Mỹ tính bắn diệt 2.000 con hươu phá hoại để cứu lấy hòn đảo
Mỹ tính bắn diệt 2.000 con hươu phá hoại để cứu lấy hòn đảo
Thứ năm, ngày 07/12/2023 09:45 AM (GMT+7)
Lo ngại đàn hươu có tác động xấu tới hệ thực vật bản địa, chính quyền đảo Santa Catalina ở Mỹ đã lên kế hoạch tiêu diệt khoảng 2.000 con hươu vì kế hoạch di dời chúng đi nơi khác không khả thi.
Đảo Santa Catalina được ví như viên ngọc quý của quần đảo Channel, một quần đảo nằm ở ngoài khơi Nam California (Mỹ).
Là một ngọn núi gồ ghề nhô ra khỏi biển, Santa Catalina là nơi sinh sống của hơn 60 loài thực vật và sinh vật không thể tìm thấy ở bất cứ nơi nào trên trái đất. Nhưng môi trường sống nơi này đang bị ảnh hưởng bởi phần lớn hệ thực vật bản địa bị động vật tàn phá. Đó là những loài vật được chuyển tới đây từ nhiều thế kỷ với mục đích chăn nuôi, săn bắn và quay phim.
Đối với Lauren Dennhardt, nhà bảo tồn hàng đầu trên đảo, chỉ có một cách duy nhất để cứu lấy thế hệ tương lai của hòn đảo: Giết hết hươu.
Gần một thế kỷ trước, 18 con hươu được vận chuyển tới đảo. Đến nay, đàn hươu đã sinh sôi nảy nở khoảng 2.000 con.
Nhà bảo tồn Dennhardt cho biết, đàn hươu làm xói mòn đất gây cạn kiệt nguồn cung cấp thức ăn cho các động vật khác. Đáng báo động hơn cả, chúng tạo điều kiện cho những loài cây bụi và cỏ dễ cháy sinh sôi. Loài thực vật không phải bản địa này có thể tạo ra điều kiện gây nên trận hỏa hoạn thảm khốc xảy ra gần đây tại đảo Maui của Hawaii.
Sau nhiều cuộc khảo sát, tổ chức bảo tồn đảo Santa Catalina nhận định, cách duy nhất để cứu các loài thực vật bản địa và khôi phục hòn đảo là loại bỏ đàn hươu. Ban đầu, các chuyên gia đã tính tới phương án di dời hươu tới nơi ở mới. Nhưng việc này không khả thi bởi rất khó tiếp cận những con ẩn nấp trong khe núi. Chúng có đặc tính thường chết vì căng thẳng khi bị bắt. Tương tự, nếu triệt sản chúng sẽ mất khoảng 15 năm để loại bỏ.
Kết luận cuối cùng được đưa ra, các xạ thủ sẽ ngồi máy bay trực thăng, tiêu diệt đàn hươu bằng súng trường từ trên cao. Cách xử lý này nghe có vẻ cực đoan nhưng các chuyên gia cho biết, đây vốn là dự án khá phổ biến trong lĩnh vực bản tồn và từng được thực hiện trên các đảo thuộc quần đảo Channel.
Giới chuyên môn ước tính, trên thế giới từng thực hiện hơn 1.200 vụ tiêu diệt ngựa, mèo, nai sừng tấm và các động vật có vú khác để củng cố hệ sinh thái mỏng manh.
"Không thể thực hiện dự án này theo cách nhẹ nhàng. Đây là biện pháp cuối cùng", nhà bảo tồn Dennhardt khẳng định.
Tuy nhiên, tổ chức bảo tồn trên đảo vẫn cần sự chấp thuận từ Cơ quan Cá và Động vật hoang dã California. Cơ quan này đang đánh giá tính khả thi của bản kế hoạch.
Khi kế hoạch được công khai, thông tin đang khiến cộng đồng dân cư trên đảo phẫn nộ. Nhiều người yêu động vật cùng giới săn hươu đã tổ chức các buổi ký tên nhằm phản đối kế hoạch.
"Đối với tôi, nai, hươu, rắn đuôi chuông hay mọi sinh vật trên đảo đều có sự kết nối với con người. Chúng ta chia sẻ với nhau mọi thứ. Không ai có quyền giết hươu", ông Lopez, một cư dân trên đảo hiện đã nghỉ hưu, bày tỏ quan điểm.
Trong khi đó, một cư dân khác cho rằng, cơ quan bảo tồn nên tập trung cắt tỉa làm sạch những loài thực vật dễ gây hỏa hoạn hơn là "đổ lỗi cho loài hươu".
Được biết, trước đó cơ quan bảo tồn trên đảo từng giết khoảng 8.000 con dê và 12.000 con lợn gây phá hoại cây cối, làm xói mòn đất.
Trước phản ứng từ dư luận, đại diện cơ quan bảo tồn cho biết, họ từng cố gắng quản lý đàn hươu thông qua một dự án bắn giết khoảng 200 con mỗi năm nhưng chưa hiệu quả. Do hươu không có động vật săn mồi tự nhiên trên đảo nên quần thể ngày càng phát triển không kiểm soát.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.