Nhấn mạnh vào Trung Quốc
Tờ "Đại Công báo" của Hongkong ngày 18.7 dẫn dự thảo tuyên bố của Chủ tịch ARF mà tờ báo này có được cho biết, tuyên bố của Chủ tịch ARF sẽ đặc biệt nhấn mạnh tới Trung Quốc, cho rằng Trung Quốc và các nước thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cần phải bảo đảm môi trường hòa bình, hữu hảo và hài hòa vì hòa bình, ổn định, phát triển kinh tế và phồn vinh trong khu vực.
|
Cảnh sát Indonesia tuần tra bên ngoài địa điểm diễn ra Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN. |
Tuyên bố của Chủ tịch ARF cũng nhấn mạnh tới tính cấp bách của việc đề ra các nguyên tắc thực thi Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), đồng thời kêu gọi hai bên (Trung Quốc và ASEAN) bắt đầu đề ra các quy tắc ứng xử có tính ràng buộc hơn. Ngoài ra, tuyên bố còn kêu gọi các bên tăng cường tuân thủ khuôn khổ DOC về vấn đề Biển Đông, xây dựng sự tin tưởng lẫn nhau, nhấn mạnh tới vai trò quan trọng của ARF trong việc duy trì ổn định khu vực.
Biển Đông cũng là chủ đề được nhiều nước đối tác quan tâm tại ARF lần này. Mặc dù không có liên quan trực tiếp đến vấn đề Biển Đông nhưng do Biển Đông là huyết mạch quan trọng sống còn của Nhật Bản, nên Tokyo cũng muốn đề cập đến vấn đề này tại ARF. Nhật Bản bày tỏ hy vọng rằng, Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á sẽ xoa dịu được căng thẳng liên quan đến các cuộc tranh chấp trên Biển Đông bằng cách nhất trí với nhau về một bộ quy tắc ứng xử.
Nối lại đàm phán với 5 cường quốc hạt nhân
Chuẩn bị cho Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 44 (AMM-44), ARF-18 và các hội nghị liên quan sẽ diễn ra vào ngày 19.7, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế ở Bali (Indonesia), các quan chức cấp cao 10 nước ASEAN sáng 18.7 đã bắt đầu họp thảo luận hàng loạt nội dung quan trọng liên quan đến an ninh và phát triển của Hiệp hội.
Sau quá trình thảo luận về Biển Đông, các quan chức cấp cao đã thống nhất được nội dung hướng dẫn thực thi Tuyên bố của các bên về Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông để trao đổi với phía Trung Quốc.
Tối 17.7, các quan chức cấp cao ASEAN cho biết khối này sẽ nối lại các cuộc đàm phán trực tiếp với 5 cường quốc hạt nhân, gồm Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga và Mỹ vào đầu tháng 8.2011 tới tại Geneva (Thụy Sĩ), sau khi tiến trình này bị gián đoạn gần một thập niên.
Cũng trong ngày 18.7, các quan chức cấp cao cũng lần lượt trao đổi ý kiến, đề xuất về việc thành lập Viện hòa bình và hòa giải ASEAN, kết nối ASEAN, tiến độ triển khai kế hoạch xây dựng Cộng đồng ASEAN trong năm 2011, xem xét diễn biến quan hệ ASEAN với các đối tác, dự thảo Tuyên bố của các nhà lãnh đạo ASEAN về Cộng đồng ASEAN trong Cộng đồng toàn cầu của các quốc gia và quan hệ đối tác toàn diện ASEAN - Liên minh châu Âu (EU).
Gia Khánh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.