Năm 2022, mua bảo hiểm y tế 1 tháng có được không?

Việt Sáng Thứ bảy, ngày 07/05/2022 11:49 AM (GMT+7)
Theo luật sư, như quy định hiện nay thì tùy từng đối tượng tham gia có thể mua bảo hiểm y tế 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng.
Bình luận 0

Bạn đọc hỏi:

Tôi mua bảo hiểm y tế 1 tháng được không? Quyền lợi của tôi nhận được khi mua bảo hiểm y tế một tháng là gì?

Theo luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa - Đoàn Luật sư TP Hà Nội: Quy định hiện nay thì tùy từng đối tượng tham gia có thể mua bảo hiểm y tế 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng.

bảo hiểm y tế 3.jpg

Theo luật sư, như quy định hiện nay thì tùy từng đối tượng tham gia có thể mua bảo hiểm y tế 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng. Ảnh: BVCC

Bảo hiểm y tế là gì?

Đây là hình thức bảo hiểm bắt buộc được áp dụng đối với các đối tượng theo quy định của Luật này để chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận do Nhà nước tổ chức thực hiện (quy định tại Cổng Dịch vụ công Quốc gia).

Bảo hiểm y tế hay bảo hiểm sức khỏe là một hình thức bảo hiểm theo đó người mua bảo hiểm sẽ được cơ quan bảo hiểm trả thay một phần hoặc toàn bộ chi phí khám chữa bệnh cũng như chi phí mua thuốc men khám chữa bệnh.

Mua bảo hiểm y tế một tháng được không?

Căn cứ Quyết định 959/QĐ-BHXH quy định về phương thức đóng BHYT như sau:

Theo quy định, tùy từng đối tượng tham gia có thể mua bảo hiểm y tế 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng. Cụ thể:

Nhóm do người lao động và đơn vị đóng:

Có thể đóng hằng tháng, đóng 3 tháng hoặc 6 tháng một lần

Nhóm do tổ chức BHXH đóng, người đã thôi hưởng trợ cấp mất sức lao động đang hưởng trợ cấp hằng tháng từ ngân sách nhà nước:

Hằng tháng, cơ quan BHXH chuyển tiền đóng BHYT từ quỹ BHXH, quỹ BHTN sang quỹ BHYT

Cán bộ xã, phường, thị trấn đã nghỉ việc đang hưởng trợ cấp từ ngân sách nhà nước, người có công với cách mạng, cựu chiến binh, đại biểu được bầu cử giữ chức vụ theo nhiệm kỳ Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đương nhiệm, trẻ em dưới 6 tuổi…:

Hằng quý, cơ quan tài chính, cơ quan quản lý đối tượng chuyển tiền đóng BHYT vào quỹ BHYT

Người nước ngoài đang học tập tại Việt Nam được cấp học bổng từ ngân sách của Nhà nước Việt Nam:

Cơ quan, đơn vị cấp học bổng chuyển tiền đóng BHYT vào quỹ BHYT hằng tháng.

Người thuộc hộ gia đình cận nghèo, người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình:

Định kỳ 3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng đại diện hộ gia đình, cá nhân đóng phần thuộc trách nhiệm phải đóng cho Đại lý thu hoặc đóng tại cơ quan BHXH

Học sinh, sinh viên đang theo học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân:

Định kỳ 6 tháng hoặc 12 tháng học sinh, sinh viên đóng phần thuộc trách nhiệm phải đóng cho nhà trường đang học.

Nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình:

Định kỳ 3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng, người đại diện hộ gia đình trực tiếp nộp tiền đóng BHYT cho tổ chức BHXH hoặc đại lý thu BHYT tại cấp xã.

Như vậy theo quy định hiện nay thì tùy từng đối tượng tham gia có thể mua bảo hiểm y tế 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng.

“Điều 19. Phương thức đóng BHYT

1. Đối tượng tại Khoản 1 Điều 17: như quy định tại Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3 Điều 7.

2. Đối tượng tại Khoản 2, Điểm 3.2 Khoản 3 Điều 17: hằng tháng, cơ quan BHXH chuyển tiền đóng BHYT từ quỹ BHXH, quỹ BHTN sang quỹ BHYT.

3. Đối tượng tại Điểm 3.1, 3.3, 3.4, 3.5, 3.6, 3.7, 3.8, 3.9, 3.10, 3.12 Khoản 3 và đối tượng tại Điểm 4.1 được ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% mức đóng Khoản 4 Điều 17: hằng quý, cơ quan tài chính, cơ quan quản lý đối tượng chuyển tiền đóng BHYT vào quỹ BHYT; chậm nhất đến ngày 31/12 hằng năm phải thực hiện xong việc chuyển kinh phí vào quỹ BHYT của năm đó.

Trường hợp người thuộc hộ gia đình nghèo tại Điểm 3.7 Khoản 3 và người thuộc hộ gia đình cận nghèo được ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% mức đóng tại Điểm 4.1 Khoản 4 Điều 17 mà cơ quan BHXH nhận được danh sách đối tượng tham gia BHYT kèm theo Quyết định phê duyệt danh sách người thuộc hộ gia đình nghèo, người thuộc hộ gia đình cận nghèo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền sau ngày 01/01 thì thực hiện thu và cấp thẻ BHYT từ ngày Quyết định có hiệu lực.

4. Đối tượng tại Điểm 3.11 Khoản 3 Điều 17: Cơ quan, đơn vị cấp học bổng chuyển tiền đóng BHYT vào quỹ BHYT hằng tháng.

5. Đối tượng tại Điểm 4.1, 4.3 Khoản 4 Điều 17: định kỳ 3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng, đại diện hộ gia đình, cá nhân đóng phần thuộc trách nhiệm phải đóng cho Đại lý thu hoặc đóng tại cơ quan BHXH. Trường hợp không tham gia đúng thời hạn được hưởng chính sách theo quyết định phê duyệt của cấp có thẩm quyền, khi tham gia thì phải tham gia hết thời hạn còn lại theo quyết định được hưởng chính sách nhưng tối thiểu là 01 tháng.

6. Đối tượng tại Điểm 4.2 Khoản 4 Điều 17: định kỳ 6 tháng hoặc 12 tháng học sinh, sinh viên đóng phần thuộc trách nhiệm phải đóng cho nhà trường đang học.

7. Đối tượng tại Khoản 5 Điều 17: định kỳ 3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng, người đại diện hộ gia đình trực tiếp nộp tiền đóng BHYT cho tổ chức BHXH hoặc đại lý thu BHYT tại cấp xã.

8. Xác định số tiền đóng, hỗ trợ đóng đối với một số đối tượng khi Nhà nước điều chỉnh mức đóng bảo hiểm y tế, mức lương cơ sở

8.1. Đối với nhóm đối tượng quy định tại Khoản 3 Điều 17 và đối tượng người thuộc hộ gia đình cận nghèo quy định tại Điểm 4.1 Khoản 4 Điều 17 được ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% mức đóng:

Số tiền ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ 100% mức đóng được xác định theo mức đóng BHYT và mức lương cơ sở tương ứng với thời hạn sử dụng ghi trên thẻ BHYT. Khi Nhà nước điều chỉnh mức đóng BHYT, điều chỉnh mức lương cơ sở thì số tiền ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ được điều chỉnh kể từ ngày áp dụng mức đóng BHYT mới, mức lương cơ sở mới.

8.2. Trường hợp đối tượng tại Khoản 4, Khoản 5 Điều 17 đã đóng BHYT một lần cho 3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng mà trong thời gian này Nhà nước điều chỉnh mức lương cơ sở thì không phải đóng bổ sung phần chênh lệch theo mức lương cơ sở mới.”

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem