Viện dẫn các thành tựu phát triển máy bay tàng hình của Nga và Trung Quốc, nghị sĩ đảng Cộng hòa bang Virginia, ông Randy Forbes, và cựu Bộ trưởng Không quân Mỹ Michael Wynne có bài viết đăng trên Nhật báo phố Wall (WSJ), nhận định rằng phi đội máy bay tàng hình F-22 hiện không đủ sức để đối phó với một môi trường toàn cầu đầy thách thức và biển đổi nhanh chóng.
F-22 gần đây hoạt động trong các sứ mệnh chiến đấu tại Iraq và Syria hiệu quả đã khiến các nhà phân tích và quan sát nhấn mạnh tới tầm quan trọng của loại chiến đấu cơ này.
Trong bài phân tích nói trên, Lầu Năm Góc được khuyến nghị nối lại việc sản xuất các máy bay F-22 do liên danh nhà thầu Lockheed và Boeing sản xuất hay thay thế loại máy bay này bằng loại chiến đấu cơ mới có khả năng chiến đấu tương ứng.
Một máy bay tàng hình F-22 của Mỹ. Ảnh: National Interest
“F-22 Raptor tích hợp nhiều công nghệ tân tiến mà chưa bao giờ trang bị trên một máy bay riêng lẻ nào. Đây là thế hệ máy bay tàng hình thứ 5, với tốc độ cao và khả năng vận hành siêu việt, vượt tất cả các cuộc không chiến nào”, bài báo nhận định.
Không quân Mỹ mới đầu lên kế hoạch sản xuất hơn 700 chiến đấu cơ tàng hình F-22, tuy nhiên các cuộc chiến tranh tại Iraq và Afghanistan đòi hỏi cách tư duy mới liên quan đến việc đánh giá các thách thức toàn cầu, đã khiến Lầu Năm Góc phải thu hẹp phi đội F-22 xuống còn 187 chiếc, bài báo phân tích.
Việc thay đổi này chỉ là một phần của văn hóa Lầu Năm Góc, vốn do cựu Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates đưa ra, theo đó các nhà chế tạo vũ khí đã chịu tổn thất từ cái mà ông Gates gọi là “cuộc chiến kế cận” và vẫn chưa tập trung đủ vào các nhu cầu cấp thiết của các cuộc chiến trên bộ đang diễn ra.
“Vào thời điểm mà F-22 bắt đầu được xuất xưởng vào năm 2002, những thách thức về công nghệ cao mà F-22 thiết kế nhằm đánh bại đã không còn nóng như trước. Thay vì lo ngại các chiến đấu cơ MiG của Nga, lãnh đạo Lầu Năm Góc lại chuyển sang lo lắng các thiết bị chất nổ,” bài nói nêu rõ.
Cả nghị sĩ đảng Cộng hòa Forbes và ông Wynne chỉ ra rằng Nga và Trung Quốc đã phát triển nhanh các chiến đấu cơ mới, trong khi phi đội của Không quân Mỹ trở nên thu hẹp nhất và lạc hậu nhất từ trước đến nay.
Ông Forbes và ông Wynn viết rằng: “Nga mới cho ra lò loại máy bay tàng hình thế thứ 5 đầu tiên, chiến đấu cơ PAK-FA, vào năm 2010. Một năm sau đó, Trung Quốc cũng tiến hành bay thử chiến đấu cơ J-20, loại giống F-22, vào thời điểm mà Bộ trưởng Quốc phòng Gates lúc đó đang có chuyến thăm Bắc Kinh. Tướng Mark Welsh, Tư lệnh Không quân Mỹ, năm ngoái còn cảnh báo rằng các máy bay tương lai của Trung Quốc và Nga sẽ tốt hơn bất kỳ loại máy bay nào chúng ta có”.
Ngân sách dành cho việc tái sản xuất F-22 có thể trích từ ngân sách liên bang. Trung tướng không quân Mỹ Arnold Bunch gần đây còn phát biểu trước Quốc hội Mỹ rằng việc tái khởi động sản xuất F-22 sẽ tiêu tốn nhiều tỷ đô la Mỹ.
Về vấn đề này, ông Forbes và Wynne dẫn một báo cáo cho rằng chi phí cho việc khởi động lại việc sản xuất F-22 sẽ tốn hơn 500 triệu USD.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.