Ngân hàng thu lợi nghìn tỷ, nhân viên nghỉ việc vì bị "ép" bán bảo hiểm
Ngân hàng thu lợi nghìn tỷ, nhân viên nghỉ việc vì bị "ép" bán bảo hiểm
H.Anh
Thứ ba, ngày 28/02/2023 10:43 AM (GMT+7)
Các thương vụ độc quyền giữa ngân hàng và công ty bảo hiểm thường kéo dài 15 năm, giá trị dao động từ 6.000 - 10.000 tỷ đồng, thậm chí đã có thương vụ lên tới 1 tỷ USD. Tuy nhiên, sau các thương vụ "bắt tay" nghìn tỷ, nhân viên ngân hàng cũng "khổ" vì bị áp doanh số bán bảo hiểm.
Theo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) hoạt động bán bảo hiểm thông qua hợp tác với ngân hàng (bancassurance) tại Việt Nam đã phát triển một cách mạnh mẽ. Tính riêng nửa đầu năm 2022, doanh thu phí bảo hiểm qua kênh bancassurance của doanh nghiệp bảo hiểm đã chiếm tới 41% tổng doanh thu khai thác mới, giúp ngành bảo hiểm duy trì được tốc độ tăng trưởng ổn định.
Ngân hàng thu lợi nghìn tỷ từ bảo hiểm
Các thương vụ độc quyền giữa ngân hàng và công ty bảo hiểm thường kéo dài 15 năm, giá trị dao động từ 6.000 - 10.000 tỷ đồng.
Thậm chí, thương vụ "bắt tay" giữa Vietcombank và Tập đoàn bảo hiểm FWD cho đến nay vẫn là một trong những thương vụ nổi bật nhất trong thị trường phân phối bảo hiểm qua ngân hàng ở Việt Nam, với giá trị lên tới 1 tỷ USD – theo tiết lộ của Bloomberg. Trong đó, FWD trả ngay cho Vietcombank 400 triệu USD.
Hơn thế nữa, sau những ký kết này, hoạt động bảo hiểm đóng góp hàng nghìn tỷ đồng vào nguồn thu ngân hàng trong năm 2022.
Chẳng hạn như tại MBBank, thống kê của Dân Việt cho thấy nhà băng này có nguồn thu "khủng" nhất từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm với 10.185 tỷ đồng trong năm 2022. Con số này tăng 21,4% so với năm 2021.
Với số thu này, tỷ trong doanh thu từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm trong tổng thu dịch vụ của của MB cũng theo đó tăng lên 71,5%, từ 68,1% của năm 2021.
Dù con số tuyệt đối thấp hơn nhiều so với MBBank, song thu từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm tại VPBank đã ghi nhận mức tăng lên tới gần 42% trong năm 2021. Kết thúc năm 2022, kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm mang về cho VPBank 3.354 tỷ đồng doanh thu – chiếm 32% tổng thu dịch vụ của nhà băng này.
Trong năm 2022, VPBank còn thu về ước khoảng 8.000 tỷ đồng từ thương vụ tái ký thỏa thuận hợp tác độc quyền phân phối báo hiểm với AIA Việt Nam. Nhờ thương vụ này, lãi thuần từ hoạt khác của VPBank năm này lên tới 10.583 tỷ đồng, gấp 5 lần năm 2021.
Techcombank, VIB là 2 nhà băng có doanh thu liên quan đến hoạt động bảo hiểm lên tới nghìn tỷ đồng. Trong đó, thu từ dịch vụ hợp tác bảo hiểm của Techcombank tăng 12,3% đạt hơn 1.750 tỷ đồng. Hoa hồng bảo hiểm VIB nhận được trong năm 2022 là 1.303 tỷ đồng.
Các ngân hàng khác như TPBank hay Seabank cũng đang ghi nhận nguồn thu từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm từ 5.33,6 tỷ đến 876,6 tỷ đồng.
Xét về tốc độ tăng trưởng, PG Bank là nhà băng ghi nhận tốc độ tăng thu từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm cao nhất lên tới trên 300% trong năm 2022. Tiếp đến là SeAbank với 114%. Duy chỉ có TPBank trong thống kê của Dân Việt có số thu từ hoạt động này giảm 8% so với năm 2021.
Có thể thấy, phân phối bảo hiểm qua ngân hàng đang là "con gà đẻ trứng vàng" cho ngân hàng thương mại.
Thế nhưng, câu chuyện một số khách hàng gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng bị nhân viên ngân hàng "hô biến" thành hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, hay phải mua bảo hiểm mới được vay vốn như thực trạng diễn ra thời gian qua đang cho thấy sự méo mó của cái gọi là hợp tác bancassurance này.
Không chỉ khách hàng gửi tiết kiệm/vay vốn, bản thân nhân viên ngân hàng bị giao chỉ tiêu bán bảo hiểm cũng bức xúc không kém. Có những trường hợp nghỉ việc vì áp lực.
Chia sẻ với Dân Việt, chị Thu (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, ngân hàng nơi chị làm việc ký hợp đồng phân phối bảo hiểm độc quyền với một công ty bảo hiểm nước ngoài. Nếu nhân viên ký được hợp đồng bảo hiểm với khách hàng, sẽ được nhận hoa hồng. Đó cũng là một nguồn thu nhập cho cán bộ nhân viên ngân hàng.
"Điều đáng nói, nhân viên tín dụng tại chi nhánh tôi còn bị áp chỉ tiêu về bảo hiểm từ 50 - 300 triệu đồng tùy từng vị trí. Tức là, chúng tôi bắt buộc phải chèo kéo khách hàng mua bảo hiểm, nếu không sẽ ảnh hưởng tới các đánh giá về hiệu quả công việc", chị Thu cho hay và chia sẻ thêm, trong giai đoạn khó khăn vừa qua, khách hàng tìm tới ngân hàng đều rất khó khăn, nên chị không muốn "ép" khách mua bảo hiểm.
"Sau cùng, tôi chọn cách nghỉ việc để giải tỏa áp lực. Nhưng thức tế, có những nhân viên ngân hàng họ có thể chạy theo chỉ tiêu bằng mọi giá như tư vấn mập mờ, cố tình lừa đối khách hàng, khai thông tin không chính xác của khách hàng trên các hợp đồng bảo hiểm,…", chị Thu thông tin thêm.
Chị Trà (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng từ ngân hàng "nhảy việc" sang một quỹ đầu tư với lý do "không chịu được áp lực", trong đó có bán bảo hiểm.
"Mình không phải nhân viên tín dụng, không phải giao dịch viên mà chỉ là nhân viên phòng Marketing, truyền thông nhưng vẫn bị áp chỉ tiêu bảo hiểm. Mới đầu thì kêu gọi người nhà tham gia, rồi đến bạn bè. Đến khi không còn kêu gọi được ai thì lại tự mình mua cho mình và gia đình, dù trong nhà đã có đến mấy hợp đồng bảo hiểm. Tôi nghỉ việc và sẽ xác định sẽ không bao giờ làm ở ngân hàng nữa", chị Trà cho hay.
Trước những "méo mó" của việc phân phối bảo hiểm qua ngân hàng, Phó Thống đốc Đoàn Thái Sơn cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng khẩn trương rà soát, nghiêm túc chấn chỉnh hoạt động đại lý bảo hiểm trên toàn bộ hệ thống, không để xảy ra trường hợp "ép" khách hàng mua bảo hiểm dưới mọi hình thức; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định nội bộ, quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm…
Ngân hàng Nhà nước cũng đã thiết lập đường dây nóng để nắm bắt và kịp thời xử lý các phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp liên quan đến hoạt động đại lý bảo hiểm của tổ chức tín dụng.
Đáng chú ý, Phó Thống đốc cũng đã yêu cầu, các ngân hàng phải tiếp tục rà soát, nghiên cứu xây dựng, cập nhật các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả công việc (KPI) để không gây áp lực đối với nhân viên/đơn vị kinh doanh, không để xảy ra trường hợp nhân viên/đơn vị kinh doanh "ép" khách hàng mua bảo hiểm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.