Gỗ keo từ chế biến đến thành phẩm.
Từ thói quen “tốt gỗ”?
Một kiến trúc sư kể, trước khi động thổ ngôi biệt thự của một đại gia, ông được gọi tới để giúp 1 xe cẩu... định vị vị trí một sập gỗ. Vì nó quá to, người ta phải đặt trước vào rồi xây nhà. Trước ánh mắt kinh ngạc của ông, vị đại gia tự hào: “Cái chiếu của anh hơn 2 tỉ đấy”. Thứ mà ông gọi là “chiếu” đấy dài hơn 3m, dày 30cm, chiều rộng đủ để nằm giang tay không đụng 2 mép, có lẽ đã sừng sững ở cánh rừng già nào đó tận châu Phi cách đây cả hơn thế kỷ.
Những chiếc “chiếu” đấy hiện nay không hiếm ở Việt Nam, được khoe như chuẩn mực cho “văn hóa đại gia”. Trên các trang mạng không hiếm gặp những tít bài và hình ảnh “chiêm ngưỡng ngôi nhà gỗ lim trăm tỉ”, những bộ salon “7 món, tay 25” chễm chệ. Đẳng cấp phải là “tứ thiết” (đinh, lim, sến, táu), ít thì mun sọc, cẩm lai...
Khi những đại ngàn ở trong nước đã cạn, người ta đổ đi khắp nơi để tìm về. Và cho dù những súc gỗ đó đến từ rừng già Amazon, từ châu Phi hay ở đâu, đều là dấu hiệu của tàn phá rừng bất hợp pháp.
Nhận thức về gỗ và thay đổi thói quen sử dụng gỗ của người tiêu dùng đôi khi nằm ngoài tầm với của họ.
Trở lại quan niệm của nhiều người Việt, cho rằng cứ phải là gỗ quý, gỗ nhóm I, kích thước đồ sộ, giá “khủng” mới là tốt, có đúng không? Có một câu chuyện khá thú vị của một chủ doanh nghiệp nguyên liệu gỗ ở Đồng Nai. Cách đây hơn 10 năm, ông khởi nghiệp bằng 3 container gỗ sồi nhập từ Nga về mang ra làng nghề mộc ở Hà Tây cũ (nay là Hà Nội) chào bán. Đó là những loại gỗ được trồng và khai thác hợp pháp, khoa học, có kế hoạch, minh bạch nguồn gốc.
2 tháng sau ông quay lại và sốc vì… không bán được lóng gỗ nào. Gỗ mốc meo vì người ta không quen. Sồi, có người tưởng là gỗ… xoài. Ông tiếc quá, gọi thợ đến đóng thành đồ nội thất và lạ thay, bán hết sạch. Thứ cây này nhanh chóng được chấp nhận và hiện nay có không ít xưởng gỗ đặt mua nguyên liệu gỗ của ông trị giá lên đến 10 tỉ đồng mỗi năm.
Nhận thức về gỗ và thay đổi thói quen sử dụng gỗ của người tiêu dùng đôi khi nằm ngoài tầm với của họ, nếu không có những sự chủ động “định hướng” từ chính các doanh nghiệp.
Ngành gỗ giữ màu xanh
Dưới góc độ thương mại, rừng bị tàn phá và gỗ bất hợp pháp có “đất sống” hiện nay chỉ là câu chuyện của thị trường nội địa. Trên thực tế, gỗ hợp pháp là gỗ được xác nhận minh bạch về nguồn gốc. Chúng được trồng, chăm sóc và khai thác một cách khoa học, chứ không đến từ những cánh rừng nguyên sinh.
Các nước phương Tây không có thói quen dùng nội thất “gỗ tốt”, mà như một loại thời trang, sau một thời gian sẽ thay mới. Những sản phẩm nội thất từ rừng tự nhiên, nhất là gỗ nhiệt đới (tropical wood) vì thế rất khó đến được đây. Chẳng doanh nghiệp nào dại dột dùng nguyên liệu này để xuất khẩu vì có mang đi cũng chẳng ai mua.
Chế biến sản phẩm từ gỗ keo.
Đáng tiếc, từ những vụ lâm tặc phá rừng, cộng đồng vẫn nhìn ngành xuất khẩu gỗ hợp pháp như... “cá mè một lứa”. Ít ai biết, doanh nghiệp đang tham gia trồng rừng rất nhiệt tình.
Tính đến cuối năm 2017, Việt Nam đã có đến 732 doanh nghiệp có chứng nhận chuỗi hành trình (CoC/FSC), đứng đầu khu vực Đông Nam Á. Trong đó 49 doanh nghiệp được cấp chứng chỉ quản trị rừng bền vững (FSC/FM) với tổng diện tích trồng lên đến 226.500 ha.
Diện tích, trữ lượng rừng trồng của Việt Nam.
Paul Smith được xem là “huyền thoại của ngành gỗ” với thương hiệu Theodore Alexander, người mở doanh nghiệp gỗ FDI đầu tiên tại Việt Nam, hẳn không ngờ rằng đã tạo ra sinh kế cho hàng ngàn người Việt Nam và thương hiệu cho các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ trong nước đến từ quyết định táo bạo của ông.
Năm 2000, Paul quyết định thay nguồn gỗ nguyên liệu của công ty ông từ gỗ giá tỵ (Teak) sang keo (tràm bông vàng). Loại gỗ đầy rẫy ở Việt Nam mà sau thời gian nghiên cứu ông tự tin phẩm chất không thua kém gì Teak, hay nhiều loại gỗ quý khác, nếu khai thác đủ độ tuổi.
Sản phẩm nội thất gỗ keo của Việt Nam nhanh chóng được quốc tế đón nhận.
Từ Theodore Alexander, sản phẩm nội thất gỗ keo của Việt Nam nhanh chóng được quốc tế đón nhận vì phẩm chất đích thực. Quyết định thương mại hóa loại cây vốn chỉ dùng để phủ xanh đồi trọc trước đó, đã làm nên thương hiệu Acacia Việt Nam trên toàn cầu.
Chỉ trong vòng 10 năm trở lại đây, thay vì hàng chục năm trở lên như các loại cây khác, keo từ rừng trồng đi vào nhà máy, trở thành nội – ngoại thất cả thế giới đón nhận. Những quả đồi trọc nhanh chóng phủ xanh bằng keo. Cả nước đã có hơn 3 triệu hecta rừng trồng loại cây này, đem lại sinh kế cho hàng ngàn người, trong đó không ít người đã từng vung rìu vào các cánh rừng nay trở lại vun vén cho những mảng xanh.
Ngành chế biến gỗ Việt Nam có quyền làm một cuộc “giải oan” sòng phẳng. Hãy là một người tiêu dùng thông minh, trách nhiệm với đồng tiền bỏ ra khi mua nội thất gỗ, là nhu cầu được biết về nguồn gốc của chiếc bàn chiếc ghế bằng gỗ, nói không với gỗ bất hợp pháp. Nếu không, những đồng tiền của chính người tiêu dùng sẽ góp thêm vào đại họa phá rừng.
|
Câu chuyện của cây keo và rừng trồng không còn là câu chuyện của thương mại, thương hiệu quốc gia nữa, mà mang trong đó là cả ý nghĩa nhân bản của ngành chế biến gỗ xuất khẩu tạo ra. Rừng từ nỗi thống khổ của nạn nhân đã rộng lượng trở thành ân nhân của con người.
Tìm ra chân dung của kẻ phá rừng không khó. Đó chính là thói quen “gỗ tốt”, là quan niệm tài sản, là sự đánh đồng thiếu hiểu biết, có thể làm tổn hại cả một nền kinh tế mũi nhọn và những doanh nghiệp chân chính trong ngành chế biến gỗ.
Thật may, những “chân dung” đó có thể sửa chữa bằng chính những thay đổi trong nhận thức và hành động, bằng ủng hộ về chính sách và chung tay của cộng đồng.
Rừng là hình thái của sự sống bền vững và yếu tố cấu thành sự trù phú. Rừng có xanh thì biển mới thắm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.