Nạn nhân rút đơn, xem xét trách nhiệm Phó Giám đốc Sở KHĐT Thái Nguyên thế nào?

Đình Việt Thứ bảy, ngày 07/08/2021 11:58 AM (GMT+7)
Chuyên gia pháp lý đã có những phân tích xung quanh vụ việc Phó Giám đốc Sở KHĐT Thái Nguyên bị tố sàm sỡ nữ nhân viên đang gây xôn xao dư luận.
Bình luận 0

Liên quan đến sự việc ông Đ.D.A. - Phó Giám đốc Sở KHĐT Thái Nguyên (Sở KHĐT) bị nữ nhân viên tên T. tố có hành vi sàm sở tại phòng làm việc, thông tin với Dân Việt, ông Hoàng Văn Hùng - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Thái Nguyên cho biết, đã thành lập đoàn kiểm tra dấu hiệu vi phạm của ông Đ.D.A.

Bước đầu qua báo cáo sơ bộ của lãnh đạo Sở KHĐT, ông Đ.D.A. đã có bản tường trình, kiểm điểm gửi cơ quan và thủ trưởng cơ quan.

Trong bản tường trình, ông A. thừa nhận có hành vi sàm sỡ nữ nhân viên trong công sở. 

Ông A. cũng thành khẩn thừa nhận có vi phạm và nhận thấy cách ứng xử của mình như vậy là không chuẩn mực, xin được nhận lỗi.

Còn theo Công an tỉnh Thái Nguyên, sau khi tiếp nhận đơn của chị T., Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Thái Nguyên đã tiến hành các biện pháp điều tra, xác minh theo quy định.

Tuy nhiên, sau đó, chị T. đã đến cơ quan công an nộp đơn xin rút yêu cầu khởi tố. 

Cơ quan công an đã báo cáo Thường trực Tỉnh ủy Thái Nguyên vụ việc này và đang phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết theo đúng quy định.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, trường hợp nạn nhân tự nguyện rút đơn, bị đơn có thể không phải xem xét trách nhiệm hình sự, nhưng vẫn có thể bị phạt hành chính, xem xét kỷ luật Đảng và kỷ luật công chức theo quy định. 

Tuy nhiên theo luật sư, nếu cơ quan chức năng xác định nạn nhân rút đơn không tự nguyện hoặc trường hợp vi phạm là nghiêm trọng thì dù nạn nhân việc có đơn đề nghị không khởi tố, cơ quan tiến hành tố tụng vẫn tiếp tục giải quyết vụ việc.

Nạn nhân rút đơn, Phó Giám đốc Sở KHĐT Thái Nguyên vẫn có thể bị khởi tố? - Ảnh 3.

Trụ sở Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Nguyên nơi ông A. đang công tác. Ảnh: CTV

Trong trường hợp này nếu trong quá trình xác minh tin báo mà người bị hại tự nguyện rút đơn, cơ quan điều tra sẽ đình chỉ giải quyết tin báo và có thể sẽ xử phạt hành chính đối với ông A. nếu xác định có vi phạm. Đồng thời đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành xử lý kỷ luật Đảng và kỷ luật về mặt chính quyền đối với ông này. 

Trường hợp cơ quan điều tra chứng minh việc bị hại rút đơn là do bị ép buộc, cưỡng bức, việc rút đơn của chị T. sẽ không có hiệu lực, cơ quan điều tra vẫn tiếp tục xem xét xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.

Lúc này, nếu xác định có hành vi vi phạm pháp luật, bị đơn có thể bị xử phạt căn cứ vào Bộ Luật hình sự 2015.

Như vậy, sau khi nhận được đơn xin rút đơn đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự của nạn nhân, cơ quan điều tra sẽ làm việc và làm rõ việc rút đơn có tự nguyện hay không, có bị ai ép buộc, cưỡng bức hay không làm cơ sở để căn cứ giải quyết vụ việc. 

Cơ quan điều tra cũng sẽ xem xét dấu hiệu hành vi vi phạm có thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2, Điều 141 Bộ Luật hình sự trở lên hay không. 

Trường hợp có căn cứ cho thấy hành vi thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 141 Bộ luật hình sự hoặc việc rút đơn của nạn nhân là do bị đe dọa, ép buộc, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục giải quyết và không chấp nhận rút đơn của người bị hại.

"Trường hợp nạn nhân rút đơn và không đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự, cơ quan chức năng cũng cần xử lý kỷ luật vị cán bộ này với mức kỷ luật cao nhất nếu xác định có vi phạm. 

Ngoài ra, tổ chức Đảng cũng sẽ xem xét kỷ luật đảng đối với vị cán bộ này. Việc xử lý kỷ luật Đảng và kỉ luật chính quyền sẽ được thực hiện theo trình tự, thủ tục chung" - luật sư Cường nêu quan điểm. 

Ngày 5/8, Thường trực Tỉnh ủy Thái Nguyên đã nhận được báo cáo của cơ quan chức năng có nội dung liên quan đến đạo đức, lối sống của một Phó Giám đốc Sở KHĐT tỉnh Thái Nguyên, thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý.

Sau khi xem xét, Thường trực Tỉnh ủy đã thống nhất giao Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh, làm rõ để kịp thời xử lý theo đúng quy định về kỷ luật trong Đảng và pháp luật của Nhà nước.

"Thường trực Tỉnh ủy Thái Nguyên khẳng định, đối với bất kỳ đảng viên nào trong Đảng bộ, nếu có vi phạm sẽ bị xem xét, xử lý nghiêm minh theo đúng quy định, đảm bảo sức răn đe trong toàn Đảng bộ" - một lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy nói thêm.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem