Mỹ điều tàu sân bay vào điểm nóng Hormuz

Thứ sáu, ngày 30/12/2011 07:08 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Căng thẳng trên eo biển Hormuz đang gia tăng sau khi ngày 29.12, trinh sát Iran phát hiện tàu sân bay USS John C. Stennis của Mỹ đã xâm nhập vào khu vực Hải quân Iran tập trận.
Bình luận 0

Ngăn dòng dầu thế giới

Hãng Thông tấn IRNA dẫn lời Thiếu tướng Hải quân Mahmoud Mousavi cho biết: "Máy bay trinh sát của Hải quân Iran đã phát hiện một tàu sân bay Mỹ bên trong khu vực Iran đang tiến hành tập trận". Máy bay Iran đã ghi hình và chụp ảnh chiếc tàu nói trên.

img
Tàu sân bay của Mỹ USS John C. Stennis đã xâm nhập eo biển Hormuz.

USS John C. Stennis là một trong các chiến hạm lớn nhất của Hải quân Mỹ. Ngày 28.12, giới chức Mỹ thông báo tàu USS John C. Stennis và một nhóm tàu chiến hộ tống đã di chuyển qua eo biển Hormuz, cửa ngõ hẹp tiến vào vùng Vịnh và là tuyến vận tải dầu mỏ quan trọng bậc nhất thế giới.

Cùng ngày, Phó Tổng thống Iran Mohammad Reza Rahimi tuyên bố Iran sẽ phong tỏa hoạt động vận chuyển dầu mỏ qua eo biển Hormuz một khi phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với ngành xuất khẩu dầu mỏ nước này. Hơn 1/3 lượng dầu thô thương mại vận chuyển bằng đường biển của thế giới hiện phải đi qua eo biển Hormuz.

Ông Rahimi đưa ra đe dọa trên trong lúc Iran đang tiến hành các cuộc tập trận hải quân gần eo biển Hormuz, cửa ngõ tiến vào vùng Vịnh nhiều dầu lửa.

Hãng Thông tấn IRNA dẫn lời ông Rahimi nói: "Nếu các biện pháp trừng phạt ngành dầu mỏ Iran được thông qua, sẽ không có một giọt dầu nào được vận chuyển qua eo biển Hormuz. Chúng ta không mong muốn thù địch hay bạo lực, song phương Tây không muốn từ bỏ kế hoạch áp đặt các biện pháp trừng phạt. Kẻ thù sẽ chỉ từ bỏ các âm mưu của chúng khi bị chúng ta đẩy lùi".

Tuyên bố nhấn mạnh sự sẵn sàng của Iran trong việc phong tỏa eo biển nhỏ hẹp chạy dọc theo bờ biển thuộc vùng Vịnh của nước này nếu Tehran bị các nước phương Tây tấn công hoặc siết chặt trừng phạt kinh tế. Eo biển Hormuz là con đường thông thương khoảng 40% lượng dầu của thế giới. Do đó, việc đóng cửa eo biển này sẽ gây ra tác động to lớn đến nền kinh tế toàn cầu. Ngày 28.12, Hạm đội 5 của Mỹ tuyên bố rằng: "Sẽ không nhân nhượng đối với bất kể hoạt động gây cản trở nào của Iran".

“Dễ như uống nước!”

Tư lệnh Hải quân Iran Reza Rahimi khoe rằng việc phong tỏa hoạt động vận chuyển dầu mỏ qua eo biển Hormuz sẽ "dễ hơn uống nước". Tuy nhiên, các nhà phân tích của Mỹ lại nói rằng việc này không dễ như Iran tưởng. Lý do chủ yếu là Hải quân Iran không có đủ quân số để duy trì việc phong tỏa liên tục eo biển này.

Tuy nhiên, Iran lại có thể sử dụng tên lửa và đặt thủy lôi để tàn phá tàu thuyền qua eo biển. Hạm đội 5 của Mỹ đặt tại Baranh nằm gần đó sẽ theo dõi sát sao các hoạt động của Iran trên eo biển này. Việc sử dụng tên lửa hay thủy lôi sẽ bị phát hiện và chắc chắn Mỹ sẽ phản ứng.

Iran có 23 tàu ngầm, hơn 100 tàu tuần tra và chiến đấu ven biển. Việc vận chuyển dầu vẫn có thể thực hiện được qua eo biển này mà không vấp phải sự phong tỏa của Iran bằng cách sử dụng các tàu nhỏ, có khả năng di chuyển sát bờ biển của Oman. Tuy nhiên, các hoạt động phong tỏa của Iran có thể khiến giá vận chuyển dầu mỏ và bảo hiểm tăng lên.

Các nhà phân tích đều nhận định rằng Iran sẽ không thể phong tỏa eo biển Hormuz bởi các tàu của Iran chủ yếu là loại tàu nhỏ và không có khả năng trụ lại nhiều ngày ở những vùng biển mở trong một đội hình cần sự phối hợp. Iran sẽ không thể lặp lại hành động phong tỏa như các tàu hải quân lớn của Mỹ từng làm.

Các nhà phân tích cho rằng Iran vẫn có thể quấy rối các tàu chở dầu và tàu chiến của phương Tây bằng cách sử dụng tên lửa, đặt thủy lôi và có khả năng là cả các vụ tấn công liều chết bằng những thuyền nhỏ. Tuy nhiên, các nhà phân tích đều khẳng định rằng Iran sẽ không thể dễ dàng làm chìm các tàu chở dầu lớn và kiên cố hơn cả tàu chiến.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem