Nạn nhân phải được bồi thường?
Chiều 22.9, căn biệt thự cổ từ thời Pháp thuộc tại số 107 đường Trần Hưng Đạo (Hoàn Kiếm, Hà Nội) bỗng nhiên đổ sập làm 2 người chết, 6 người bị thương. Lực lượng chức năng đã phải mất nhiều giờ để đưa các nạn nhân ra khỏi đống đổ nát.
Sau sự cố trên, nhiều ý kiến băn khoăn không biết các nạn nhân có được bồi thường hay không?
Trao đổi với PV về vấn đề này, luật sư Đào Ngọc Lý (Đoàn luật sư TP. Hà Nội, Giảng viên thỉnh giảng Học viện Tư pháp - Bộ Tư pháp) cho rằng, trong vụ sập nhà trên, cần xem rõ hợp đồng giữa bên cho thuê và bên thuê nhà mới có thể xác định trách nhiệm rõ ràng.
"Không rõ hợp đồng giữa hai bên có quy định rõ về trách nhiệm khi có sự cố như sập nhà xảy ra không. Nếu hợp đồng không quy định thì dẫn chiếu Bộ luật Dân sự và Luật Nhà ở để giải quyết", LS Lý cho hay.
Trong Bộ luật Dân sự có quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Cụ thể tại Điều 627 - Bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra đã nêu rõ: "Chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác phải bồi thường thiệt hại, nếu để nhà cửa, công trình xây dựng khác đó bị sụp đổ, hư hỏng, sụt lở gây thiệt hại cho người khác, trừ trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại hoặc do sự kiện bất khả kháng".
Giải thích về lỗi của người bị thiệt hại như điều luật quy định, LS Lý nêu ví dụ, như người thuê ngôi nhà tự ý cơi nới, thay đổi kết cấu dẫn đến căn nhà đổ sập. Còn sự kiện bất khả kháng được hiểu là sự kiện không thể lường được, ví dụ như ngôi nhà bị sập do động đất mạnh, gió bão rất lớn... Trường hợp này người sở hữu ngôi nhà hoặc người được chủ sở hữu giao quản lý, sử dụng ngôi nhà sẽ được miễn trách nhiệm trước thiệt hại từ ngôi nhà đổ gây ra.
Hiện trường ngôi nhà sập
GS - TS Lê Hồng Hạnh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế pháp lý Asean cho biết, về nguyên tắc bên cho thuê nhà phải chịu trách nhiệm với sự an toàn của nhà. Phải bảo dưỡng, sửa chữa nhà theo định kỳ hoặc theo thoả thuận; nếu bên cho thuê không bảo dưỡng, sửa chữa nhà mà gây thiệt hại cho bên thuê thì phải bồi thường.
Theo GS Hạnh, ở điều kiện bình thường, nhà không tự nhiên sập được, phải có sự hư hỏng, xuống cấp, thiếu sự kiểm tra định kỳ, quản lý chặt chẽ mới dẫn đến hậu quả.
Theo LS Trương Thanh Đức (Đoàn luật sư TP. Hà Nội), vụ sập nhà số 107 Trần Hưng Đạo gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nên cơ quan điều tra đã vào cuộc, nếu có dấu hiệu hình sự sẽ khởi tố vụ án. Còn về trách nhiệm dân sự, phía cho thuê nhà không thể nào chối bỏ được.
Phức tạp trong việc xác định bên chịu trách nhiệm
Trong báo cáo gửi UBND thành phố Hà Nội, Sở Xây dựng TP. Hà Nội cho rằng: "Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc giải quyết, khắc phục và xử lý sự cố, chịu trách nhiệm giải quyết sự cố công trình theo quy định của pháp luật về trách nhiệm của chủ quản lý sử dụng công trình".
Báo cáo cũng nói rõ do điều kiện khó khăn về nhà ở của cán bộ công nhân viên, cơ quan bố trí cho cán bộ công nhân viên của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam ký hợp đồng thuê nhà ở cho 62 hộ dân tại khu nhà 107 phố Trần Hưng Đạo.
Trả lời báo chí chiều 23.9, ông Đoàn Duy Hoạch - Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) cho biết: ĐSVN chỉ quản lý, sử dụng ngôi nhà. Từ năm 1985 trở về trước, đơn vị quản lý nhà có thu tiền thuê nhà, sau đó không thu nữa. Từ năm 2000 tới nay thu tiền sử dụng đất theo quy định của TP. Hà Nội.
Ông Hoạch cho rằng, nếu thuê nhà, có hư hỏng thì người sử dụng sửa chữa. Trách nhiệm của ĐSVN là sử dụng ngôi nhà và thực hiện báo cáo với thành phố về khả năng xuống cấp của ngôi nhà và đã báo cáo. Thành phố, các cơ quan quản lý trên địa bàn nếu thấy nguy hiểm thì nhắc nhở cảnh báo kiểm định chất lượng. Bởi ĐSVN không có đầy đủ hồ sơ kỹ thuật của ngôi nhà. Còn ĐSVN sử dụng nếu phát hiện thấy nguy cơ thì phải cảnh báo nhưng thực chất chưa có nguy cơ gì đổ sập cho đến khi xảy ra sự cố.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.