Mỹ sẽ dùng UNCLOS để “đấu” với Trung Quốc

Duy Anh (tổng hợp) Thứ sáu, ngày 03/06/2016 09:23 AM (GMT+7)
Ngày 2.6, Tổng thống Mỹ Obama đã hối thúc Quốc hội nước này phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về luật biển (UNCLOS), với hy vọng gia tăng sức mạnh trong cuộc tranh cãi với Trung Quốc liên quan đến những tranh chấp trên Biển Đông.
Bình luận 0

Phát biểu tại Học viện Không quân Mỹ tại bang Colorado, Tổng thống Obama nói rằng Quốc hội nên phê chuẩn UNCLOS, vốn được đưa ra để giải quyết hòa bình các tranh chấp về biển. Tổng thống Obama nêu rõ: "Nếu chúng ta thực sự lo ngại về những hành động của Trung Quốc, ví dụ như tại Biển Đông, Thượng viện nên giúp củng cố lập luận của chúng tôi bằng cách phê chuẩn UNCLOS".

Công ước về Luật biển của Liên Hợp Quốc (UNCLOS) ra đời từ năm 1982 và có hiệu lực từ năm 1994, được hơn 160 quốc gia phê chuẩn. Tuy nhiên, Thượng viện Mỹ phản đối nước này ký Công ước vì lo ngại làm ảnh hưởng đến chủ quyền của Mỹ và cản trở hoạt động của Hải quân Mỹ trên các vùng biển thế giới.

Tổng thống Mỹ cho rằng, việc Quốc hội Mỹ không phê chuẩn UNCLOS đã làm suy yếu lập luận của Mỹ rằng những tranh chấp này phải được giải quyết một cách hòa bình. Lời kêu gọi của ông Obama được đưa ra trong bối cảnh Tòa trọng tài thường trực (PCA) tại La Hay chuẩn bị đưa ra phán quyết về vụ tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc liên quan đến chủ quyền tại Biển Đông.

img

Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Báo The Interpreter của Viện nghiên cứu chính sách quốc tế Lowy ở Australia phân tích, hiện đang có dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh  chuẩn bị để bác bỏ phán quyết (được cho là bất lợi đối với Trung Quốc) mà PCA sẽ đưa ra liên quan đến vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh hải ở Biển Đông. Philippines cho rằng Trung Quốc đang hành động bất hợp pháp trong việc khai thác các nguồn tài nguyên trong khu vực, vượt ra ngoài những giới hạn của UNCLOS 1982 nhưng vẫn dùng vũ lực ngăn cản các quốc gia lân cận (như Philippines) khai thác các nguồn tài nguyên trong cùng khu vực. Nếu PCA yêu cầu Trung Quốc phải từ bỏ tuyên bố về “Đường 9 đoạn” và Bắc Kinh bác bỏ phán quyết này, thì cộng đồng quốc tế sẽ có những lựa chọn nào? 

Theo The Interpreter, PCA là một tòa án có quyền lực ít hơn Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ). PCA không có quy định nào như Điều 94 trong Hiến chương Liên hợp quốc với nội dung: “Nếu bất kỳ bên nào trong một vụ kiện không tuân thủ nghĩa vụ của mình theo một phán quyết của tòa án thì bên kia có thể nhờ đến Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, nơi có thể, nếu xét thấy cần thiết, đưa ra kiến nghị hoặc quyết định về các biện pháp thực hiện để thi hành bản án”. Tuy nhiên, phớt lờ một phán quyết của PCA đồng nghĩa là phớt lờ luật pháp quốc tế và như vậy, các thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) có thể tổ chức một cuộc thảo luận và ra nghị quyết với diễn giải rằng: việc phớt lờ phán quyết của PCA làm suy yếu UNCLOS cũng như nỗ lực ngoại giao kéo dài hàng thập kỷ để đàm phán thành công văn bản này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem