Mỹ cử chuyên gia giám sát, hôm nay, thanh long, xoài lại chiếu xạ để lên đường sang Mỹ
Mỹ cử chuyên gia giám sát, hôm nay, thanh long, xoài lại chiếu xạ để lên đường sang Mỹ
Khánh Nguyên
Thứ ba, ngày 25/08/2020 10:19 AM (GMT+7)
Sau khi Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) tìm cách đưa nhân viên của Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Mỹ (APHIS) sang để gỡ khó cho trái xây xuất khẩu sang Mỹ, đồng thời Bộ Nông nghiệp Mỹ đặc cách cho chuyên gia sang giám sát trái cây xuất khẩu, hôm nay, những lô hàng thanh long, xoài lại chiếu xạ để lên đường sang Mỹ.
Được biết, từ tháng 3/2020, khi tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Mỹ đã yêu cầu nhân viên bản xứ phải quay về nước, trong đó có nhân viên của Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Mỹ (APHIS).
APHIS là đơn vị trực tiếp kiểm dịch, giám sát quy trình chiếu xạ Nhà máy chiếu xạ Sơn Sơn ở TP.HCM. Đây cũng là nhà máy chiếu xạ duy nhất của Việt Nam được APHIS chứng nhận.
Theo Cục Bảo vệ thực vật, Việt Nam hiện có 6 loại trái cây được phép xuất khẩu vào thị trường Mỹ, bao gồm thanh long (từ năm 2008), chôm chôm (2011), nhãn, vải (2014), vú sữa (2017) và xoài (2019).
Sau khi nhân viên của APHIS về nước, Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam được ủy quyền theo dõi việc chiếu xạ nhưng mỗi ngày chỉ làm việc 2 tiếng và do việc này cũng không phải chuyên môn của họ nên từ ngày 7/8, họ không tiếp nhận việc kiểm dịch. Kể từ đó việc chiếu xạ bị ngừng trệ và xuất khẩu trái cây sang Mỹ bị chững lại.
Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Quang Hiếu, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và truyền thông (Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã đồng ý đặc cách cử chuyên gia kiểm dịch thực vật trở lại Việt Nam làm việc.
"Tuy nhiên, do Mỹ có quy định chặt chẽ về đảm bảo an toàn cho cán bộ trong thời kỳ dịch bệnh nên đến ngày 11/8/2020 phía Mỹ mới chính thức cung cấp thông tin cán bộ kiểm dịch thực vật cho Cục Bảo vệ thực vật để làm thủ tục, đồng thời đưa ra yêu cầu điểm đến là sân bay quốc tế Nội Bài và khách sạn do Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam bố trí" - ông Hiếu cho biết.
Ông Hiếu cho biết thêm, trong thời gian chờ đợi chuyên gia Mỹ sang Việt Nam, Cục Bảo vệ thực vật vẫn nỗ lực làm việc với Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam đề nghị họ cho phép cán bộ Đại sứ quán tiếp tục thực hiện giám sát xử lý để trái cây tươi xuất khẩu sang thị trường này và đã được chấp thuận.
"Cán bộ của Lãnh sự quán Mỹ tại TP.Hồ Chí Minh sẽ bắt đầu trở lại làm việc tại cơ sở chiếu xạ kể từ tuần này, đồng nghĩa với việc trái cây sẽ xuất khẩu bình thường trở lại" - ông Hiếu nói.
Được biết, hiện nay Cục Bảo vệ thực vật đang nỗ lực tìm chỗ trên một số chuyến bay của Asiana, Korea Air, Nippon Airline và cả chuyến bay bảo hộ công dân... để nhân viên kiểm dịch của APHIS có thể sang Việt Nam.
"Chúng tôi hy vọng cuối tháng 8 nhân viên kiểm dịch của APHIS sẽ sang Việt Nam để nối lại việc xuất khẩu trái cây sang Mỹ" - ông Hiếu nhấn mạnh.
Thanh long, xoài lại lên đường sang Mỹ
Theo Tổng cục Hải quan, trong 7 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu rau quả ước đạt 2 tỷ USD, giảm 12,3% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, xuất khẩu trái cây sang thị trường Trung Quốc đạt 921,6 triệu USD, giảm 31,4% so với cùng kỳ năm 2019.
Tuy nhiên, xuất khẩu trái cây có nhiều tín hiệu khả quan khi nhiều loại chủng loại quả của Việt Nam được thúc đẩy xuất khẩu sang các thị trường có yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm như: 20 tấn thanh long ruột đỏ của tỉnh Sơn La được xuất khẩu sang Nhật Bản trong ngày 10/7/2020.
Lần đầu tiên 30 tấn nhãn của tỉnh Sơn La được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc vào cuối tháng 7/2020; 7 tấn sầu riêng đông lạnh của Việt Nam xuất khẩu vào bang New South Wales của Úc vào ngày 23/7/2020.
Ngày 23/7/2020, 10 tấn thanh long ruột đỏ đã được xuất khẩu sang thị trường Nga.
Ngay sau khi Đại sứ quán Mỹ cử cán bộ sang làm việc tại cơ sở chiếu xạ, việc xuất khẩu trái cây sang Mỹ đã được nối lại. Được biết, ngày 25/8, T&T Group đưa 5 tấn thanh long và 1 tấn xoài đi chiếu xạ để chuẩn bị cho 6 container xuất khẩu bằng đường hàng không.
Ngày 28/8, sẽ chuẩn bị đưa hàng đi kiểm dịch và chiếu xạ 36 tấn nhãn, 12 tấn xoài và 8 tấn thanh long cho đợt hàng vận chuyển bằng đường biển.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.