Gạt ra các vấn đề ngoài chuyên môn thì cái đáng xem nhất của Olympic là cuộc đua toàn đoàn: Hơn 10.000 VĐV của 204 đoàn sẽ tranh 302 bộ huy chương. Tại Olympic Bắc Kinh 2008, chủ nhà Trung Quốc đã giành ngôi nhất toàn đoàn với 51 HCV bỏ xa đoàn xếp thứ 2 là Mỹ (36 HCV).
Tuy nhiên, Trung Quốc khó duy trì được thành tích này tại London khi họ phải thi đấu xa nhà và không còn nhận được sự ủng hộ của khán giả cũng như trọng tài.
|
Michael Phelps sẽ giúp đoàn Thể thao Mỹ khẳng định vị thế tại Olympic 2012? |
Tại Olympic 2012, Trung Quốc chỉ cử 380 VĐV dự Thế vận hội và con số này giảm gần một nửa so với Olympic tại Bắc Kinh. Nếu so sánh với đoàn Mỹ thì Trung Quốc kém xa về số lượng VĐV vì nước Mỹ cử đến 530 VĐV tranh tài. Chủ nhà Anh là nước có đông VĐV nhất với 542 tuyển thủ, nhưng nếu so sánh trình độ thì Anh không thể bằng Mỹ.
Tại Olympic 2008, Anh xếp thứ 4 toàn đoàn với 19 HCV và nếu lên được tốp 3 trên sân nhà năm nay thì cũng là thành công.
Một cường quốc khác cũng nhắm lật ngôi của Trung Quốc là Nga. Tại 2 kỳ Olympic gần đây, Nga không còn giữ được vị trí thứ 2 như ở Olympic 1996 hay Olympic 2000 trước sự lớn mạnh của Trung Quốc. Nhưng nhờ sự khởi sắc của kinh tế Nga những năm gần đây, nền thể thao nước này cũng được đầu tư lớn và có những bước phát triển vượt bậc. Họ là đoàn có lượng VĐV đông thứ 3 với 436 người và Nga đang hy vọng sẽ có mặt ở vị trí thứ 2 toàn đoàn.
Nếu xét về phương diện cá nhân, nhân vật được chú ý nhất là Michael Phelps. VĐV bơi lội của Mỹ đang dẫn đầu trong lịch sử Olympic về số HCV đoạt được (14 chiếc). Nhưng nếu tính tổng số huy chương thì anh mới chỉ đoạt 16, kém VĐV thể dục dụng cụ Liên Xô Larisa Latynina - người có 18 huy chương các loại (9 HCV). Phelps tuyên bố đây là kỳ Olympic cuối cùng của mình và dĩ nhiên, anh muốn vượt qua tiền bối Latynina.
Hồ Khuê
Vui lòng nhập nội dung bình luận.