Các đại biểu tham dự Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng (ảnh PV).
Sáng nay (25/12), tại Hà Nội diễn ra Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020.
Trình bày báo cáo, ông Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tổ chức Trung ương cho biết: Trong năm qua ngành tổ chức xây dựng Đảng đã tham mưu tổ chức triển khai quyết liệt, tích cực, toàn diện, có hiệu quả các nghị quyết về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; xây dựng đội ngũ cán bộ và các quy định về nêu gương.
Ngành Tổ chức Đảng đã đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đã giảm được 4 đầu mối trực thuộc Trung ương, 7 tổng cục và tương đương; 81 cục, vụ và tương đương; hơn 2.600 phòng và tương đương; hàng trăm đầu mối trực thuộc tỉnh, gần 500 đầu mối trực thuộc huyện.
Giảm hơn 15.000 lãnh đạo cấp trưởng, cấp phó các cấp so với năm 2018; giảm hơn 236.000 công chức, viên chức, 41.000 hợp đồng 68 và hơn 25.000 người hoạt động không chuyên trách cấp xã…Từ kết quả đó đã tiết kiệm chi thường xuyên, tăng chi cho đầu tư phát triển và tiết kiệm khoảng 10.000 tỷ đồng.
Năm 2019 đã kiện toàn 850 cán bộ, phê duyệt quy hoạch trên 560 cán bộ diện Trung ương quản lý và phê duyệt quy hoạch cán bộ cấp chiến lược khóa XIII đối với 184 cán bộ.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã điều động, luân chuyển 29 cán bộ diện Trung ương quản lý giữ chức vụ bí thư, phó ban đảng, phó bí thư tỉnh ủy, thành ủy và phó chủ tịch tỉnh; 704 cán bộ từ cấp tỉnh về huyện và 380 cán bộ từ cấp huyện lên tỉnh; hơn 3.600 cán bộ từ cấp huyện về cấp xã và trên 1.700 cán bộ từ cấp xã lên huyện, chuẩn bị một bước nhân sự đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025.
Nói về nhiệm vụ trong năm 2020, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tổ chức Trung ương đã nêu một số nội dung cần tập trung cao độ thực hiện tốt, trong đó tiếp tục hoàn thiện quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, tiến hành công tác quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cấp ủy các cấp nhiệm kỳ 2021-2025…
Theo Quy định 90/2017 của Bộ Chính trị về tiêu chuẩn chức danh Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư gồm:
Bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn của Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương (tư tưởng chính trị; đạo đức lối sống, trình độ; năng lực và uy tín; sức khỏe, độ tuổi và kinh nghiệm), đồng thời cần có thêm các tiêu chuẩn: Thật sự tiêu biểu, mẫu mực của Ban Chấp hành Trung ương về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trí tuệ, ý chí chiến đấu, năng lực lãnh đạo, quản lý, ý thức tổ chức kỷ luật; không bị chi phối bởi sự can thiệp, sức ép bên ngoài và lợi ích nhóm.
Hiểu biết sâu rộng tình hình đất nước, khu vực và thế giới; nhạy cảm về chính trị, nhạy bén về kinh tế, am hiểu sâu sắc về xã hội. Có ý thức, trách nhiệm cao, tham gia đóng góp, hoạch định đường lối, chính sách và phát hiện, đề xuất những vấn đề thực tiễn đặt ra để Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thảo luận, quyết định. Đã tham gia Ban Chấp hành Trung ương trọn một nhiệm kỳ trở lên; đã kinh qua và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở các chức vụ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh (bí thư tỉnh ủy, thành ủy; chủ tịch hội đồng nhân dân, chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố) hoặc trưởng ban các ban, bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương. Trường hợp Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư công tác trong Quân đội thì phải kinh qua chủ trì cấp Quân khu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.