Ngày 17/12, cùng lúc, Tổng thống Barack Obama từ Washington và Chủ tịch Raul Castro từ Havana (Cu Ba) tuyên bố sẽ nối lại quan hệ ngoại giao. PGS. TS Cù Chí Lợi - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Mỹ (Viện KHXH Việt Nam) cho rằng: “Đây là bước đột phá ngoại giao quan trọng giữa Mỹ và Cu Ba sau hơn 50 Mỹ áp đặt lệnh cấm vận lên Cu Ba”.
Ông có thể phân tích vì sao Mỹ và Cu Ba nối lại quan hệ ngoại giao, sau hơn nửa thế kỷ gián đoạn?
Tôi cho rằng, các nhà lãnh đạo hai nước đã rất khó khăn để đi đến quyết định bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Với Mỹ, có thể họ đã có ý tưởng bình thường hóa từ lâu, nhưng vấp phải sự phản đối của những người bảo thủ.
PGS.TS. Cù Chí Lợi
Động lực thúc đẩy gần đây xuất phát từ việc Mỹ có thể mất uy tín nếu vẫn duy trì lệnh cấm vận – một thứ chính sách “lạc hậu” trong thời gian rất dài. Trong khi đó, các đồng minh của Mỹ đã thiết lập quan hệ buôn bán ngoại giao với Cu Ba. Quan hệ bình thường hóa với Cu Ba sẽ tạo uy tín tốt cho Mỹ trên trường quốc tế.
Với Cu Ba, sau khi bình thường hóa quan hệ, họ sẽ tiến tới quan hệ với Mỹ rộng rãi hơn. Từ đó, quan hệ kinh tế được khai thông, buôn bán mở cửa... tạo điều kiện kinh tế Cu Ba phát triển, hội nhập.
Bên cạnh đó, phải kể đến vai trò của các nhà lãnh đạo hai nước để đến quyết định trên.
Ông bình luận gì về quyết định này của Tổng thống Mỹ - ông Barack Obama?
Đây là bước đột phá ngoại giao quan trọng giữa Mỹ và Cu Ba sau hơn 50 Mỹ áp đặt lệnh cấm vận. Sự thành công ngoại giao của 2 quốc gia này phải kể đến sự dũng cảm của Tổng thống Barack Obama.
Cụ thể, sau rất nhiều đời tổng thống, ông Obama đã có quyết định mang tính đột phá trong thực hiện đường lối ngoại giao. Từ khi Tổng thống Barack Obama nhậm chức, quan hệ giữa Mỹ và Cu Ba được cải thiện rất nhiều.
Tổng thống Obama ký sắc lệnh cho phép người Mỹ gốc Cu Ba được về thăm quê hương, được chuyển tiền về; công dân Mỹ được đến Cu Ba trong các chương trình trao đổi văn hoá, giáo dục... thể hiện quan điểm thay đổi trong quan hệ Mỹ với Cu Ba của Tổng thống Obama.
Tái thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ sau 53 năm gián đoạn, nền kinh tế của Cu Ba sẽ có điều kiện phát triển như thế nào?
Như tôi đã nói, khi mở ra mối quan hệ ngoại giao sẽ kéo theo các quan hệ hợp tác về kinh tế, thương mại... Mỹ là nước lớn và ở rất gần Cu Ba. Nếu tiếp cận được thị trường Mỹ, đó là nguồn lợi rất lớn trong bối cảnh kinh tế Cu Ba đang tương đối khó khăn như hiện nay.
Quan hệ Mỹ – Cu Ba về khía cạnh nào đó gần giống với quan hệ Mỹ - Việt Nam nối lại ngoại giao (cách đây 20 năm Mỹ - Việt đã nối lại quan hệ ngoại giao). Theo ông, quan hệ Việt – Mỹ đã có những thay đổi thế nào sau khi nối lại ngoại giao?
Cách đây 20 năm, hai nước Việt – Mỹ cũng đã nối lại ngoại giao sau nhiều năm gián đoạn. Sau khi bình thường hóa, hai nước Việt – Mỹ đã có sự thay đổi mạnh mẽ về mặt quan hệ kinh tế. Trong đó, thành tựu lớn nhất của hai bên thể hiện ở kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đã phát triển vượt bậc.
Không chỉ kinh tế, hai nước Việt – Mỹ cũng có thay đổi về nhận thức và hợp tác trong vấn đề an ninh khu vực. Gần đây, Mỹ đã có quyết định cho phép xuất khẩu các loại vũ khí sát thương cho Việt Nam.
Tôi cho rằng, quan hệ Mỹ và Cu Ba sẽ mở ra tương lai tốt đẹp thời gian tới như quan hệ Mỹ – Việt thời gian qua.
Việc các nước từng như Mỹ – Việt, Mỹ – Cu Ba nối lại quan hệ ngoại giao cho thấy sự thay đổi gì trong quan hệ quốc tế?
Cu Ba, Việt Nam giờ đây đã bình thường hóa quan hệ với Mỹ. Đây sẽ là bài học tốt để giải quyết một số vấn đề còn tồn đọng trên thế giới.
Mỹ đã cho thấy họ sẵn sàng giải quyết những vấn đề còn bất đồng, tồn tọng. Đây cũng là tín hiệu tốt cho quan hệ giữa Mỹ và một số nước khác như Triều Tiên.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh quân khu 4 bình luận:
Quyết định của Tổng thống Obama đúng với mong muốn, tâm nguyện của người dân Mỹ. Chắc chắn, ông sẽ nhận được sự đồng tình lớn lao từ người dân.
Hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao cho thấy sự thất bại của chính sách cấm vận “lạc hậu” mà Mỹ áp đặt hơn 50 năm qua. Đồng thời thể hiện xu thế chung của thế giới hiện đại, không ai muốn chiến tranh, đối đầu. Thay vào đó là sự hợp tác, phát triển, các bên cùng có lợi.
Tại Họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, ngày 18/12, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Nguyên thủ Cuba và Hoa Kỳ tuyên bố sẽ nối lại quan hệ ngoại giao, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nêu rõ:
“Việt Nam hoan nghênh việc Chủ tịch Cuba Raul Castro và Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tuyên bố sẽ nối lại quan hệ ngoại giao giữa hai nước sau 53 năm gián đoạn.
Việt Nam tin tưởng rằng các tuyên bố mang tính lịch sử này là bước khởi đầu cho việc tiến tới bình thường hóa hoàn toàn quan hệ song phương, đem lại lợi ích chính đáng cho nhân dân Cuba và Hoa Kỳ, góp phần quan trọng vào việc duy trì hòa bình, ổn định và tăng cường hợp tác tại Châu Mỹ và trên thế giới.”
Vui lòng nhập nội dung bình luận.