỉ trong một khoảng thời gian... rất ngắn còn lại của năm 2017 là một bài toán không dễ dàng.

Về vấn đề này, TS, luật sư Bùi Quang Tín - chuyên gia tài chính - ngân hàng cho biết, những năm trước, để tăng trưởng tín dụng trong quý 4, thông thường các ngân hàng phải tăng trưởng tín dụng thêm 6% - 7%. Tuy nhiên, nhìn vào con số tín dụng 9 tháng vừa qua cho thấy, nếu trong quý 4 này các ngân hàng chỉ đạt từ 6% - 7% như những năm trước thì cả năm 2017, các ngân hàng chỉ có thể tăng trưởng đến 17%- 18%! “Tôi cho rằng sẽ rất khó để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 21% - 22% như mục tiêu đề ra khi thời gian còn lại của năm 2017 là quá ngắn” - ông Tín nói.

Trong khi đó, TS Đỗ Thiên Anh Tuấn - giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, cho rằng, không khó để đẩy tăng trưởng tín dụng vì kịch bản năm 2006 - 2007 chúng ta tăng trưởng cũng rất nhanh và cũng chỉ tăng trưởng trong nửa cuối năm. Nếu muốn thì vẫn tăng được nhưng điều cần bàn ở đây là những tiềm ẩn rủi ro gì khi đẩy tăng trưởng tín dụng lên cao, hơn là việc có đạt mục tiêu 21- 22%.

Cụ thể, theo ông Tuấn, ở góc độ người dân hay DN sẽ quan tâm vốn tín dụng đó có mang lại chất lượng tăng trưởng cho nền kinh tế hay không. Rõ ràng là 3 tháng còn lại, nếu tăng trưởng gần bằng 9 tháng qua thì bất ổn vĩ mô rất lớn bởi trong một giai đoạn ngắn như vậy, chúng ta đẩy tăng trưởng tín dụng lên thì khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế không đáp ứng được,  phải có quá trình thẩm định, ra quyết định tín dụng. Nếu đẩy nhanh thì có thể sẽ bỏ qua bước thẩm định nào đó, phớt lờ thẩm định nào đó thay vì tìm hiểu kỹ thông tin tín dụng khách hàng. Trong trường hợp này chúng ta có thể vướng vào sai lầm loại 2 là cho vay nhầm đối tượng dẫn đến rủi ro, đồng thời cũng vướng vào sai lầm loại 1 là từ chối khách hàng tiềm năng.

Làm sao giải bài toán “đạt mục tiêu nhưng ổn định”?

Dù bài toán tăng trưởng đạt mục tiêu đề ra trong 3 tháng cuối năm 2017 sẽ rất khó, tuy nhiên, các chuyên gia cũng đề ra nhiều giải pháp để thực hiện mục tiêu này một cách ổn định nhất. Theo TS, luật sư Bùi Quang Tín, có 6 giải pháp cần làm ngay và luôn. Trong đó, các ngân hàng phải duy trì hoặc giảm lãi suất cho vay từ 0,2 - 0,5%, đặc biệt là đối với cho vay trung và dài hạn. Có như vậy, mới kích cầu nguồn vốn “bơm” ra thị trường, thúc đẩy việc tăng trưởng tín dụng đạt mục tiêu.

Các ngân hàng phải hỗ trợ cho vay đối với các DN có lịch sử kinh doanh tốt, phương án kinh doanh hiệu quả, có dòng tiền tốt… thông qua việc giải ngân, cấp thêm tín dụng cho DN, hay gia hạn nợ, cơ cấu nợ nếu các DN này đang gặp khó khăn. Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước phải tăng room tín dụng cho các ngân hàng thương mại đang hoạt động hiệu quả và tỷ lệ nợ xấu thấp, ít rủi ro. Việc nới room tín dụng sẽ giúp các ngân hàng có thể tiếp tục cho vay, đồng thời giúp chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng đạt được.

Bên cạnh đó, tiếp tục tìm kiếm các khách hàng tốt để cho vay, đặc biệt hỗ trợ cho DN vừa và nhỏ. 

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem