Ông James O'Brien, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề châu Âu và Á-Âu trong cuộc điều trần tại Quốc hội Mỹ hôm 2/7 nhấn mạnh nếu Nga cố gắng mở rộng mặt trận hiện tại, Mỹ có thể sẽ cho phép Ukraine tấn công ở khoảng cách xa hơn.
Theo ông O'Brien, hiện tại Nga đang mất khả năng tiến quân do Ukraine gần đây tiến hành một loạt các cuộc tấn công bằng vũ khí phương Tây để phá hủy tài sản quân sự của Nga gần biên giới.
Tuy nhiên, ông O'Brien nói thêm rằng, hiện ưu tiên của Mỹ là cung cấp vũ khí cho Ukraine và cho phép Ukraine sử dụng chúng "vào những khu vực có nhu cầu cấp thiết nhất".
"Đầu tiên, đó là khu vực mà Nga đang tiến hành cuộc tấn công vào Kharkov. Nhưng nếu Nga cố gắng mở rộng mặt trận này, Ukraine cũng sẽ được phép tiếp cận mục tiêu ở khoảng cách xa hơn", ông O'Brien nhấn mạnh trong phiên điều trần.
Trước đó, đầu tháng 6, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố, Washington cho phép Ukraine sử dụng vũ khí do Mỹ viện trợ để tấn công các mục tiêu quân sự bên trong lãnh thổ Nga, giáp biên giới Ukraine. Nói cách khác, Ukraine được quyền sử dụng vũ khí do Mỹ viện trợ để tấn công mục tiêu quân sự ở biên giới Nga, nơi được Moscow sử dụng để thực hiện các vụ tập kích Ukraine.
Tuy nhiên, Mỹ không cho phép Ukraine tấn công sâu hơn 300km vào Nga và không cho phép tấn công vào thủ đô Moscow cũng như Điện Kremlin.
Washington cũng được cho là giới hạn loại vũ khí mà Kiev có thể sử dụng. Kiev được cho là có thể sử dụng pháo phản lực cơ động cao (HIMARS) nhưng Washington vẫn cấm Kiev dùng Hệ thống tên lửa chiến thuật quân đội (ATACMS) có tầm bắn lên đến 300km để tấn công vào lãnh thổ Nga.
Trong một diễn biến liên quan, Lầu Năm Góc ngày 2/7 tuyên bố Mỹ sẽ sớm công bố gói viện trợ quân sự mới 2,3 tỷ USD cho Ukraine, bao gồm vũ khí chống tăng và hệ thống phòng không để giúp nước này chống lại các bước tiến của Nga.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã tuyên bố tại cuộc gặp với người đồng cấp Ukraine Rustem Umerov ở Washington hôm 2/7 rằng: "Mỹ sẽ sớm công bố hơn 2,3 tỷ USD hỗ trợ an ninh mới cho Ukraine".
Được biết, gói viện trợ mới sẽ bao gồm hệ thống phòng không, vũ khí chống tăng và các loại đạn dược quan trọng khác. Nó cũng giúp Mỹ đẩy nhanh tiến trình mua các tổ hợp NASAMS và Patriot để viện trợ cho Ukraine.
AP cho biết 150 triệu USD vũ khí, đạn dược trong gói viện trợ sẽ được cung cấp theo Quyền Điều chỉnh Nguồn lực Tổng thống (PDA), số còn lại được mua bằng ngân sách trong chương trình Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine (USAI).
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Umerov đã cảm ơn ông Austin về gói viện trợ mới, cho biết điều này sẽ giúp Ukraine ngăn chặn bước tiến của Nga.
Mỹ là nước hỗ trợ quân sự chính cho Ukraine và đã cam kết cung cấp hơn 51 tỷ USD về vũ khí, đạn dược và các hỗ trợ an ninh khác cho Kiev kể từ khi xung đột tại nước này bùng phát tháng 2/2022.
Cuộc gặp giữa ông Austin và ông Rumerov diễn ra trước thềm hội nghị thượng đỉnh kỷ niệm 75 năm thành lập NATO tổ chức tại Washington vào tuần tới.
Ông Austin cho biết các bên sẽ "thực hiện các bước để xây cầu nối cho tiến trình gia nhập NATO của Ukraine", đồng thời lưu ý rằng Washington và Kiev vừa ký thỏa thuận an ninh 10 năm.
"Tôi mong muốn được thảo luận thêm về các cách để đáp ứng nhu cầu an ninh tức thì của Ukraine, cũng như xây dựng lực lượng trong tương lai để ngăn chặn hành động gây hấn khác của Nga", ông chủ Lầu Năm Góc nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.