PV (Theo Newsweek)
Thứ tư, ngày 16/10/2024 22:04 PM (GMT+7)
Lầu Năm Góc cho biết họ sẽ không triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo tương tự để bảo vệ Ukraine như sẽ triển khai cho Israel, vì Mỹ đang phải đối mặt với vấn đề ngày càng lớn về cách cung cấp vũ khí cho hai cuộc chiến đang leo thang.
Một hệ thống tên lửa phòng thủ chống tên lửa THAAD của Mỹ. Ảnh Getty
Washington là nhà tài trợ viện trợ quân sự lớn nhất thế giới cho Kiev kể từ khi cuộc chiến ở Ukraine bắt đầu từ tháng 2/2022, nhưng nước này phải đối mặt với cái giá ngày càng đắt hơn khi cũng giúp đỡ Israel ở Trung Đông.
Israel được cho là đang phải đối mặt với tình trạng thiếu tên lửa đánh chặn và Lầu Năm Góc cho biết hôm thứ Hai rằng họ sẽ triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) để tăng cường khả năng phòng không chống lại Iran, quốc gia đã tiến hành một cuộc tấn công bằng tên lửa vào nước này vào ngày 1/10.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc Sabrina Singh ngày 15/10 cho biết lý do khiến Mỹ không triển khai hệ thống THAAD tới các nước láng giềng EU của Ukraine, chẳng hạn như Romania, để bảo vệ khỏi các cuộc tấn công của Nga là vì "năng lực khác nhau, cuộc chiến khác nhau, khu vực khác nhau".
Điều này đặt ra câu hỏi liệu việc Washington giúp thu hẹp khoảng cách trong lá chắn bảo vệ của Israel chống lại Tehran và các lực lượng ủy nhiệm của nước này có phải trả giá bằng sự ủng hộ của họ dành cho Ukraine hay không.
Cựu Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng phụ trách Trung Đông, Dana Stroul, cho biết Washington "không thể tiếp tục cung cấp cho Ukraine và Israel với cùng tốc độ. Chúng ta đang đạt đến điểm tới hạn", tờ Financial Times đưa tin.
Ông William D. Hartung, nghiên cứu viên cấp cao tại Viện Quincy về Chính sách Nhà nước Có trách nhiệm, cho biết: "Khi chiến tranh ở Trung Đông leo thang và vẫn còn áp lực phải hỗ trợ vũ khí cho Ukraine, trong khi Lầu Năm Góc cùng các đồng minh đang thúc đẩy ngân sách quân sự lên tới 1 nghìn tỷ đô la một năm hoặc hơn để đối phó với mối đe dọa từ Trung Quốc, họ có thể sẽ phải phá sản".
Ông nói với tờ Newsweek rằng: "Lãi suất nợ đang trên đà tăng cao hơn ngân sách của Lầu Năm Góc vào cuối thập kỷ này và chúng ta còn rất nhiều nhu cầu không thể đoán trước sắp tới - cứu trợ thiên tai chỉ là nhu cầu rõ ràng nhất".
Viện trợ của Mỹ cho Ukraine so với Israel
Theo dự án Chi phí chiến tranh của Viện Watson về các vấn đề công cộng quốc tế thuộc Đại học Brown tại Rhode Island, trong năm sau cuộc tấn công của Hamas vào miền nam Israel vào ngày 7/10/ 2023, chi tiêu của Washington cho các hoạt động quân sự của Israel và Mỹ liên quan trong khu vực đã lên tới 22,6 tỷ đô la.
Đây là ước tính thận trọng bao gồm 17,9 tỷ đô la mà chính phủ Mỹ đã phê duyệt để hỗ trợ an ninh cho các hoạt động quân sự của Israel ở Gaza và những nơi khác kể từ ngày 7/10, một con số được đánh già là cao hơn đáng kể so với bất kỳ năm nào khác kể từ khi Mỹ bắt đầu viện trợ quân sự cho Israel vào năm 1959.
Hải quân Mỹ đã mở rộng các hoạt động phòng thủ và tấn công chống lại phiến quân Houthi ở Yemen, những hành động thù địch của họ một phần liên quan đến cuộc chiến của Israel ở Gaza. Hoạt động này cũng khiến ngành thương mại hàng hải thiệt hại thêm 2,1 tỷ đô la do phải chuyển hướng tàu thuyền và phí bảo hiểm cao hơn.
Trong khi đó, , Hội đồng Quan hệ Đối ngoại cho biết, kể từ khi chiến tranh nổ ra vào tháng 2/2022, Quốc hội đã thông qua năm dự luật trị giá khoảng 175 tỷ đô la cho ngân sách và hỗ trợ nhân đạo cũng như vũ khí cho Kiev.
Trong hơn hai năm rưỡi chiến tranh, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nới lỏng các hạn chế về vũ khí mà ban đầu họ lo ngại sẽ làm leo thang xung đột, hiện cung cấp Hệ thống tên lửa chiến thuật quân đội ATACMS (Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao) tầm xa HIMAR (Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao) và bật đèn xanh cho các quốc gia khác cung cấp máy bay F-16.
Ứng cử viên Phó Tổng thống đảng Dân chủ Kamala Harris đã ám chỉ rằng sự hỗ trợ quân sự của Mỹ cho Kiev sẽ được duy trì nếu bà giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11, trong khi đối thủ đảng Cộng hòa của bà là ông Donald Trump đã bày tỏ nghi ngờ về việc liệu khoản viện trợ này có tiếp tục hay không.
"Nước Mỹ có nguồn lực. Vấn đề không phải là nguồn lực có sẵn hay không, mà là ý chí triển khai chúng, vốn đang cạn kiệt", Michael A. Witt, giáo sư kinh doanh và chiến lược quốc tế tại Trường Kinh doanh King's, London, cho biết.
"Tôi linh cảm rằng cuối cùng, Mỹ sẽ giải quyết vấn đề này bằng cách dựa vào Châu Âu để chi trả nhiều hơn cho Ukraine. Khi đó, ngụ ý sẽ là hoặc là Châu Âu sẽ vào cuộc hoặc là Nga sẽ giành được chiến thắng lớn", ông nói với Newsweek.
Động thái tiếp theo của Israel
Hệ thống THAAD mà Mỹ cung cấp cho Israel được thiết kế để bắn hạ tên lửa đạn đạo và được lắp đặt cùng với hệ thống Arrow.
Bất chấp nhiều tuần bị ném bom, Hezbollah có trụ sở tại Lebanon đã chứng minh rằng họ vẫn có thể tấn công ít nhất 40 dặm vào Israel. Ngày 13/10, một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của các chiến binh được Tehran hậu thuẫn đã giết chết bốn binh sĩ Israel.
Tuy nhiên, khi chính phủ của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu lên kế hoạch tấn công trả đũa cuộc tấn công của Iran mà Tehran cho là để trả thù cho vụ giết hại các nhà lãnh đạo Hamas và Hezbollah, có những lo ngại rằng có thể cần thêm sự tham gia của Mỹ ngoài THAAD, cũng như quân đội Mỹ được cử đến để vận hành hệ thống này.
Matthew Hoh, phó giám đốc Mạng lưới truyền thông Eisenhower, cho biết: "Người Israel biết rằng nếu Iran đáp trả một cuộc tấn công của Israel, Iran sẽ phải cân nhắc xem có nên tấn công các hệ thống radar và tên lửa THAAD quan trọng hay không để có biện pháp đáp trả hiệu quả".
"Thế tiến thoái lưỡng nan đối với người Iran sẽ là liệu có nên thực hiện một cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo có thể không hiệu quả do sự hiện diện của hệ thống THAAD này hay nhắm vào hệ thống THAAD và có nguy cơ gây ra các cuộc tấn công của Mỹ vào Iran. Quân đội Mỹ ở Israel đã tạo ra một cái bẫy", ông nói với Newsweek.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.