Ngả mũ trước đội bóng nữ Nhật Bản

Thứ ba, ngày 19/07/2011 07:12 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Chức vô địch bóng đá nữ thế giới dường như là món quà, sự chuộc lỗi của Thần Mặt trời sau khi vừa trút cơn sóng thần khủng khiếp lên đất nước Nhật Bản.
Bình luận 0

Nhưng đó chỉ là quan điểm của những người mê tín, chứng kiến hai lần đội nữ Nhật Bản vượt những "cơn sóng thần" để lần lượt lên ngôi cao nhất ở châu lục và thế giới mới thấy bóng đá nữ Nhật Bản xứng đáng với vinh quang ấy như thế nào?

img
Niềm vui đoạt cúp của các cầu thủ và ban huấn luyện đội nữ Nhật Bản.

Hiên ngang đón ngọn sóng đầu

Quảng Châu (Trung Quốc) tháng 11.2010: Chung kết bóng đá nữ Nhật Bản - CHDCND Triều Tiên đến trong một không khí vô cùng đặc biệt. Mọi con mắt đổ dồn về đội CHDCND Triều Tiên, chỉ vài ngày trước, xung đột Hàn Quốc - Triều Tiên đã xảy ra đúng vào thời kỳ căng thẳng nhất giữa hai nước. Đã có thông tin đoàn thể thao Triều Tiên bỏ về trước ngày bế mạc. Tuy nhiên trận đấu vẫn được diễn ra.

Tinh thần dân tộc dâng lên cao độ, các cô gái Triều Tiên trong ngày hôm ấy như mang trong mình một lò phản ứng nhiệt hạch. Trong suốt trận đấu, những đôi mắt mở to, những đôi môi mím chặt và những nắm đấm liên tục được các cô gái Triều Tiên đấm lên trái tim mình trước khi hô vang tên của "Kim Chủ tịch"… Trên SVĐ Việt Tú hôm ấy, dường như các cô gái Nhật Bản bị bỏ quên, họ bị hành xác bởi một "cơn sóng thần" khủng khiếp từ phía đối phương.

Ngoài danh hiệu vô địch thế giới, đội nữ Nhật Bản còn giành thêm giải Fair play. Cầu thủ Homare Sawa đoạt thêm danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất, cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất.

Thế nhưng, cơn sóng thần đã bị chặn lại bởi hậu vệ Azusa Iwashimizu (Nhật Bản) khi cầu thủ này có pha đánh đầu tung lưới thủ thành đối phương ở phút 74. Sau bàn thắng ấy, chính những người đứng trên sân như chúng tôi cũng không hiểu bằng cách nào mà Nhật Bản lại giữ được sạch mành lưới của mình đến phút cuối cùng.

Sau tiếng còi kết thúc trận đấu vang lên, hầu như tất cả đội hình nữ Triều Tiên vẫn còn đang di chuyển. Sau chiến thắng này, bóng đá nữ Nhật Bản đã nhận được sự vị nể của toàn châu lục nhưng khi sang sân chơi thế giới, họ vẫn là một cái tên mờ nhạt.

Kiên cường học tập đối thủ

Frankfurt (Đức) ngày 18.7.2011: Chung kết bóng đá nữ thế giới Nhật Bản - Mỹ cũng đến trong một không khí đặc biệt - Đất nước Nhật Bản vừa trải qua đau thương sau thảm hoạ sóng thần. Hơn thế nữa, Nhật Bản lại sẽ phải đối đầu với người thầy của mình về nghệ thuật chiến đấu.

Trong cuốn "Võ sĩ Samurai cuối cùng", Thiên hoàng đã có câu nói nổi tiếng và nó chính là kim chỉ nam cho các bước phát triển vĩ đại của Nhật Bản sau này: "Ta muốn đưa những người giỏi nhất thế giới đến Nhật Bản để học hỏi họ. Đó là các kỹ sư Đức, kiến trúc sư Hà Lan, các thuyền trưởng người Anh và tất nhiên là những chiến binh Mỹ".

img
Homare Sawa  - giành cú đúp cá nhân.

Hiệp một chứng kiến tới gần 20 cơ hội ăn bàn cho đội tuyển Mỹ. Nói không ngoa thì lối đá của đội nữ bóng đá Mỹ trong trận chung kết còn biến hoá hơn rất nhiều lối đá của đội tuyển nam Argentina tại Copa America. Bàn thắng phút 68 của A. Morgan đến như một sự tất yếu.

Thế nhưng trong những phút nguy nan ấy, tinh thần học hỏi, cầu thị của thời Minh Trị đã phát huy sức mạnh. Hai lần bị dẫn bàn thì cũng chính hai con người đã được "học tập kỹ năng chiến đấu" tại Mỹ là Homare Sawa và Aya Miyama đã san bằng tỷ số. Loạt sút luân lưu đến sau đó là dành cho tinh thần Nhật Bản.

Thế giới bóng đá thực sự ngả mũ trước đội nữ Nhật Bản: Những con người dám cưỡi trên cơn sóng thần.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem