Ngân hàng coi thanh khoản là rủi ro: Vì sao 85% DN tư nhân khó vay vốn dài hạn?

Thứ năm, ngày 23/09/2021 08:25 AM (GMT+7)
Trong một khảo sát DNNVV thực hiện bởi Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, cơ hội vay vốn ngân hàng của các DNNVV thấp hơn nhiều so với các doanh nghiệp lớn. Đặc biệt, các khoản vay dài hạn vô cùng khan hiếm khi hơn 85% các khoản vay ngân hàng phải trả trong thời hạn dưới 1 năm.
Bình luận 0
Ngân hàng coi thanh khoản là rủi ro: Vì sao 85% DN tư nhân khó vay vốn dài hạn? - Ảnh 1.

Nghịch lý doanh nghiệp tư nhân vẫn khó tiếp cận vốn dù hệ thống ngân hàng lớn và thanh khoản dồi dào

 Ngân hàng còn “ngại” cho doanh nghiệp vay dài hạn

Cụ thể, chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh Việt Nam 2020 cho thấy 41% số doanh nghiệp được khảo sát gặp khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng. Hơn thế, tăng trưởng tín dụng cho khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) còn ở mức thấp, chỉ khoảng 3%/ năm.  

Trong một khảo sát DNNVV thực hiện bởi Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, cơ hội vay vốn ngân hàng của các DNNVV thấp hơn nhiều so với các doanh nghiệp lớn. Đặc biệt, các khoản vay dài hạn vô cùng khan hiếm khi hơn 85% các khoản vay ngân hàng phải trả trong thời hạn dưới 1 năm. 

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là bởi các ngân hàng tại Việt Nam thường xem thanh khoản là rủi ro chính của họ, dẫn đến hạn chế những khoản vay dài hạn. 

Hơn nữa, một rào cản chính đối với DNNVV là khó khăn về việc sử dụng tài sản bảo đảm để thế chấp. Các chuyên gia của World Bank chỉ ra rằng ngân hàng thương mại thường yêu cầu sử dụng bất động sản và ít chấp nhận động sản (như các khoản phải thu, hàng tồn kho) làm tài sản thế chấp. 

World Bank đề xuất Việt Nam cần dịch chuyển trọng tâm sang xây dựng quy định pháp luật cùng với kế hoạch hành động, nhằm đáp ứng nhu cầu tiếp cận nguồn vốn dựa vào các động sản. Ngoài ra, ngân hàng và tổ chức tín dụng khác thường không hiểu rõ tiềm năng thị trường và thiếu chuyên môn cần thiết để định giá động sản, đặc biệt là máy móc và thiết bị.

Covid-19 nhấn mạnh vai trò của các dịch vụ tài chính số

Hiện nay, dịch vụ tài chính chuỗi cung ứng còn hạn chế đối với các DNNVV. Tài trợ chuỗi cung ứng (SCF) cho phép các nhà cung cấp và nhà phân phối tối ưu hóa quản lý vốn lưu động của họ bằng cách chuyển đổi các khoản phải thu và hàng tồn kho thành tiền mặt để có được nguồn tài trợ chi phí thấp hơn. 

Để giải quyết vấn đề khan hiếm vốn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) có thể tăng việc cấp phép để hỗ trợ các công ty fintech đa dạng hóa sang các lĩnh vực khác, như cho vay. Gần đây, Chính phủ cũng đã cho phép thí điểm việc triển khai đồng tiền di động. 

Tính đến tháng 12/2018, Việt Nam chỉ có 300 DNNVV trong các ngành công nghiệp hỗ trợ có mặt trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong khi đó, nền tảng điện tử SCF rất quan trọng trong việc tạo ra cơ sở dữ liệu minh bạch về giao dịch giữa nhà cung cấp và bên mua hàng và có thể hỗ trợ hoạt động cho vay của các định chế tài chính. 

Tuy nhiên, dù các nền tảng điện tử này đã có ở Việt Nam nhưng hầu hết thuộc các ngân hàng và sự phát triển của các nền tảng điện tử vận hành bởi bên thứ ba vẫn chưa phổ biến tại Việt Nam. 

Nhìn chung, việc phát triển của dịch vụ tài chính số và fintech sẽ giúp cải thiện toàn diện tài chính giải quyết những hạn chế trong tài trợ chuỗi cung ứng và đăng ký tài sản thế chấp. 

Việt Nam cần phải phát triển các nền tảng cho tài chính dài hạn

Theo World Bank, các nền tảng cho tài chính dài hạn bao gồm  cải thiện cơ chế định giá thông qua phát triển đường cong lãi suất. Vì thế, Việt Nam sẽ tận dụng được những động lực từ thị trường trái phiếu Chính phủ. 

Ngoài ra, Việt Nam cũng cần chú trọng vào sự phát triển của thị trường tiền tệ và tỷ giá tham chiếu ngắn hạn đáng tin cậy. Điều này sẽ củng cố đường cong lãi suất, cũng như tạo điều kiện phát triển một cách gián tiếp các công cụ đổi mới sáng tạo trên thị trường vốn. 

Với nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp tăng cao, ngân hàng cũng khó có thể đáp ứng hết do hạn chế về thanh khoản, vốn và chênh lệch kỳ hạn. Vậy nền, các công cụ mới như trái phiếu cơ sở hạ tầng, chứng khoán đảm bảo bằng tài sản, và các công cụ có cấu trúc khác, cần được phát triển để hỗ trợ việc cho vay trong dài hạn. 

Các chuyên gia kinh tế của World Bank cũng lưu ý rằng, phát triển theo hướng này đòi hỏi Việt Nam nỗ lực mở rộng đối tượng nhà đầu tư. Việc này không chỉ quan trọng trong việc duy trì tăng trưởng thị trường mà còn tăng thanh khoản và giảm biến động. 

  
Theo Đặng Sơn (DN&TT) (doanhnghieptiepthi.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem