Lâu nay, nhắc tới giới cầu thủ, người hâm mộ thường nghĩ ngay tới một tầng lớp lắm tiền, có mức sống cao hơn so với mặt bằng chung của xã hội. Tuy nhiên, cái gì cũng có mặt trái của nó. Trong giới cầu thủ vẫn có những góc khuất mà ít người biết.
Sự ra đi của thủ môn Enke năm 2009 đã làm chấn động bóng đá Đức
Trong một lá thư mới đây gửi cho BBC3, Chủ tịch Hiệp hội Cầu thủ chuyên nghiệp Anh (PFA), ông Clarke Carlisle đã có những giãi bày rất thật về cuộc sống bên ngoài sân cỏ của những ngôi sao bóng đá. Áp lực thành tích, những đòi hỏi từ CLB và cả nỗi thất vọng về chuyên môn... khiến không ít cầu thủ từng muốn tìm tới cái chết.
“Bóng đá thường khiến người ta liên tưởng tới thành công, nổi tiếng và tiền bạc. Nhưng bên trong nó cũng có những thăng trầm mà ít người biết”, Carlisle chia sẻ. “Có rất nhiều yếu tố khiến cầu thủ bị trầm cảm. Điển hình nhất chính là những mất mát như chấn thương dai dẳng hay phải giải nghệ sớm hơn dự định”.
“Rất nhiều người đã gọi cho tôi, than phiền về việc CLB chủ quản đối xử bất công với họ. Họ phải từ giã sự nghiệp và chẳng được hưởng bất cứ chế độ đãi ngộ gì. Những lời hứa tan biến theo năm tháng. Có ít nhất 5 người từng đá ở Premier League đã nói rằng họ muốn tự tử. May là họ đã nghe lời khuyên của tôi”, vị Chủ tịch của PFA nói thêm.
Ngoài trần tình về góc khuất của giới cầu thủ, Carlisle cũng mong muốn các CLB có trách nhiệm hơn với các ngôi sao của họ, nhất là những trường hợp nghỉ hưu hay bị cho ra ngoài lề vì những chấn thương dai dẳng. Sự quan tâm của CLB sẽ giúp hạn chế dấu hiệu trầm cảm và cả những vụ tự tử đáng tiếc.
Thực tế trong giới bóng đá, chuyện cầu thủ tự tử không phải là hiếm. Thời điểm cuối năm 2010, làng túc cầu bóng đá xứ sương mù rúng động vì vụ một cầu thủ tự tử ngay tại nhà riêng với lý do bị “cắm sừng”. Người đàn ông xấu số này là thủ môn Dale Roberts khi đó đang thi đấu cho một đội bóng nghiệp dư ở nước Anh.
Năm 2009, thủ thành nổi tiếng của Đức và CLB Hannover là Robert Enke đã lao mình vào đoàn tàu đang chạy, tự kết liễu đời mình và để lại sự bàng hoàng cho NHM bóng đá Đức. Nguyên nhân cái chết của Enke được xác định là do anh bị mắc chứng bệnh trầm cảm quá nặng và gần như không thể chữa khỏi.
Mới đây nhất là trường hợp của cựu tuyển thủ xứ Wales, Gary Speed. Mặc dù có một sự nghiệp cầu thủ rất thành công, gia đình êm ấm và lại đang dẫn dắt ĐT xứ Wales, nhưng Speed vẫn tìm tới cái chết bằng cách treo cổ tự tử tại nhà riêng. Đến giờ, cảnh sát vẫn chưa thể biết tại sao Speed lại làm như vậy.
Rõ ràng thế giới bóng đá đã, đang và sẽ luôn tồn tại những mặt trái, những góc khuất mà không ai có thể lường trước. Vinh quang, tiền bạc và danh lợi luôn đi kèm với những áp lực, sự nghiệt ngã và cả sự bạc bẽo mà số phận mang lại. Những cái chết của cầu thủ vì tự tử hay vì bất kỳ lí do nào khác luôn để lại những niềm tiếc thương và nỗi buồn vô hại cho những người ở lại.
Tùng Lâm (Tùng Lâm)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.