Sau 4 suất diễn vở Hợp đồng mãnh thú của Sân khấu Kịch IDECAF tại Mỹ thành công, sân khấu kịch Sống của nghệ sĩ Túy Hồng đang mời ê kíp vở Dòng nhớ của nghệ sĩ Hạnh Thúy lên đường xuất ngoại.
Thực tế đó cho thấy thị phần kịch đang rộng mở tại những khu vực đông kiều bào sinh sống. Song, chuyện đưa kịch sang Mỹ hay những nước khác biểu diễn không đơn giản khi nhà tổ chức và nghệ sĩ phải đối mặt với nhiều khó khăn mà chỉ người trong cuộc mới hiểu.
Rắc rối hậu trường
Nghệ sĩ Tú Trinh kể 5 năm trước, kiều bào không có khái niệm kịch dài. Vì thế, các vở kịch dài: Sông dài, Giông tố, Đoạt tuyệt, Lời thề định mệnh… do một số nghệ sĩ trong nước sang Mỹ kết hợp cùng nghệ sĩ hải ngoại dàn dựng nhận được sự tán thưởng từ khán giả.
Ngay sau đó, Kịch Phú Nhuận, Kịch Nụ Cười Mới phối hợp bầu sô tại Mỹ và Nhà hát Tuổi Trẻ, Nhóm nghệ sĩ Gặp nhau cuối tuần hợp tác với bầu sô tại một số nước châu Âu để dàn dựng và biểu diễn càng làm kịch dài tăng điểm. Và nay, thành công 4 suất diễn vở Hợp đồng mãnh thú của Sân khấu Kịch IDECAF mở ra một cơ hội lớn cho kịch dài.
Nhưng điều đáng nói của thành công này là nhờ đưa được cả ê-kíp trong nước sang diễn chứ không phối hợp với nghệ sĩ hải ngoại như cách làm lâu nay.
Các nghệ sĩ Sân khấu Kịch Idecaf trong vở Hợp đồng mãnh thú chào tạm biệt khán giả kiều bào tại Mỹ
Đây là mấu chốt khiến nhiều nỗi lo kéo đến bởi đổi mới theo kiểu “diễn cả ê-kíp” như vậy ban tổ chức sẽ gặp rắc rối về khâu xin giấy phép nhập cảnh (visa) cho cả đoàn. Việc xin visa vào Mỹ cho vài nghệ sĩ là bình thường nhưng nếu cả một ê-kíp đông đảo cùng sang thì lại khác, tính rủi ro cao. Nếu chỉ một vài người trong ê-kíp không xin kịp visa, xem như những người còn lại phải chờ, phần chi phí phát sinh không nhỏ.
Ông Trần Đông Phương, chuyên viên nghệ thuật sân khấu kịch Sống của nghệ sĩ Túy Hồng, cho biết trước đây, mời một vài nghệ sĩ có tiếng trong nước sang cùng nghệ sĩ hải ngoại diễn chung, không tốn nhiều vốn. Nhưng theo tình hình mới, mời cả ê-kíp trong nước sang diễn trọn vở kịch dài, chi phí đội lên gần 200.000 USD, doanh thu khó bảo đảm. “Hơn nữa, kịch dài bắt đầu diễn nhiều, tháng nào cũng có, khán giả kiều bào phân vân, chỉ chọn vở hay, đông nghệ sĩ mình thích để mua vé. Đây cũng là nỗi lo của nhà tổ chức” - ông Phương phân tích.
“Bà bầu” Hồng Vân từng sang Mỹ dựng vở thổ lộ: “Khi mang vở Kỹ nghệ lấy Tây sang, 2/3 là diễn viên của Kịch Phú Nhuận, còn lại là diễn viên của hải ngoại. Chỉ có 3 ngày tập nên không thể gọi là nhuần nhuyễn. Như vậy, dù muốn dù không, ban tổ chức cũng phải nghĩ đến kế hoạch đưa trọn ê-kíp sang diễn và tìm cách thu hút khán giả chọn xem kịch của sân khấu mình.
Gian nan không nản
Dù có nhiều rắc rối khâu hậu cần khi đưa những vở kịch dàn dựng ở trong nước ra biểu diễn ở nước ngoài nhưng trong tình hình các sàn diễn trong nước không khởi sắc như hiện nay, việc mở rộng thị phần này là cần thiết. Vì thế, sau IDECAF, hàng loạt dự án mang kịch sang Mỹ và các nước châu Âu được các sân khấu kịch trong nước công bố.
Để giảm bớt khó khăn, sao cho cạnh tranh nhưng theo hướng lành mạnh và bảo đảm chung sống “hòa bình” với nhau, các sân khấu kịch bắt đầu phân luồng mỗi ê-kíp một thể loại nhằm tránh giẫm chân nhau.
Nghệ sĩ Tú Trinh nói: “Kịch Sống của Túy Hồng thích dòng kịch chuyển thể từ các tác phẩm văn học của nhà văn Hồ Biểu Chánh là bởi họ có thế mạnh diễn thể loại này. Nếu mỗi ê-kíp chọn màu sắc riêng để phát triển dòng kịch dài cho mình sẽ không tạo sự cạnh tranh triệt tiêu nhau mà còn góp phần mang đến sự đa dạng để khán giả kiều bào tùy thích chọn lựa khi thưởng thức”.
Khán giả kiều bào đến xem vở Hợp đồng mãnh thú đông kín trong suất diễn tại California (ảnh do nghệ sĩ cung cấp)
Đạo diễn Vũ Minh, người dàn dựng vở Hợp đồng mãnh thú nói thêm rằng anh quan sát rất kỹ diễn biến 4 suất diễn tại miền Nam và Bắc California - Mỹ. Hoàn toàn không có một cuộc biểu tình chống đối nào như lo ngại ban đầu. Kiều bào đón chào nồng nhiệt.
“Chúng tôi may mắn gặp đối tác rất có tâm. Dù họ lần đầu tiên tổ chức sô diễn kịch nhưng đã làm việc hết sức chu đáo. Đi lưu diễn ở Mỹ không đơn giản nhưng gặp bầu sô có tâm mọi việc đều ổn, không rắc rối. Phía đối tác mời thêm một vài vở diễn dự kiến diễn ra vào tháng 7, tháng 9 năm nay nhưng chúng tôi không thể sắp xếp thời gian để cộng tác, đành hẹn sang năm 2016”- đạo diễn Vũ Minh cho biết.
Đạo diễn Hạnh Thúy nhấn mạnh đến yếu tố hợp đồng giữa sân khấu kịch và bầu sô phải rõ ràng để đôi bên ràng buộc trách nhiệm lẫn nhau và cùng thực hiện tốt chuyến lưu diễn.
Một yếu tố nữa góp phần tạo thế mạnh để các sân khấu đưa ê-kíp xuất ngoại diễn kịch là vấn đề thù lao. Thời điểm các nghệ sĩ ra nước ngoài một mình, một số người bị bầu sô “xù” thù lao nên họ e ngại, đắn đo khi nhận được lời mời sang diễn cho kiều bào.
Tuy nhiên, nếu đi cùng một ê-kíp, nỗi sợ quỵt tiền giảm đi. Nghệ sĩ Hồng Nga chia sẻ: “Tôi cũng từng là nạn nhân bị bầu sô giật tiền khi xuất ngoại. Nhưng nay, diễn kịch dài có hợp đồng và ê-kíp từ Việt Nam sang, tôi nghĩ không gặp cảnh… nợ khó đòi như trước đây”. Bà hé lộ thêm dự án đưa vở kịch Mẹ yêu của mình do NSƯT Đoàn Bá dàn dựng sang Mỹ lưu diễn với đúng ê-kíp như diễn trong nước trong thời gian tới.
Cần chiến lược lâu dài
Theo NSND - đạo diễn Trần Ngọc Giàu, thị phần kịch tại Mỹ mở rộng một phần vì các kênh truyền hình của cộng đồng người Việt đang tập trung phát sóng phim truyền hình Việt Nam.
Kiều bào xem và yêu thích diễn viên chính nên muốn nhìn mặt họ ngoài đời thông qua các vở kịch để giao lưu, thỏa niềm yêu thích. “Theo tôi, ban đầu kịch dài có sự thu hút nhưng dần dà sẽ gây nhàm chán nếu không có chiến lược chọn lựa vở diễn và nguồn diễn viên” - NSND - đạo diễn Trần Ngọc Giàu nhận định.
(Theo Người lao động)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.