Nga đánh bại Hoàng đế Napoleon (Kỳ 2): Nghệ thuật chiến tranh du kích

Chủ nhật, ngày 02/10/2022 08:30 AM (GMT+7)
Đối mặt đạo quân Pháp hùng mạnh hơn nhiều, người Nga đã khôn khéo dùng chiến lược rất sâu và toàn diện để khắc chế lợi thế của đối phương, khoét sâu điểm yếu của họ, khiến quân đội Napoleon thất bại thảm hại với tổn thất to lớn.
Bình luận 0

Cuộc chiến du kích

Người Nga sáng tạo trong tổ chức hoạt động du kích. Ở đây có 2 loại. Loại thứ nhất là các đơn vị chính quy được tách ra để hoạt động quấy nhiễu ở sau lưng quân đội Pháp. Các đơn vị này do sĩ quan chỉ huy và bao gồm lính Cossack, kỵ binh, kỵ binh nhẹ và đôi khi cả bộ binh nhẹ. Họ thường có pháo hạng nhẹ của riêng họ. Những đơn vị này thực hiện trinh sát, tiêu diệt lực lượng phá hoại và chặn người đưa thư của đối phương.

Mưu kế của Nga đè bẹp đại quân Pháp do Napoleon chỉ huy (Kỳ 2) - Ảnh 1.

Đạo quân của Napoleon rút khỏi Moscow. Ảnh: Adolph Northen.

Loại thứ hai mà Pháp đối mặt là các đơn vị phi chính quy bao gồm các nông dân muốn ngăn chặn kẻ cướp xâm nhập vào làng mình. Trong số này có nhiều đơn vị do địa chủ địa phương đứng đầu - người này thường thành thạo kiến thức cơ bản về tổ chức quân sự. Họ cố gắng tuyển các nông dân có kinh nghiệm sử dụng vũ khí và những người sống ngoài trời như thợ săn, người chuyên sống trong rừng… Các đơn vị này liên lạc với nhau bằng chuông nhà thờ.

Lẽ tự nhiên, các nông dân vũ trang không phải là đối thủ của quân đội Pháp nhưng họ có thể làm tốt một việc là cảnh báo cho các lực lượng du kích chính quy. Nếu đội quân nông dân không cản được bước quân thù, quân chính quy sẽ ra tay giải cứu.

Trong khi đó, quân chủ lực của Nga đóng vai trò đặc biệt, đó là nằm trong tầm ngắm của Napoleon để hạn chế tự do của quân Pháp, ngăn đối phương di chuyển thoải mái trên lãnh thổ Nga. Quân đội Nga lựa chọn cách tiếp cận này vì khi ý thức về sự hiện diện của họ, quân Pháp không dám thư giãn hoặc phân tán.

Kết quả là, các lực lượng Pháp thậm chí bị chết đói trước khi kịp kết thúc cuộc tấn công. Họ không kiếm đủ thức ăn và không đảm bảo đủ quân để bảo vệ đường dây liên lạc bởi lẽ Napoleon cần một lực lượng riêng có năng lực đối đầu với quân chủ lực Nga.

Ngoài ra, quân Nga ngày càng rút lâu sâu hơn. Quân Pháp khi ấy đã cách xa căn cứ của mình hàng trăm kilomet và họ phải để lại ở hậu phương rất nhiều người cho nhiệm vụ duy trì trật tự, trong khi nguồn cung cấp từ phương Tây gửi sang đã cạn kiệt.

Vì sao Nga chấp nhận bỏ thành Moscow?

Mikhail Kutuzov là Tổng tư lệnh các lực lượng Nga. Ông vừa là chính trị gia vừa là chỉ huy quân sự. Ông nhận thức rằng việc từ bỏ Moscow mà không tham gia trận chiến lớn nào sẽ là điều mà xã hội Nga không tha thứ được. Nhưng ông cũng ý thức rất rõ rằng lý do cho một trận chiến như thế mang tính chính trị nhiều hơn là quân sự. Nên sau trận giao tranh đầu tiên không mang lại chiến thắng quyết định cho bên nào, thay vì cố dấn tới (với nguy cơ là quân Nga bị thất bại hoàn toàn), ông cho rút lui khỏi thành phố Moscow để bảo toàn lực lượng Nga.

Đến khi Napoleon tiến vào thành phố Moscow - lúc này đã thực hiện vườn không nhà trống, đội quân Pháp chỉ tìm thấy thức ăn là bơ ở bẫy chuột. Napoleon bị kẹt lại ở thành phố lớn nhất nước Nga trong vài tuần. Hoàng đế Pháp bắt đầu cố gắng đàm phán nhưng thất bại. Những tuần lễ đó đẩy Đại quân Pháp đến bên bờ thảm họa. Sau một khoảng thời gian nữa, quân Pháp rút lui. Khi lính Pháp bắt đầu rồng rắn rút về nước, thời tiết khá tốt. Tuy nhiên, đội quân này hứng chịu nạn đói nghiêm trọng. Lúc thời tiết xuống dưới 0 độ C, nhiều con ngựa bắt đầu chết, số khác thì bị giết thịt để cung cấp thức ăn cho lính Pháp. Không còn ngựa tức là không còn kỵ binh. Chính lúc ấy, quân Pháp trở nên yếu thế trước những cuộc tấn công của kỵ binh Nga có sức cơ động cao và thường xuyên thực hiện quấy rối quân Pháp.

Những bước tiếp theo mà Nguyên soái Kutuzov thực hiện là điều có thể dự báo được. Ông tiếp tục tung các lực lượng mới vào chống lại lực lượng bảo vệ hậu cứ quân Pháp, cố gắng tránh các trận giao chiến lớn và duy trì trạng thái chuyển động của quân Pháp. Thời tiết lạnh giá cũng ảnh hưởng tiêu cực tới lính Nga như với lính Pháp. Trong hàng ngũ quân Nga cũng có những người đổ bệnh, những người bị tụt lại phía sau. Tuy nhiên có một khác biệt là, lính Nga ốm yếu có thể ở lại bên trong các ngôi làng gần đó cho đến khi hồi phục, còn quân Pháp hoặc phải ở lại phía sau và bị bắt làm tù binh, hoặc tiếp tục đi cho đến lúc gặp nhiều biến chứng nguy hiểm. Khi cơ thể suy kiệt, những người lính Pháp dễ bị nhiễm trùng.

Thử thách khắc nghiệt của đói khát và mùa đông

Nguyên soái Kutuzov đã chỉ đạo binh sĩ làm một nhiệm vụ nghe chừng không anh hùng chút nào nhưng lại có tác dụng rất thực tế: Lính Nga chủ động tấn công vào các kho lương thực của Pháp.

Do vậy việc các du kích Nga đánh bại lữ đoàn của tướng Pháp Jean-Pierre Augereau ở ngôi làng Lyakhovo về thực chất là phần thưởng dễ chịu cho cuộc đi săn các kho tiếp tế. Quân đội Pháp không bị đóng băng đến chết mà chính tình trạng thiếu đói đẩy họ đến chỗ tử vong.

Trong khi đó, các trận chiến đã trở thành các cuộc chém giết tàn khốc như hành quyết. Quân Nga dùng trọng pháo để phân tán các đơn vị Pháp hành quân qua chỗ của họ mà không cần phải giao chiến trực tiếp.

Quân Pháp không thể chống đỡ được nhiều vì ngựa thì đã đem ra làm thức ăn, còn súng thì rớt lại phía sau. Lính Pháp bị thương rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan - nếu bị lôi đi cùng đồng đội thì đối mặt nguy cơ biến chứng và nhiễm trùng, còn nếu bỏ lại thì đành phó mặc số phận vào tay người Nga.

Hầu hết quân đoàn của Nguyên soái Michel Ney đã bị tiêu diệt gần Krasny, những người sống sót chỉ còn nước cuốc bộ về phía vị trí quân Nga để hỏi mình có thể đầu hàng ở đâu. Sau khi bị tịch thu súng, những người lính này sẽ được cho ngồi cạnh lửa trại và uống rượu vodka để làm ấm cơ thể.

Một nhân tố quan trọng trong chiến lược “gây nghẹn” này là một chiến dịch do “Đội quân dòng Danube” thực hiện phía sau phòng tuyến quân Napoleon. Đội quân này do Pavel Chichagov chỉ huy.

Trước khi giăng bẫy Napoleon ở sông Berezina, Chichagov đã chiếm được Minsk - trung tâm kho tiếp tế chính của quân Pháp, nơi cất trữ tới 2 triệu khẩu phần ăn hàng ngày. Chichagov có hiềm khích cá nhân với Kutuzov và thất bại trong việc giăng bẫy Napoleon nên ông không được ca ngợi là anh hùng trận mạc. Mặc dù vậy, thành công chính của Chichagov chính là trận chiến chống lại tuyến tiếp tế của đối phương.

Và sau đó là mùa đông lạnh giá, tuyết phủ khắp nơi. Nhưng thời tiết chỉ là yếu tố cuối cùng, là chiếc đinh đóng lên cỗ quan tài của Đại quân Pháp.

Đối với nước Nga, năm 1812 đánh dấu không chỉ một chiến thắng quân sự vĩ đại mà còn là chiến thắng của trí tuệ và sự tự chủ trước sức mạnh bạo tàn từ bên ngoài dội tới. Người Nga đã xây dựng được một kế hoạch và bám vào đó, trong khi Sa hoàng Alexander I kiên quyết theo đuổi cuộc kháng chiến ngay cả khi Napoleon đã chiếm được Moscow. Lòng can đảm của binh sĩ, yếu tố thời tiết và các nhân tố khác đều có vai trò riêng nhưng cuộc chiến 1812, trên tất cả, là chiến thắng của chiến lược và sự kiên định trong theo đuổi mục tiêu.

Trung Hiếu (Theo VOV)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem