Mỹ kêu gọi Trung Quốc ngừng xây đảo trên Biển Đông

Đức Hoàng (tổng hợp) Thứ bảy, ngày 13/06/2015 06:55 AM (GMT+7)
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter ngày 11.6 đã kêu gọi Bắc Kinh ngừng việc xây dựng các hòn đảo nhân tạo tại các vùng biển tranh chấp ở Biển Đông khi ông tiếp Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Phạm Trường Long.
Bình luận 0

Ngăn Trung Quốc lập ADIZ trên Biển Đông

Lầu Năm Góc cho biết: “Ông Carter đã nhắc lại những quan ngại của Mỹ về Biển Đông và kêu gọi Trung Quốc cùng tất cả các bên có tuyên bố chủ quyền ở khu vực ngừng hoạt động bồi đắp, không tiếp tục quân sự hóa và theo đuổi giải pháp hòa bình với các tranh chấp lãnh thổ theo luật pháp quốc tế”. Ông Carter đã cáo buộc Bắc Kinh có hành xử không phù hợp các quy tắc quốc tế ở Biển Đông.

img
Trung Quốc đang xây dựng đảo nhân tạo bất hợp pháp ở quần đảo Trường Sa. Ảnh: Reuters

Reuters dẫn thông cáo của Lầu Năm Góc cho biết, ông Phạm Trường Long nói với Bộ trưởng Carter rằng, công trình xây dựng của Trung Quốc trên Biển Đông chủ yếu để cải thiện điều kiện sống và để “bảo vệ tốt hơn chủ quyền” của mình. Ông Phạm Trường Long còn ra vẻ thúc giục Mỹ để “ngăn chặn các hoạt động quân sự tại Biển Đông”. Tướng Long còn “lái” vấn đề để Mỹ bớt tập trung vào tình hình ở Biển Đông khi cho rằng: “Vấn đề Biển Đông chỉ là một mắt xích trong quan hệ Trung- Mỹ và cả hai bên cần nhìn xa hơn về phía trước và chú ý đến các vấn đề khác quốc tế và khu vực quan trọng hơn và lớn hơn”.

Liên quan đến vấn đề Biển Đông, ngày 11.6, Ngoại trưởng Australia Julie Bishop không ngần ngại nhắc lại lập trường của Canberra phản đối Bắc Kinh tuyên bố lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông.

Phát biểu tại Viện Nghiên cứu Lowy (Sydney), bà Bishop cho biết Australia rất quan ngại trước nguy cơ về bất kỳ hành động đơn phương nào trong khu vực đều “có thể gây căng thẳng, dẫn đến những tính toán sai lầm để cuối cùng kết thúc bằng xung đột”. Ngoại trưởng Australia đã đề cập đến tình hình Biển Đông, nơi căng thẳng bắt nguồn từ tranh chấp chủ quyền đã gia tăng trong những năm gần đây giữa Trung Quốc với các nước láng giềng xung quanh Biển Đông, đặc biệt là với Philippines và Việt Nam.

Theo bà Bishop, Australia sẽ phản đối nếu ADIZ được đơn phương tuyên bố tại Biển Đông. Năm 2013, Trung Quốc từng làm việc tương tự trên biển Hoa Đông, và quyết định đó đã bị nhiều nước lên án, trong đó có Australia, Mỹ, Nhật Bản và một số nước Đông Nam Á. Ngoại trưởng Australia còn kêu gọi tất cả các quốc gia có lợi ích trong việc duy trì quyền tự do hàng hải và hàng không trên vùng Biển Đông nên xác định rõ lập trường đối với Bắc Kinh. Bà Bishop khẳng định rằng Australia hoàn toàn đúng đắn trong việc nêu bật quan ngại về ADIZ trên Biển Đông, và Canberra sẽ tiếp tục lên tiếng cho dù nước này có thể chịu ảnh hưởng về phương diện kinh tế.

Dọa đâm tàu Nhật Bản

Hiện Bắc Kinh đưa ra yêu sách hầu như toàn bộ Biển Đông, kể cả nhưng nơi rất xa bờ biển Trung Quốc, và đang rầm rộ bồi đắp những bãi đá mà họ kiểm soát tại Trường Sa thành những hòn đảo nhân tạo, trong đó có những cơ sở bị tình nghi là sẽ được dùng vào mục đích quân sự. Bắc Kinh cũng không loại trừ khả năng tuyên bố một ADIZ tại Biển Đông.

Trước những động thái phi lý nói trên, cộng đồng quốc tế đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích và yêu cầu Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế. Thời gian gần đây, Mỹ đã có những động thái cứng rắn hơn như điều tàu, máy bay tuần tra. Đồng minh của Mỹ là Nhật Bản cũng đã tuyên bố sẽ xem xét can thiệp vào tranh chấp trên Biển Đông bởi Tokyo coi Biển Đông là vấn đề tối quan trọng với lợi ích quốc gia của Nhật. Nhiều khả năng Nhật sẽ hỗ trợ hậu cần cho hải quân Mỹ trên Biển Đông.

Phản ứng trước những chỉ trích này, Trung Quốc ra sức ngụy biện cho hành động cải tạo đảo trên Biển Đông và cho rằng, Biển Đông không phải là vấn đề của các nước.

Trong diễn biến mới nhất, ngày 12.6, Đô đốc Hải quân Trung Quốc Li Jie đã hung hăng tuyên bố “Nhật Bản cần suy nghĩ kỹ” trước khi đưa tàu và máy bay tới Biển Đông vì Trung Quốc “không chỉ phản đối qua các kênh ngoại giao mà còn có quyền hợp pháp đâm tàu nước ngoài xâm nhập lãnh thổ quốc gia”. Trên tờ Thời Báo Hoàn Cầu, Đô đốc Trung Quốc Li Jie cho rằng Nhật có thể triển khai tàu chiến và máy bay tới Biển Đông. Máy bay tuần tra chống tàu ngầm P-3C, máy bay cảnh báo sớm E-2C và E-767 của Lực lượng Phòng vệ Nhật (SDF) có thể bay trực tiếp từ Nhật tới Biển Đông.

Trước đó, cũng chính tờ báo này đã đưa ra phát ngôn đe dọa rằng Trung Quốc sẽ bắn máy bay Úc nếu bay vào vùng biển gần nơi Bắc Kinh đang xây các đảo nhân tạo trái phép.

 Tờ nhật báo “The Australian” mới đây cũng đưa tin, Canberra đang xem xét việc điều một máy bay trinh sát hàng hải P-3 bay vào bên trong vùng 12 hải lý quanh một hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang xây dựng ở Trường Sa của Việt Nam. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem